Thị trường bất động sản tuy vẫn không có sự chuyển biến đáng kể nhưng đã cho thấy nhiều dấu hiệu lạc quan. Phân khúc nhà ở xã hội đang còn để ngỏ chờ các nhà đầu tư. Dưới đây là tổng kết sơ bộ tình hình thị trường bất động sản trong tuần qua (từ 17-23/08/2008).
Vấn đề mua bán nhà trả góp hiện đang là vấn đề nóng. Do tình hình ngân hàng hạn chế cho vay bất động sản, nhiều chủ đầu tư đã triển khai phương án bán nhà trả góp trong nhiều năm để huy động nguồn vốn từ trong dân.
Đây là hình thức kích cầu thị trường, tạo điều kiện cho những người có nhu cầu thực về nhà ở sớm được mua nhà qua phương thức trả góp đa dạng tùy theo chủ trương doanh nghiệp. Tuy nhiên, người mua nhà và doanh nghiệp cần phải xem xét thật kỹ trước khi quyết định mua bán nhà trả góp để tránh những phiền phức và tổn thất không đáng có.
Thị trường nhà đất vẫn không có sự chuyển biến. Mặc dù mức thuế trước bạ nhà đất đã được giảm từ 2% xuống 0,5% nhưng thị trường vẫn không khởi sắc như nhiều người hy vọng. Bên cạnh đó, ngày 1-1-2009 Luật thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực đã làm cho tình hình thêm phức tạp, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu chuyển nhượng nhanh nhà đất để tránh thuế này.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM), thị trường đã cho thấy những dấu hiệu hồi phục. Rõ ràng, có nhiều phân khúc trên thị trường vẫn còn trống, chờ các nhà đầu tư khai phá, đơn cử như thị trường nhà ở xã hội. Dễ dàng nhận thấy nhu cầu của người có thu nhập trung bình về một căn nhà riêng vẫn còn để ngỏ.
Tại các thành phố lớn có lượng dân cư đông như TPHCM, Hà Nội, Bình Dương… các dự án nhà ở xã hội vẫn hết sức lác đác, doanh nghiệp không mặn mà gì mà ngân hàng cũng không thể cho người mua nhà vay (do việc hạn chế vay bất động sản, lãi suất cao và khâu thẩm định trả nợ gắt gao). Cần phải có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp, tháo bỏ rào cản thì vấn đề nhà ở xã hội mới giải quyết được.
Việc ngân hàng chủ trương hỗ trợ khách hàng chứ không kiên quyết đòi nợ, đẩy doanh nghiệp vào tình trạng khó khăn đã khiến các doanh nghiệp dễ thở hơn phần nào. Tuy nhiên, một vài doanh nghiệp đã phải “nằm im”, không tiếp tục xây dựng công trình để tránh thua lỗ.
Nhiều doanh nghiệp đã đưa ra đề nghị bỏ quy định xây xong móng mới huy động vốn để tăng cường nguồn vốn trong tình hình khó khăn; nhưng vấn đề này cần phải được cân nhắc vì quyền lợi khách hàng, để tránh việc khách hàng mua phải “căn hộ trên giấy”. Và nhằm chấm dứt tình trạng bán nhà trên giấy cho khách tiếp tục diễn ra, Bộ Xây dựng cũng đã kiến nghị mức xử phạt vi phạm (lên tới 500 triệu đồng) sẽ được ban hành vào cuối năm nay.
Hiện nay, thị trường BĐS Hà Nội đang rất được quan tâm. Hà Nội với tổng diện tích gấp 3,6 lần đã mở ra những cơ hội đầu tư mới mà ai cũng có thể dễ dàng nhận ra. Giá đất ở HN cũng đang ở tình hình hợp lý, nhiều sự lựa chọn, trong tương lai có thể giá sẽ tăng nhưng không có nhiều đột biến.
Theo nhiều chuyên gia nhận xét, vị trí nhà đất bây giờ không còn là mục tiêu hàng đầu đối với những đối tượng tìm mua nhà. Ngoài vị trí tốt, còn nhiều vấn đề khác đáng quan tâm nữa như giá bán phù hợp, diện tích tốt, phương thức thanh toán thuận lợi, hạ tầng kỹ thuật, giao thông tốt.
Nhiều vướng mắc vẫn còn tồn tại trong việc xây dựng, quản lý… gây bức xúc như vụ việc 4 đốt hầm Thủ Thiêm đều bị nứt; chuyện nở rộ nhà không phép ở quận 8, TPHCM với sự tiếp tay của chính quyền và các đầu nậu, kết quả cuối cùng vẫn là người dân gánh chịu.
Tại Biên Hòa, nhà không phép cũng xây dựng tràn lan mà vẫn chưa có biện pháp nào của chính quyền để ngăn chặn. Chuyện chung cư cũ vẫn tiếp tục nóng với những vướng mắc trong việc giải quyết đền bù và tái định cư. Tại Hà Nội lại có chuyện khu tái định cư Hòa Lạc bị bỏ hoang, dẫn đến xuống cấp nghiêm trọng gây lãng phí.
Ngoài ra, Bộ xây dựng cũng vừa ra công văn số 12/BXD-TTr chấp thuận cho Sở Xây dựng Hà Nội thành lập Thanh tra xây dựng quận, huyện đối với những địa bàn mới sáp nhập vào Hà Nội. Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh Điều 8 của Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở.
Mặc dù thị trường BĐS hiện đang vẫn lao đao trong chuyện đáo hạn, thế nhưng, nhiều dự án của một số doanh nghiệp vẫn tiếp tục được triển khai: UBND tỉnh Lạng Sơn và Cty CP bất động sản Hà Nội cùng các ngành hữu quan vừa khai trương trung tâm thương mại Phú Lộc IV - chợ Lạng Sơn; Liên doanh Công ty cổ phần Phát triển Nhà Deawon - Phong Phú - Thủ Đức vừa nhận được giấy phép đầu tư dự án bất động sản tại phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Bên cạnh đó, Khu cao ốc căn hộ Blooming Park do Công ty TNHH Đầu tư và dịch vụ Kiến Á (Inveskia) đầu tư với tổng vốn lên tới 100 triệu USD trên diện tích 2,3ha vẫn đang được tiếp tục xây dựng một cách khẩn trương.
Và cũng trong tháng 8 này, Tập đoàn Quản lý khách sạn hàng đầu Thụy Sĩ, Mövenpick Hotels & Resorts sẽ đến VN. Giai đoạn đầu, Mövenpick sẽ quản lý khách sạn Omni Saigon và sẽ dần khai thác mảng thị trường lưu trú cao cấp.
Lam Trà - DiaOcOnline.vn
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: