Top

Giải pháp nào lành mạnh hóa thị trường BĐS?

Cập nhật 14/07/2011 09:10

Ngày 1-3-2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN về thực hiện giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng, nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.

Ngay sau đó, thị trường bất động sản (BĐS) đã rơi vào cảnh "đìu hiu chợ chiều", giao dịch sụt giảm nhanh. Trước thực trạng này, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, đồng thời đề xuất giải pháp cứu thị trường BĐS…

Tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh sẽ giải quyết tốt vấn đề nhà ở cho người dân. Ảnh: Bảo Lâm

Ông Trương Tuấn Anh (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ): Có chính sách tín dụng hợp lý


Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của Bộ Xây dựng khi cho rằng, Nhà nước cần tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững, giải quyết tốt vấn đề nhà ở cho người dân, đồng thời không để thị trường BĐS trở thành nhân tố tác động đẩy lạm phát tăng cao. Đúng là sau khi NHNN siết chặt các khoản vay đầu tư BĐS, thị trường này lập tức trở nên trầm lắng, giao dịch đóng băng, giá đất giảm sâu, nhất là ở một số khu vực, dự án bị giới đầu cơ đẩy giá lên quá cao so với giá trị thực. Điều đó đã tạo cơ hội cho những người dân có nhu cầu mua nhà ở thực sự.

Tuy nhiên, không ít người trong diện này đang gặp khó khăn trước chủ trương giảm tỷ trọng cho vay BĐS của NHNN. Do vậy, NHNN cần phân loại đối tượng để có chính sách tín dụng hợp lý, điều chỉnh linh hoạt tỷ trọng cho vay với từng đối tượng. Thiết nghĩ, nên giảm tỷ trọng cho vay đối với các khoản mục xây dựng khu đô thị, cao ốc văn phòng cho thuê…, bởi hiện nhu cầu thị trường đã bão hòa. Riêng các khoản vay xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà, xưởng phục vụ sản xuất kinh doanh, vay mua nhà để ở, dự án đang xây dựng dang dở…, NHNN nên tăng tỷ trọng cho vay để người dân có điều kiện cải thiện nơi ăn chốn ở, doanh nghiệp xây dựng có thể tiếp tục hoàn thành sản phẩm, bán và thu hồi vốn đầu tư.

Bà Cao Minh Phượng (phường Liễu Giai, quận Ba Đình): Lành mạnh hóa thị trường

Nhìn vào thị trường BĐS hiện nay, ai cũng nhận thấy sự thận trọng của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ đã mang lại tín hiệu tích cực, góp phần chống lạm phát. Thực chất, thị trường BĐS xưa nay không dựa vào sức mua thực tế mà các "cơn sốt" BĐS đều dựa vào giới đầu cơ. Những năm qua, tình trạng đầu cơ thái quá và đầu tư chệch hướng cung - cầu đã làm méo mó thị trường. Cơn sốt đất tại Ba Vì, Sóc Sơn cách đây không lâu là minh chứng rõ nhất cho việc giá nhà đất đã bị một nhóm người có tiền, có chức, có thông tin… thao túng, đẩy lên cao gấp nhiều lần so với giá trị thực.

Cho dù đang trong tình trạng trầm lắng, thị trường BĐS hiện nay vẫn chủ yếu là nhà đầu tư. Tại Hà Nội, khi một dự án được manh nha hình thành, chủ đầu tư đã nhanh tay bán cho nhà đầu tư thứ cấp để ăn chênh lệch. Tiếp đó, nhà đầu tư thứ cấp lại huy động vốn của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, có lãi khá cao so với giá gốc. Sau khi vay để trả tiền theo tiến độ của dự án rồi họ lại tiếp tục bán cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Đây là nguyên nhân chính tạo nên mặt bằng lãi suất lớn cho các nhà đầu tư BĐS. Theo tôi, nói Bộ Xây dựng đề xuất giải pháp "cứu" thị trường BĐS là chưa chính xác. Bởi đến thời điểm này, giá BĐS vẫn chưa chạm "đáy". Nếu tính bình quân thu nhập đầu người, giá đất tại một số thành phố lớn của Việt Nam thuộc hàng cao nhất, nhì thế giới. Đó là điều hết sức vô lý. Vấn đề ở đây là Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách quản lý phù hợp và linh động, sao cho các doanh nghiệp xây dựng vẫn có thể kinh doanh có lãi, người tiêu dùng được mua nhà đúng giá do công ty xây dựng bán ra, khi đó BĐS sẽ không còn là mảnh đất màu mỡ để giới đầu cơ thao túng…

Ông Nguyễn Quang Thu (phường La Khê, quận Hà Đông): Cơ hội mua nhà của người có thu nhập thấp

Hai vợ chồng tôi đều là viên chức nhà nước, thu nhập chỉ thuần túy dựa vào đồng lương. Sau nhiều năm ở nhà tập thể, cuối năm 2010 chúng tôi có ý định mua một căn chung cư theo hình thức góp vốn nhiều đợt tại Khu đô thị Ecopark (Hưng Yên). Tại thời điểm đó, giá chung cư tại Ecopark lên tới gần 23 triệu đồng/m2, quá cao so với khả năng tài chính của hai vợ chồng. Sau khi NHNN chủ trương siết cho vay tín dụng đầu tư BĐS và chứng khoán, giá nhà tại Ecopark đã "hạ nhiệt" rất nhanh, chỉ còn trên 18 triệu đồng/m2. Giá chung cư, đất nền… tại một số dự án thuộc các huyện ngoại thành cũng giảm sâu, có nơi giảm hàng chục triệu đồng/m2. Đây thực sự là cơ hội để những gia đình có thu nhập thấp, thu nhập trung bình như chúng tôi có điều kiện thay đổi nơi ở, cải tạo điều kiện sống.

Qua đó cho thấy, sự điều hành của Nhà nước mà trực tiếp là NHNN trong chính sách tài chính, tiền tệ có vai trò cực kỳ quan trọng. Thật vô lý khi bao nhiêu năm qua chúng ta đã "thả nổi" thị trường BĐS để cho giới đầu cơ mặc sức hoành hành. Theo tôi, không thể coi việc siết chặt nguồn vốn vay cho BĐS là giải pháp lâu dài để lành mạnh hóa thị trường nhà đất. Nếu chúng ta siết quá mạnh, e rằng thị trường này sẽ "chết nghẹt". Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường quản lý, Nhà nước cần khơi thông các nguồn vốn trong dân, từ các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng nước ngoài… để tạo ra những "kênh" thay thế, cung cấp tài chính cho thị trường BĐS.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới