Chỉ vài cơn mưa đầu mùa nhưng TPHCM liên tiếp xảy ra 2 vụ sạt lở, cuốn trôi hàng ngàn m2 đất trên địa bàn huyện Nhà Bè. Theo khảo sát mới nhất của Khu đường sông TPHCM, TP hiện còn đến 36 vị trí có nguy cơ sạt lở cao. Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, những ngày qua, các hộ dân ở tại những khu vực được cảnh báo có nguy cơ sạt lở cao đang từng ngày sống trong nỗi lo sợ.
Sạt lở nhiều nơi
Trong cơn mưa rỉ rả chiều 12-5, chúng tôi trở lại khu vực cầu Kinh Thanh Đa (phường 26 quận Bình Thạnh) - nơi liên tục xảy ra nhiều vụ sạt lở vào mùa mưa năm 2007 làm hàng chục căn nhà tụt xuống lòng kênh - chứng kiến cảnh nhà cửa ở đây hoang tàn, đổ nát do ảnh hưởng của sạt lở.
Có những căn nằm chênh vênh nửa dưới lòng kênh nửa trên mặt đất. Đất nứt vào đến tận mép đường Tầm Vu. Ông Lê Văn Ngọc, Chủ tịch UBND phường 26 thổ lộ: Tất cả 99 hộ dân và 6 cơ quan, đơn vị tọa lạc trong khu vực này đều bị ảnh hưởng bởi sạt lở và phải di dời toàn bộ để thực hiện dự án chống sạt lở kinh Thanh Đa (đoạn 1.3 - từ chân cầu Kinh đến cầu Bình Triệu).
Mặc dù chưa có phương án bồi thường nhưng thấy tình hình sạt lở trong khu vực mỗi ngày mỗi nghiêm trọng nên nhiều hộ dân đã xin tự tháo dỡ nhà nhằm tránh thiệt hại khi sự cố xảy ra. Đã có 52 hộ được tạm cư tại 2 chung cư Mỹ Kim (Bình Thạnh) và Nguyễn Văn Lượng (Gò Vấp); 22 hộ tạm ứng 40 tỷ đồng để tìm chỗ tái định cư. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân ở lại trong những căn nhà khá nguy hiểm này, nhất là đoạn phía đầu cầu Kinh.
Cũng trên tuyến kinh Thanh Đa nhưng ở đoạn từ hạ lưu cầu đến khu dầu khí và đoạn từ thượng lưu cầu đến bờ kè công đoàn (thuộc địa bàn phường 27) dài hơn 1.000m cũng nằm trong danh sách báo động đỏ “khu vực có nguy cơ sạt lở cao”. Khu vực này có đến hàng chục hộ dân nghèo sống chen chúc trong những căn nhà sàn đã mục ruỗng. Nhiều lần bà con ở đây xin được gia cố nhà cửa nhưng phường không thể giải quyết vì cả 2 khu vực này đều phải giải tỏa để thực hiện dự án chống sạt lở đoạn 1.2 và 1.4.
Thấy nguy hiểm chực chờ tính mạng bà con, nhất là khi mùa mưa đến, không biết bao nhiêu lần phường vận động bà con nhận tiền hỗ trợ thuê nhà chỗ khác cho an toàn nhưng người dân kiên quyết không chịu đi bởi nhiều lý do. Cũng có những người thấy nguy hiểm dọn đi nơi khác ở nhưng lại cho người khác thuê nhà để giữ nhà. “Vì vậy, chúng tôi rất mong dự án chống sạt lở cho những khu vực này sớm được thực hiện. Khi nào dân còn ở như thế này chúng tôi không thể nào ngủ yên giấc vì cứ canh cánh nỗi lo...”, bà Phan Thị Liên, Phó Chủ tịch UBND phường 27 nói.
Dự án nhỏ giọt
Trong 36 vị trí có nguy cơ sạt lở cao, huyện Nhà Bè chiếm đến 19 vị trí dọc theo các tuyến sông Kinh, rạch Giồng, sông Mương Chuối, sông Phước Kiểng, rạch Tôm, sông Phú Xuân, rạch Dơi, rạch Ông Lớn 2, kênh Cây Khô, rạch Tắc Bến Rô; địa bàn quận Bình Thạnh có 9 vị trí dọc kinh Thanh Đa và sông Sài Gòn; 1 vị trí ở khu vực ngã 3 sông Cần Giuộc - Chợ Đệm và 6 vị trí ở địa bàn huyện Cần Giờ.
Hàng loạt khu vực có nguy cơ sạt lở cao như thế nhưng qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trong năm 2008 này, Khu đường sông TPHCM chỉ thực hiện có 3 dự án đầu tư chống sạt lở: dự án chống xói lở bờ sông khu vực cầu Phước Long (dài 400m, tổng vốn đầu tư 23 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong 8 tháng) và dự án chống xói lở bờ khu vực cầu Rạch Tôm (dài 272m, tổng vốn đầu tư 15 tỷ đồng) ở Nhà Bè; dự án chống sạt lở kinh Thanh Đa (đoạn 1.3) nói trên.
Lý giải điều này, Khu đường sông cho rằng do nguồn kinh phí hạn chế nên phải ưu tiên đầu tư công trình chống xói lở tại những khu vực bức bách nhất, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân nhất. Hiện nay, cả 2 dự án chống xói lở tại huyện Nhà Bè đã được phê duyệt đầu tư nhưng lại bị vướng đền bù, giải tỏa nên chưa thể triển khai được.
Còn với dự án chống sạt lở kinh Thanh Đa đoạn 1.2 và 1.4 tại phường 27, chủ dự án đang hoàn thiện dự án và chuẩn bị trình Sở GTCC TPHCM phê duyệt. Riêng dự án chống sạt lở kinh Thanh Đa đoạn 1.3, Khu đường sông đã trình cơ quan cấp thẩm quyền phê duyệt. Trong trường hợp dự án này được phê duyệt xong cũng chưa thể thi công ngay do đơn giá bồi thường của dự án vẫn chưa được thành phố thông qua.
Đó là chưa kể, theo ông Lê Văn Ngọc, đơn giá bồi thường đối với các hộ trong hẻm dưới 3m chỉ có 10.050.000 đồng/m2; trong khi đó, diện tích nhà của hầu hết các hộ này đều rất nhỏ mà nhân khẩu lại đông nên sẽ không đảm bảo các điều kiện để tái định cư. “UBND quận Bình Thạnh cho biết sẽ hỗ trợ bằng các chính sách xã hội khác nhưng tôi e rằng mức hỗ trợ bằng chính sách xã hội tối đa cũng chỉ trên dưới 10 triệu đồng/hộ sẽ không giải quyết được vấn đề cho người dân”, ông Ngọc nói.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: