Top

Thị trường bất động sản Hà Nội - Diễn biến khó lường

Cập nhật 14/07/2011 11:05

Nhìn một cách tổng thể, thị trường bất động sản nói chung đang cực kỳ ảm đạm, một nguyên nhân quan trọng được cho là do nguồn vốn cho bất động sản bị ngân hàng siết chặt lại. Ảm đạm là vậy nhưng tại Hà Nội giá nhà đất nhiều nơi vẫn cao chót vót, nằm ngoài diễn biến chung của thị trường, ngầm chứa nhiều bất ổn.

Những “căn nhà vàng”


Theo thông tin từ các sàn giao dịch bất động sản, giá nhà đất trên địa bàn Hà Nội đang tiếp tục đi xuống. Báo cáo của Công ty Savills Việt Nam vừa công bố, trong quý 2-2011, phân khúc biệt thự, nhà liền kề đã chứng kiến sự sụt giảm về số lượng giao dịch thành công. Thị trường căn hộ cũng có mức giá giảm từ 2%-8% so với quý 1-2011 và giảm 15%-20% so với cùng kỳ năm trước. Giá đất tại nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội như Sóc Sơn, Phúc Thọ, Thạch Thất, Ba Vì… đã giảm từ 5-10 triệu đồng/m² so với tháng 1-2011.

Chị Mỹ Anh, nhân viên môi giới Công ty bất động sản Nam Thanh, cho biết: “Nhiều nhà đầu tư có nhu cầu bán tháo để cắt lỗ nhưng không có khách mua vì thị trường hầu như không có giao dịch”. Không ít khách hàng đã phải ôm quả đắng vì lãi suất tăng trong khi giá đất mỗi ngày một đi xuống.

Phố Lê Văn Hưu (Hà Nội) hiện có giá 500 triệu đồng/m².

Thế nhưng, điều bất ngờ là giá nhà đất trong khu vực nội thành lại hầu như không giảm, thậm chí còn tăng. Đầu tiên phải nói đến các khu đất vàng, nằm trong quận Hoàn Kiếm, Ba Đình của Hà Nội. Thời điểm này, chủ các căn hộ tại đây đều đưa ra giá từ 500 - 700 triệu đồng/m², tăng khoảng 10% so với năm trước. Ví dụ, một căn nhà mặt phố Lê Văn Hưu vừa được giao dịch thành công giá 500 triệu đồng/m², một căn nhà mặt phố Trần Xuân Soạn, gần chợ Hôm - Đức Viên được rao giá 550 triệu đồng/m²…

Chị Thanh Hương, một nhân viên môi giới bất động sản của mạng Diaoconline cho biết, những “căn nhà vàng” này hầu như không cần lên sàn, chỉ cần chủ nhà rậm rịch bán là có ngay các đại gia đến hỏi thăm. Thậm chí, có một đội cò nhà đất chuyên đi săn các căn nhà mặt phố có nhu cầu bán và sau đó, mọi giao dịch diễn ra rất nhanh chóng.

Không chỉ các nhà mặt phố ở khu vực trung tâm, tại các khu phố lớn khác của Hà Nội, giá cũng tăng nhẹ so với năm trước. Ví dụ, nhà mặt phố Trần Duy Hưng, Láng Hạ, Chùa Bộc hiện được rao bán trên dưới 400 triệu đồng/m². Ở các phố nhỏ hơn, bán kính cách hồ Hoàn Kiếm 6-8km, vẫn có giá tới hơn 200 triệu đồng/m² và trong các ngõ là trên dưới 100 triệu đồng/m². Theo một trung tâm môi giới nhà đất, nhà đất thổ cư mặt phố, mặt ngõ vẫn khá dễ bán dù giá cao.

Thiếu công khai, minh bạch

Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, khi giá đất lên quá cao sẽ khó có xu hướng giảm giá và tình hình sẽ trở nên rất phức tạp. Hệ lụy của nó là câu chuyện đòi đền bù 1 tỷ đồng/m² của các hộ dân tại số nhà 22-24 phố Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm) kéo dài nhiều năm. Người dân và chính quyền cuối cùng cũng đạt được thỏa thuận với mức đền bù được tính: tầng 1 phía ngoài mặt phố là 500 triệu đồng/m²; tầng 1 diện tích bên trong là 300 triệu đồng/m²; trên tầng 2 là 200 triệu đồng/m², mức giá cao gấp hơn 5 lần mức giá trần trong khung đền bù giá đất của Hà Nội trong năm 2011.

Ông Tống Văn Nga, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam đưa ra nhận xét, chủ trương chung của Chính phủ là tất cả đều phải theo giá thị trường, thế nhưng với Hà Nội, áp mức giá cụ thể nào lại không dễ. Thông thường, yếu tố quan trọng nhất để thực hiện theo giá thị trường là thông qua giao dịch nhưng giá thị trường đất ở Hà Nội có nơi lên tới 1 tỷ đồng/m² thì áp giá thế nào là vấn đề rắc rối. Rõ ràng là giá nhà đất ở một số khu vực của Hà Nội vượt ra khỏi tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Việc kiểm soát càng trở nên khó khăn hơn khi các giao dịch đất đai chủ yếu vẫn là giao dịch ngầm, chưa công khai minh bạch. Ngoài việc thất thu thuế cho ngân sách nhà nước, chính các giao dịch loại này đã khiến cho nhiều người bỏ tiền ra mua đất rơi vào tình thế nguy hiểm, vì nếu tranh chấp xảy ra thì coi như mất không. Giá nhà đất cao hơn giá trị thật còn làm đội giá các công trình xây dựng, dẫn đến giá cả thị trường bị đẩy lên theo gây xáo trộn xã hội.

Để khắc phục tình trạng này, vấn đề quan trọng nhất là công khai minh bạch trên thị trường, vừa công khai minh bạch thông tin về thu nhập cá nhân, tài sản cá nhân với hệ thống quản lý đất đai, vừa công khai được nhu cầu, khả năng “cung” về đất đai, bất động sản… Thế nhưng, để làm được điều đó với Hà Nội lại là vấn đề nan giải.

Ngày 13-7, Hiệp hội bất động sản Việt Nam đã tổ chức họp báo giới thiệu về đại hội nhiệm kỳ 3 (2011-2016) dự kiến diễn ra vào ngày 16-7 tại Hà Nội. Tính đến thời điểm tháng 7-2011, số thành viên của hiệp hội đã tăng từ 172 hội viên năm 2008 lên hơn 1.200 hội viên.

Ông Tống Văn Nga, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, cho biết một trong những hoạt động sắp tới là phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam rà soát lại 17 luật, bộ luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, kinh doanh bất động sản. Dự kiến, kết quả rà soát sẽ được công bố vào tháng 11-2011. Sau đó, hiệp hội sẽ có những kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.



DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng