Top

Thủ tục đào đường còn nhiều cái vướng

Cập nhật 29/10/2008 13:00

Sau 2 lần Báo SGGP đề cập đến việc vì sao các công trình đào đường bị kéo dài, chúng tôi đã trao đổi ông Lê Toàn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM.

* Có phải thủ tục di dời công trình ngầm gây kéo dài thời gian cho các công trình thi công đào đường?

Ông Lê Toàn: Trong những năm qua, hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố đã có những bước phát triển mạnh về quy mô đầu tư và chất lượng công trình.

Tuy nhiên, các ngành liên quan đến quản lý hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật như giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, bưu chính viễn thông và thông tin liên lạc, chiếu sáng, cây xanh …, khi tiến hành đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hoặc sửa chữa các công trình thường thực hiện theo kế hoạch riêng của từng ngành, không có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành trong cùng một dự án hoặc trong các dự án riêng của từng ngành.

Từ đó, đã có rất nhiều khó khăn, bất cập trong công tác quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật hiện nay và cả trong việc di dời công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, nổi phục vụ thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật khác.

Để đẩy nhanh tiến độ di dời công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ triển khai các dự án, tại Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TPHCM (ban hành kèm Quyết định số 17/2008/QĐ-UBND ngày 14-3-2008 của UBNDTP), UBNDTP đã chấp thuận cho phép chủ đầu tư dự án ký hợp đồng và tổ chức chi trả (một lần) tiền bồi thường, hỗ trợ cho đơn vị quản lý chuyên ngành công trình phải di dời theo phương án bồi thường, hỗ trợ (không có dự phòng phí) được cơ quan thẩm quyền xét duyệt.

Đơn vị quản lý chuyên ngành công trình phải di dời có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ di dời và tổ chức thực hiện việc di dời giải phóng mặt bằng đối với công trình theo đúng thủ tục và thời gian quy định.

Mặc dù vậy, trong thực tế, vẫn còn nhiều đơn vị quản lý chuyên ngành công trình phải di dời triển khai rất chậm các thủ tục cần thiết, gây khó khăn cho đơn vị thi công.

* Trước khi đào đường, tại sao không thông báo cho các đơn vị liên quan biết để chuẩn bị kế hoạch và kinh phí để phối hợp di dời?



Ông Lê Toàn.

Trước khi triển khai thi công, các chủ đầu tư đều có thông báo đến các đơn vị quản lý chuyên ngành công trình cần phải di dời để phối hợp thực hiện.

Tuy nhiên, do hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm của TPHCM đã được hình thành từ hàng mấy chục năm nay nên sơ đồ vị trí công trình ngầm do đơn vị quản lý cung cấp chỉ mang tính tương đối, chưa thật sự chính xác, thậm chí vị trí công trình ngầm trong hồ sơ hoàn công và thực tế cũng có khác nhau.

Do vậy, trước khi triển khai thi công, hầu hết các chủ đầu tư đều yêu cầu đơn vị thi công đào thăm dò trước để có biện pháp xử lý, tránh gây chậm tiến độ dự án. Một trong các đơn vị thực hiện tương đối tốt công tác này trong thời gian vừa qua là Ban QLDA đại lộ Đông Tây và môi trường nước.

* Như vậy, việc đào đường không thể nhanh được, lỗi do ai?

Có thể đánh giá một số nguyên nhân trong việc chậm trễ di dời công trình ngầm làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án như sau: Về nguyên nhân khách quan, đó là các quy định, hướng dẫn liên quan các hoạt động xây dựng ngầm đô thị tại Việt Nam chỉ mới được chính thức ban hành tại Nghị định số 41/2007/NĐ-CP ngày 22-3-2007 của Chính phủ; công tác quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm còn nhiều bất cập, công trình của ngành nào do ngành đó quản lý; qua nhiều thời kỳ phát triển, mạng lưới công trình ngầm thành phố càng ngày càng phức tạp, ngoài ra hiện chưa có bản đồ công trình ngầm cho toàn thành phố.

Về chủ quan, một số đơn vị quản lý công trình ngầm còn chậm trong việc lập các thủ tục cần thiết để di dời. Năng lực chủ đầu tư, đơn vị thi công các dự án kém, không nắm bắt đầy đủ các quy định trong công tác di dời công trình ngầm, không chủ động trong việc phối hợp, quan hệ với đơn vị quản lý công trình ngầm cần di dời để đôn đốc thực hiện.

>Đào đường sẽ nhanh hơn nếu…


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng