Nên để người dân tự chọn phương thức chi trả tiền bồi thường phù hợp với hoàn cảnh của mình.
Theo đề xuất mới đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) trong dự thảo tờ trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, ngân hàng sẽ “giữ giùm” tiền bồi thường của người có đất bị thu hồi thay vì trả một cục như trước nay.
Số tiền này sẽ được chi trả định kỳ không quá sáu tháng một lần nhằm đảm bảo mức sống bình thường cho người bị thu hồi đất. Phương thức chi trả tiền bồi thường mới mẻ này sẽ được áp dụng đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi toàn bộ diện tích đất mà nguồn thu nhập chính của họ là từ đất bị thu hồi và không có nguồn thu nhập ổn định nào khác.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng việc để ngân hàng “giữ giùm” tiền bồi thường và chi trả nhỏ giọt như phương án trên là không ổn về mặt pháp luật cũng như ý muốn của chủ nhân số tiền đó.
Vi phạm quyền sở hữu
Luật sư Nguyễn Đình Hùng, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng đề xuất của Bộ TNMT là không có cơ sở và vi phạm quyền của người dân có đất bị thu hồi. “Tiền bồi thường là tài sản thuộc quyền sở hữu của người dân. Họ được toàn quyền định đoạt tài sản này” - luật sư Hùng khẳng định.
Về mặt pháp luật đã không ổn, vậy còn thực tế, phương thức chi trả tiền nhỏ giọt có hiệu quả hay không? “Chưa chắc, thậm chí coi chừng còn lỗ và gây hậu quả!” - ông Nguyễn Minh Sỹ, Trưởng Ban giải phóng mặt bằng (GPMB) quận 8, nhận định.
Ông Sỹ nêu hàng loạt câu hỏi: Gửi ngân hàng rồi tiền mất giá thì sao? Ai sẽ bồi thường cho người ta? “Do đó, việc bắt buộc người có đất bị thu hồi gửi tiền bồi thường vào ngân hàng là không khả thi. Theo tôi, nên trả một lần để người dân lấy tiền mua đất khác, đóng tiền mua nhà, đất tái định cư....” - ông Sỹ đề xuất.
Đại diện Ban bồi thường GPMB huyện Hóc Môn cũng cho rằng tiền bồi thường là của người dân thì họ có quyền tự quyết định sử dụng như thế nào cho hợp lý.
“Nhiều năm làm công tác bồi thường GPMB, tôi thấy số người lấy tiền bồi thường ăn xài xả láng cho đến cạn túi là rất ít. Đa số họ dùng tiền để mua lại mảnh đất khác và thường cũng là đất nông nghiệp do gắn bó với nghề nghiệp của họ. Nếu trả nhỏ giọt thì rất khó cho dân. Theo tôi, nhà nước chỉ nên hướng dẫn cho họ cách xài tiền cho thật hiệu quả. Ngoài ra, cần có chính sách đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp thật thiết thực cho người bị thu hồi đất. Có như vậy thì mới thật sự gọi là giúp họ an cư lạc nghiệp” - vị này kiến nghị.
Chỉ nên vận động, không được ép buộc
Quan điểm nhà nước không nên can thiệp vào số tiền bồi thường của người dân được ông Nguyễn Văn Trường, Trưởng Ban bồi thường GPMB huyện Nhà Bè, đồng tình. Ông Trường phân tích, phương án mà Bộ TNMT đề xuất có hai mặt được và không được.
Với những người dân có cuộc sống gắn với ruộng đất, khó chuyển đổi nghề nghiệp thì việc gửi tiền ngân hàng có thể giúp họ hạn chế tiêu xài lãng phí. Do đó, đây cũng là một cách ổn định cuộc sống. Nhưng với người khác có điều kiện hơn, năng động hơn, có thể đầu tư làm ăn mà lại không cho họ lãnh tiền bồi thường một lần thì vô tình lại gây khó cho họ.
Nhận xét đây là một thiện ý của Bộ TNMT nhằm tốt hơn cho người dân, tuy nhiên tiến sĩ Trần Du Lịch cũng thống nhất rằng phương án này chưa ổn về mặt pháp lý cũng như thực tế. Bởi không phải mọi trường hợp người dân đều không biết cách sử dụng số tiền lớn được bồi thường.
Ngoài ra, nhu cầu hoàn cảnh của mỗi gia đình, mỗi cá nhân cũng khác nhau. Chẳng hạn như người ta không thể chuyển đổi nghề nghiệp nên muốn mua đất ở Đồng Nai tiếp tục làm nông nghiệp mà không cho họ lãnh tiền một lần là gây khó cho họ.
“Nhìn chung, đề xuất này có ý tốt nhưng phải có cách làm phù hợp. Tốt nhất là nên vận động để họ tự nguyện thực hiện, không được ép buộc” - tiến sĩ Lịch kết luận.
Cùng quan điểm nên để cho người dân tự lựa chọn phương thức chi trả tiền bồi thường, ông Trần Ngọc Hổ, Phó Chủ tịch UBND quận 12, cho rằng cơ quan nhà nước chỉ nên đóng vai trò giải thích cặn kẽ để người dân nhận biết đâu là cách tốt nhất cho mình.
“Đưa ngân hàng “giữ giùm” hay lãnh tiền bồi thường một lần nên để người dân lựa chọn tùy điều kiện hoàn cảnh của mình” - vị này nêu ý kiến.
Tái định cư, có việc làm mới là căn cơ
Theo ông Trần Ngọc Hổ, Phó Chủ tịch quận 12, để đem lại cuộc sống tốt hơn cho người bị thu hồi đất, vấn đề không phải ở cách chi trả tiền mà là giá bồi thường và những chính sách đi kèm như tái định cư và chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ việc làm. Đó mới là những chính sách căn cơ.
Với người có đất bị thu hồi, câu hỏi đầu tiên họ muốn biết là “Giá bồi thường là bao nhiêu?”. Giá này phải làm sao tiệm cận được giá thị trường. “Với những vùng đất đô thị hóa, trước hay sau gì thì đất nông nghiệp cũng chuyển đổi mục đích. Vì thế, nên thực hiện chính sách chuyển đổi nghề nghiệp cho nông dân từ trước. Còn hiện nay, chỉ khi nào thực hiện dự án thì mới tính đến việc này nên thường không kịp và gặp nhiều khó khăn” - ông Hổ cho biết.
Phải để tự tay chúng tôi gửi tiền vào ngân hàng!
“Nếu số tiền đền bù lớn thì có thể gửi ngân hàng được. Nhưng phải tự tay mình cầm đi gửi” - ông Phạm Văn Để, người có đất thuộc dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương, cho biết. Theo ông Để, bà con nông dân ở đây đều mong muốn sau khi nhận được tiền bồi thường sẽ dùng tiền đó sửa sang lại nhà cửa. Ngoài ra, do đặc thù địa phương có khu công nghiệp nên bà con đều muốn nhận tiền bồi thường một lần để xây nhà trọ cho công nhân thuê. Đó sẽ là khoản thu nhập chính, ổn định cho gia đình sau khi không còn đất canh tác.
Nông dân Nguyễn Văn Nùng (cũng ở trong dự án trên) lại mong muốn tùy theo trình độ của mỗi người, nhà nước phải có chính sách đào tạo nghề cho nông dân. Tuy nhiên, cần tính đến thực tế là lớp trẻ thì có thể vào các nhà máy làm việc chứ người già thì rất khó. “Thật ra dân mình rất biết điều. Thậm chí họ sẵn sàng hiến đất cho các công trình phúc lợi xã hội. Giải tỏa không khó nhưng quan trọng là nhà nước phải tính giá bồi thường cho phù hợp, đúng với giá cả thị trường” - ông Nùng nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: