Top

Đề án mở rộng Hà Nội chưa thuyết phục

Cập nhật 14/05/2008 14:00

Báo cáo thẩm tra do ông Nguyễn Văn Thuận, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trình bày hôm qua đã chỉ ra rất nhiều vấn đề còn thiếu, chưa rõ ràng và kém thuyết phục cho đề án mở rộng địa giới hành chính thủ đô.

Trong phiên họp Quốc hội ngày 13-5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn đã đọc tờ trình của Chính phủ dài 13 trang về việc mở rộng địa giới hành chính TP Hà Nội.

Mở rộng Hà Nội là chủ trương được đa số đại biểu tán thành. Tuy nhiên về qui mô, lộ trình thực hiện, cách làm cũng như thời điểm quyết định thì các đại biểu có hai luồng ý kiến. Một là tán thành với tờ trình của Chính phủ về phương án cụ thể mở rộng địa giới hành chính thủ đô. Quan điểm này cho rằng việc đó là chuyện bình thường của mỗi quốc gia.

Hai là chưa đồng ý vì "đây là một vấn đề lớn, quan trọng mang tính lịch sử và rất phức tạp, nhạy cảm, trong khi tờ trình và các tài liệu kèm theo còn quá sơ sài". Các tài liệu chưa đủ luận cứ khoa học.

Báo cáo thẩm tra nêu những câu hỏi chưa được trả lời: Xây dựng thủ đô tiên tiến, hiện đại vì sao nhất thiết phải mở rộng diện tích? Nếu mở thì nên theo hướng nào? Ngoài đề án được trình còn có phương án nào khác?

Trong khi đó, Chính phủ lý giải mở rộng diện tích một cách rất giản đơn, thiếu thuyết phục. Ví dụ: sáp nhập huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) về Hà Nội vì đã có thời gian huyện này thuộc thủ đô và nhằm "khắc phục độ lõm về địa giới hành chính của Vĩnh Phúc". Việc sáp nhập bốn xã thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình) nhằm "khắc phục tình trạng tranh chấp" giữa Hà Tây và Hòa Bình. Hoặc vì vùng rau xanh Hà Tây chủ yếu phục vụ thủ đô, nay Hà Nội trực tiếp quản lý sẽ tạo ra độ an toàn và chất lượng cho thủ đô mới…

Báo cáo thẩm tra chỉ ra rằng tờ trình của Chính phủ chưa chú ý đến yếu tố truyền thống lịch sử - văn hóa. Ở đây là văn hóa xứ Đoài.

Thành phố trong thành phố



Một góc Hà Nội.

Sau khi mở rộng địa giới hành chính thì Hà Nội sẽ tăng diện tích lên 3,6 lần và dân số tăng gấp hai lần hiện nay. Phạm vi quản lý sẽ rộng hơn, địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa nhiều hơn; khối lượng, qui mô các công việc quản lý, điều hành lớn hơn, phức tạp hơn. Vậy thì cán bộ sẽ đảm nhiệm như thế nào? Câu hỏi này tờ trình chưa có giải đáp thỏa đáng.

Báo cáo thẩm tra cho rằng nếu mở rộng Hà Nội theo hướng Chính phủ trình thì dân số thủ đô sẽ có gia tăng đột biến mà phần lớn là dân nông nghiệp, đang còn nhiều khó khăn về đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần. Cộng thêm sự khác biệt về tập quán, thói quen, phong cách sinh hoạt… đòi hỏi của công tác tổ chức đời sống dân cư là rất lớn. Tuy vậy, các giải pháp của Chính phủ chưa được đặt ra, chưa được làm rõ.

Ngay cả một việc đơn giản và không thể thiếu là vạch địa giới hành chính của các tỉnh được điều chỉnh (bên cạnh Hà Nội) và lắp ghép các huyện, xã, TP "con" là Sơn Tây và Hà Đông vào đâu thì tờ trình vẫn chưa làm rõ. Nếu Hà Nội mở rộng thì sẽ có 29 huyện và sẽ là một trong những địa phương có nhiều huyện nhất nước. Vậy các huyện này sẽ được bê nguyên như cũ hay tổ chức lại để quản lý có hiệu quả thì chưa có đáp án.

Theo hiến pháp, TP trực thuộc trung ương sẽ không có đơn vị cấp huyện cũng là… TP. Nhưng nếu sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội thì TP thủ đô sẽ có hai TP "con" là Hà Đông và Sơn Tây. Vậy gọi hai đơn vị này là gì để phù hợp với hiến pháp và tránh những bất cập thực tiễn thì cũng chưa có phương án. Bốn xã của Hòa Bình được cắt về thủ đô cho đỡ bị… tranh chấp thì chưa biết là sẽ cắt về huyện, quận nào hay cứ để vậy.

Cân nhắc thời điểm

Tóm lại có nhiều vấn đề chưa có hướng, thậm chí chưa được nhắc đến trong phương án mở rộng thủ đô nhưng dự thảo nghị quyết về mở rộng Hà Nội đã cho biết là có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2008. Báo cáo thẩm tra khẳng định với mốc đó, các cơ quan, tổ chức không thể có đủ thời gian, vật chất chuẩn bị để thực hiện.

Việc mở rộng TP Hà Nội đòi hỏi một khoản chi từ ngân sách nhà nước rất lớn và kéo dài nhiều năm. Nhưng trong tờ trình của Chính phủ chưa đề cập việc dự kiến nguồn kinh phí đó là bao nhiêu và có thể lấy từ nguồn nào. Có ý kiến cho rằng một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của năm 2008 cũng như những năm tới là kiềm chế và đẩy lùi lạm phát, đảm bảo tăng trưởng kinh tế; thời điểm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội lại đang đến rất gần. Do vậy, thời điểm quyết định điều chỉnh địa giới cần được cân nhắc...

Các đại biểu chung quan điểm chưa đồng ý điều chỉnh địa giới thủ đô đề nghị: trước mắt Chính phủ chỉ đạo Hà Nội và một số địa phương liên quan thực hiện tốt qui hoạch vùng (vừa được Thủ tướng phê duyệt). Đến một thời gian thích hợp sẽ xem xét, quyết định mở rộng Hà Nội hay không. Chính phủ nghiên cứu và trình Quốc hội một đề án khả thi với những giải pháp, lộ trình rõ ràng, cụ thể. 

Cùng ngày, Quốc hội đã nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo: Luật hoạt động Chữ thập đỏ, Luật năng lượng nguyên tử. Các đại biểu thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau trong các dự thảo.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Lê Doãn Hợp đọc tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xuất bản. Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra về dự luật này do chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi trình bày.