Giấy hợp đồng mua bán nhà căn hộ có thể mang thế chấp ngân hàng mà không cần có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng) là nội dung chính được Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch đảm bảo (ĐKGDĐB) nói rõ trong công văn số 232.
Theo công văn trên, việc thế chấp sẽ được ký kết dưới dạng hợp đồng thế chấp tài sản phát sinh từ hợp đồng mua nhà ở. Hợp đồng này phải được đăng ký tại một trong các trung tâm đăng ký giao dịch tài sản thuộc Cục ĐKGDĐB. Theo một số cán bộ ngân hàng, công văn này chỉ nhằm “hợp thức hoá” chuyện đã được tiến hành từ nhiều năm nay.
Luật Nhà ở quy định giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở là một trong những điều kiện để xác lập các giao dịch về nhà ở. Quyền sở hữu nhà ở được xác lập từ thời điểm chủ đầu tư bàn giao căn hộ cho bên mua, nhưng để có thể thế chấp thì phải có quyền sở hữu nhà ở. Do vậy, rất nhiều trường hợp không thể tiến hành thế chấp vì chưa có quyền sở hữu.
Tuy nhiên, theo Cục ĐKGDĐB, quyền tài sản được dùng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự được Luật Dân sự cho phép theo quy định tại khoản 1, điều 322. Do vậy, việc thế chấp vẫn được thực hiện. Ông Đàm Thế Thái, giám đốc khối khách hàng cá nhân Ngân hàng An Bình (ABB) cho biết: "Từ nhiều năm nay, khi các ngân hàng hỗ trợ tài chính cho khách hàng mua căn hộ chung cư, thì việc này đã được thực hiện. ABB cũng đã hỗ trợ cho rất nhiều dự án chung cư theo hình thức này. Chẳng hạn khách hàng chỉ trả trước một phần, phần còn lại do ngân hàng đứng ra cho vay cũng là hình thức thế chấp đối với căn hộ chưa có chủ quyền. Việc Cục ĐKGDĐB ban hành hướng dẫn này sẽ giúp cho các hoạt động lâu nay trở nên hợp pháp".
Trước đây, các ngân hàng chỉ áp dụng theo từng dự án cụ thể. Còn theo công văn hướng dẫn, nếu khách hàng đáp ứng các điều kiện thì có thể vay tại tất cả các ngân hàng. Ông Thái nói thêm: "Công việc này đã triển khai từ lâu nên không có gì khó.
Tuy nhiên, với ABB thì việc chọn chủ đầu tư là quan trọng nhất. Chẳng hạn với những dự án của những chủ đầu tư đã có uy tín trên thị trường như Sài Gòn Pearl, The Manor, Pasteur Court, Phú Mỹ Hưng, Vạn Phát Hưng, Botanic… thì chúng tôi sẵn sàng. Có sự chọn lựa ở đây là do độ rủi ro tại các dự án rất cao. Nếu chủ đầu tư không thể đi hết dự án, nghĩa là không thể ra chủ quyền cho khách hàng, thì ngân hàng sẽ bị thiệt hại rất lớn".
Hiện nay, rất nhiều ngân hàng vẫn chấp nhận việc thế chấp kể trên. Đó là chưa kể hầu hết các dự án đều đã có ngân hàng hỗ trợ tài chính mua cho khách hàng.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: