Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản Việt Nam đang lao đao vì phải đối diện với cuộc khủng hoảng tài chính thế giới.
Ông Dato' Alan Tong, Chủ tịch Ban thư ký FIABCI châu Á - Thái Bình Dương, nhận định, đây là thời điểm khó khăn nhất đối với bất động sản.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Phó tổng giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cũng cho rằng, lạm phát và khủng hoảng tài chính đang lan nhanh sẽ khiến hàng chục tỷ USD vốn của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam khó mà giải ngân đúng hạn.
Mặt khác, từ khi có chủ trương “ghìm cương” thị trường, giá nhà đất rớt thê thảm, có dự án giảm 50% - 60%. Vì thế nhiều doanh nghiệp địa ốc trong nước với tiềm lực tài chính có hạn đang lao đao.
Theo ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành Công ty CBRE, chi phí xây dựng, giá đất và chi phí vốn leo thang là những nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư trong nước không muốn bỏ tiền vào bất động sản. Chẳng hạn, trong quý I/2008, chi phí để xây dựng một m2 biệt thự là 300 USD nhưng sang quý II, mức này đã tăng lên 575 USD.
Tuy nhiên, theo khảo sát của nhiều công ty bất động sản và quỹ đầu tư, nhu cầu của người dân và các doanh nghiệp tại Việt Nam về thuê, mua bất động sản vẫn không ngừng gia tăng. Trong khi đó, nguồn cung lại khan hiếm. Do lượng hàng ít, mất cân đối cung - cầu nên giá thuê mặt bằng tiếp tục tăng bất chấp tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Riêng tại TP HCM, không chỉ mặt bằng bán lẻ mà số lượng căn hộ dịch vụ hiện cũng thiếu trầm trọng. Hiện toàn thành phố chỉ có khoảng 3.000 căn hộ, trong khi số lượng người nước ngoài, đối tượng chính, lại lên đến hơn 50.000 người.
Ngoài ra, TP HCM chỉ có gần 7.000 phòng khách sạn đạt tiêu chuẩn 3-5 sao và cần ít nhất khoảng 30.000 căn nhà cho người có thu nhập thấp, hành chục nghìn m2 nhà ở xã hội. Đây là cơ hội lớn cho những nhà đầu tư có năng lực tài chính.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: