Top

Thí điểm mô hình chính quyền đô thị: Quản lý “cắt khúc” làm sao văn minh?

Cập nhật 19/11/2008 01:00

Sẽ xóa bao cấp bình quân trong các lĩnh vực công như giáo dục, y tế... Các quy hoạch ngành chi tiết giống như biển báo giúp mọi người tự lưu thông mà khỏi cần cảnh sát giao thông hướng dẫn.

Tại hội nghị đánh giá khởi động dự án “Hỗ trợ cải cách hành chính tại TP.HCM giai đoạn 2008-2011” hôm qua (18-11), ông Châu Minh Tỷ, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết dự án giai đoạn này sẽ tập trung vào vấn đề quản lý đô thị.

Sở sẽ quản “quân” của quận, phường?

Theo ý kiến của các chuyên gia nghiên cứu đề án chính quyền đô thị, nhược điểm lớn nhất của TP hiện nay là quản lý “cắt khúc” theo đơn vị hành chính trong khi bản thân quản lý hệ thống hạ tầng không phải là phục vụ theo đơn vị hành chính. Ý tưởng của dự án giúp TP thực hiện thí điểm tổ chức một số sở không phải là cơ quan tham mưu như hiện nay mà là cơ quan quản lý nhà nước, phải chịu trách nhiệm.

“Quản lý theo cách này, nhân sự của sở sẽ phân bổ từ quận đến phường. Chẳng hạn như Sở Xây dựng sẽ quản lý “quân” liên quan đến lĩnh vực xây dựng từ quận xuống phường. Tùy từng thời điểm có nhiều xây dựng hay có khu vực nào đó xây dựng rầm rộ thì Sở Xây dựng sẽ bố trí nhiều cán bộ xây dựng xuống phường đó. Còn những phường tình hình xây dựng ổn định thì bố trí ít thôi. Vì vậy, công chức của phường lúc đó sẽ không ổn định như bây giờ. Lúc đó, giám đốc sở sẽ chịu trách nhiệm chứ không đổ cho ai hết. Ông chủ tịch quận chỉ giữ vai trò phối hợp các lực lượng của TP có trên địa bàn mình thôi, quyền của ổng sẽ hạn chế. Như vậy nó sẽ thông suốt” - ông Tỷ nói.

Công khai quy hoạch ngành chi tiết

Trao đổi với báo chí, ông Tỷ cho biết dự án sẽ hỗ trợ TP trong vấn đề quy hoạch ngành chi tiết hơn để công bố công khai. Các cơ quan nhà nước căn cứ vào đó để giải quyết hồ sơ cho dân. Ví dụ như lĩnh vực xây dựng quy hoạch đường này được xây mấy tầng thì cán bộ chỉ cần mở mạng sẽ biết. Người dân cũng căn cứ vào quy hoạch này biết được chiều cao tối đa của căn nhà mình là bao nhiêu. Lâu nay TP chỉ quy hoạch áng chừng theo khu vực chứ chưa chi tiết từng đường.

“Quy hoạch ngành chi tiết là một công cụ quản lý thuận tiện. Giống như trong luật giao thông cần có thêm hệ thống biển báo, vạch chỉ dẫn để người lưu thông thực hiện, không cần anh cảnh sát giao thông hướng dẫn, chỉ đường nữa” - ông Tỷ nhấn mạnh.

Bao cấp đúng đối tượng


Ông Tỷ cho hay việc thực hiện xã hội hóa các dịch vụ công được đề cập trong dự án là xóa bao cấp bình quân trong các lĩnh vực công. Chẳng hạn như việc xã hội hóa giáo dục lâu nay không phải là bớt tiền ngân sách đầu tư cho giáo dục mà việc chi cho người thụ hưởng không bình quân như lâu nay. TP sẽ thực hiện phân loại đối tượng, chỉ chi ngân sách cho người nghèo và cận nghèo thôi. Còn những người khá giả phải đóng đủ để có thể nuôi sống giáo viên, đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục. Như vậy, học phí có thể cao hơn nhưng người nghèo và cận nghèo không phải đóng. Hiện nay, học phí thấp và ai cũng đóng như nhau, người khá giả cũng như người nghèo đều được bao cấp như nhau là không hợp lý. Tương tự, trong lĩnh vực y tế, nhà nước sẽ bao cấp cho người cần bao cấp, còn những người có khả năng chi trả phải tự lo.

Ông Nguyễn Trung Thông, Phó Giám đốc dự án, cho biết đang rà soát lại hiện trạng để lập kế hoạch thực hiện cụ thể ít nhất ba mô hình xã hội hóa, triển khai trong năm 2009. Ông Tỷ cho hay dự án đã được một số bộ, ngành liên quan tham mưu và đã được Chính phủ phê duyệt. Dự kiến dự án này sẽ được triển khai thực hiện thí điểm tại 21 sở, ngành và chín quận, huyện của TP.HCM. Việc đơn vị nào sẽ thí điểm nội dung nào đang chờ sự thông qua của UBND TP.

Dự án “Hỗ trợ cải cách hành chính tại TP.HCM giai đoạn 2008-2011” lần này hướng đến bốn mục tiêu:

- Hỗ trợ TP xây dựng mô hình chính quyền đô thị.

- Thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công và xây dựng cơ sở hạ tầng.

- Xây dựng hệ thống thông tin quản lý MIS và GIS để thông tin có hiệu quả hơn cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

- Tăng cường hiệu quả và chất lượng thực thi công vụ của bộ máy hành chính.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP