Top

Thị trường bất động sản “đóng băng”: Các doanh nghiệp địa ốc... còn rất lãi!

Cập nhật 05/06/2008 08:00

DN kinh doanh điạ ốc lỗ nặng, sắp phá sản hàng loạt, lâm vào tình thế đặc biệt khó khăn,… là những lời “kêu cứu” phổ biến mấy tháng qua. Tuy nhiên, nói như Thứ trưởng Bộ XD Nguyễn Trần Nam thì “dư luận đừng quá lo cho các chủ đầu tư, họ còn rất lãi”!

Phía sau những lời “kêu gọi”

Cuối tháng 5 vừa qua, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HOREA) Lê Hoàng Châu kiến nghị cho DN huy động vốn trước khi xây móng! Các DN thuộc HOREA cũng đồng loạt lên tiếng kêu cứu và nhiều DN than thiếu vốn, lỗ lãi.

Theo họ thì do thị trường đóng băng, không bán được sản phẩm và vay vốn ngân hàng khó khăn nên họ đang lâm vào cảnh khốn khó.

Tuy nhiên, trên thực tế thì ngay trong thời điểm này, nhiều DN vẫn tung ra những dự án mới và được thị trường đón nhận.

Cty Nam Long bán gần hết căn hộ An Viên với giá từ 16,5 triệu/m2, Kiến Á vừa ra mắt căn hộ Blooming Park (Q.2 TP HCM) với giá từ 1.700 USD trở lên, Cityland vẫn chào bán căn hộ từ 1.550 USD/m2 tại Vũng Tàu, Sacomreal cũng đang bán hàng loạt dự án của mình…

Riêng các dự án căn hộ cao cấp (CHCC) chỉ xuống mạnh so với “đỉnh sốt” chứ nhiều dự án vẫn cao hơn giá gốc do chủ đầu tư đưa ra. Hiện các dự án đắt giá tại TPHCM như Saigonpearl, The Manor, Phú Mỹ Hưng, Hùng Vương, Everich, Salling Tower… vẫn cao gần gấp đôi giá gốc trở lên với giá từ 2.500- 5.000 USD/m2.

Còn các dự án của Hoàng Anh- Gia Lai, The Vistar, Estala, Sunrise City…dù cho chủ đầu tư đã bán giá gốc từ 2.000 USD/m2 trở lên nhưng giá thực tế vẫn chưa xuống tới giá này.

Ông Trần Hùng Minh, Phó GĐ Cty môi giới BĐS Minh Nam khẳng định: “Chẳng có DN nào lỗ với giá từ 15 triệu/m2 trở lên dù cho vật liệu, lãi suất có tăng cao hơn nữa vì giá thành thực tế mỗim2 cộng tất cả chi phí, đất, vốn liếng… cao lắm chưa đến 12 triệu đồng/m2”.

Trả lời báo chí, ông Nam cũng cho rằng DN địa ốc chỉ giảm lãi và “hiện nay lợi nhuận của Cty BĐS rất lớn, đừng lo cho họ”. Việc H. A công bố con số lãi hàng nghìn tỷ đồng từ điạ ốc với giá gốc hay P.M.H lời hàng trăm triệu USD, V. P.H có lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng… cũng như các DN vẫn đua nhau xin làm dự án BĐS là một minh chứng cho việc họ không lỗ vì “nếu lỗ không ai lao đầu vào làm”.

Ngay cả việc nhiều DN kêu ca không có vốn thực hiện dự án cũng chỉ là “tát nước theo mưa” vì theo khảo sát của chúng tôi, việc yêu cầu khách đóng trưóc tiền để có tiền mua vật liệu như dự án căn hộ Phúc Yên (Tân Bình - TP HCM) chỉ là cá biệt.

Đại đa số các dự án căn hộ vẫn xây dựng dù giá vật liệu leo thang. Cty V-con Tấn Trường, chủ đầu tư dự án V- Star ( Q.7, TP HCM) cho biết dù giá bán chỉ dưới 15 triệu/m2 nhưng nay vẫn đảm bảo tiến độ do Cty đã chuẩn bị kỹ nguồn vốn, vật liệu từ khi khởi công.

Cty Nam Long đang và sắp tung ra nhiều dự án mới thừa nhận sản phẩm bán chạy, thi công đúng tiến độ là do Cty không dựa vào vốn vay hay mua vật liệu “nhỏ giọt” dễ bị động.

Đừng kêu, thị trường còn rộng lắm...

Từ đầu năm đến nay, bất chấp nhiều DN trong nước kêu ca về thị trường BĐS nhưng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này vẫn tăng mạnh. Khá nhiều dự án lớn được cấp phép như dự án khu du lịch phức hợp Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu) do Tập đoàn Asian Coast Development (Canada) đầu tư với số vốn 4,2 tỉ USD; dự án khách sạn 5 sao, khu vui chơi giải trí của Tập đoàn Good Choice (Hoa Kỳ), tổng vốn đầu tư 1,299 tỷ USD.

Tập đoàn Starbay Holding Ltd. B.V.Island đầu tư 1,648 tỷ USD; các tổ chức lớn như Capital Land, Vincom, VinaCapital… tiếp tục triển khai những dự án hàng trăm triệu USD từ Bắc vào Nam…

Điều đó cho thấy thị trường này vẫn hứa hẹn tiềm năng và còn phát triển mạnh trong nhiều năm tới.

GĐ một quỹ đầu tư nước ngoài nhận định: “Nếu thị trường BĐS VN không hấp dẫn thì không nhà đầu tư nào dám mạo hiểm bỏ hàng tỷ USD vào đây. Tôi đồng ý đây là lúc khó khăn nhưng chỉ khó với phân khúc căn hộ cao cấp, giá cao bị đẩy chót vót do đầu cơ, còn phân khúc dành cho số đông vẫn rất ít”.

Ông này còn đặt câu hỏi “lúc thị trường nóng, nhà đầu tư lời hàng ngàn USD/m2 thì có ai san sẽ bớt lợi nhuận với số đông, đóng thuế thêm cho Nhà nước đâu? Đừng kêu ca vì thị trường BĐS VN còn rộng lớn lắm”.

Theo Tiền Phong