Top

Tây Ninh: Thu hồi 2.700 ha đất sử dụng sai mục đích để trồng lại rừng

Cập nhật 29/04/2009 10:50

UBND tỉnh Tây Ninh vừa thông qua kế hoạch xử lý, thu hồi 2.700 ha đất sử dụng sai mục đích để trồng lại rừng tại các dự án rừng Văn hóa - Lịch sử Chàng Riệc, Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát và Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng.

Theo đó, hộ sử dụng đất lâm nghiệp để trồng cây cao su, cây ăn quả sai mục đích tại 2 dự án: Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát và rừng Văn hóa - Lịch sử Chàng Riệc thì tỉnh kiên quyết chặt bỏ toàn bộ cây cao su, cây ăn quả để trồng lại cây rừng theo đúng quy định.

Chủ hộ có diện tích cây cao su, cây ăn quả bị chặt bỏ được sử dụng số cây bị chặt và được ký hợp đồng với chủ rừng trồng lại rừng theo mô hình trồng rừng đặc dụng được UBND tỉnh phê duyệt. Trường hợp diện tích cây cao su và cây ăn quả được trồng lâu năm, có tàn che rộng tại dự án rừng phòng hộ Dầu Tiếng thì xử lý bằng cách chặt theo băng (mỗi băng 4 mét) để trồng xen cây bản địa như: Sao, dầu...nhằm đảm bảo có đủ tàn che phủ, chống xói mòn theo tiêu chuẩn của rừng phòng hộ.

Trường hợp các hộ dân tự ý cày bỏ rừng trồng trong dự án rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để trồng cây cao su, cây ăn quả sai mục đích sẽ bị hủy hợp đồng giao nhận khoán, thu hồi đất để giao lại cho dự án trồng lại rừng. Các trường hợp cất nhà, dựng chòi trái phép trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng phải tự tháo dỡ, di dời trả lại đất. Những hộ nghèo, không còn đất sản xuất sẽ được tỉnh xem xét bố trí tái định cư theo chính sách đối với hộ nghèo.

Thời gian xử lý các trường hợp vi phạm kể trên sẽ được thực hiện dứt điểm từ nay đến cuối năm 2009 theo phương pháp: Phối hợp tuyên truyền, vận động, cán bộ đảng viên phải gương mẫu chấp hành. Trường hợp cố tình né tránh, chống đối sẽ bị cưỡng chế đúng theo quy định của pháp luật.

Theo thống kê của UBND tỉnh Tây Ninh, tại 3 dự án rừng Văn hóa - Lịch sử Chàng Riệc, Vườn Quốc gia Lò gò – Xa Mát và rừng phòng hộ Dầu Tiếng hiện còn khoảng 1.500 hộ dân đang bao chiếm trái phép 2.707 ha đất lâm nghiệp để trồng cây sai mục đích, trong đó có 1.011 ha cao su, còn lại là cây ăn quả, cây ngắn ngày và xây cất nhà cửa trái phép, gây ảnh hưởng rất lớn đến chính sách quản lý đất đai và kế hoạch trồng, bảo vệ rừng của tỉnh.

DiaOcOnline.vn - Theo Bộ TN - MT