Top

Phát triển Đà Lạt - Hướng đến sự hài hòa, hiện đại và giàu bản sắc

Cập nhật 29/04/2009 08:25

Tối nay 29-4, Đà Lạt tổ chức lễ công bố quyết định công nhận Đà Lạt là đô thị loại 1. Nhân dịp này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt (ảnh) về vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch, định hướng phát triển Đà Lạt trong những năm tới.

* Thưa ông, so với một số thành phố khác, Đà Lạt không phải đô thị lớn, vậy tại sao Đà Lạt được công nhận là đô thị loại 1?

Theo Nghị định số 72/NĐ-CP ngày 5-10-2001 của Thủ tướng Chính phủ, việc phân loại đô thị và cấp quản lý đô thị căn cứ trên 5 tiêu chí cơ bản gồm: chức năng đô thị, trong đó xác định vị trí và phạm vi ảnh hưởng của đô thị và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; yếu tố tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trong tổng số lao động; quy mô dân số đô thị; mật độ dân số đô thị và cơ sở hạ tầng đô thị.

Như vậy, việc phân loại đô thị không hoàn toàn phụ thuộc vào khái niệm đô thị lớn hay nhỏ. Sau 10 năm xây dựng đô thị loại 2 (1999-2009), Đà Lạt đã đạt được một số thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và hạ tầng đô thị. Qua xem xét, Hội đồng thẩm định cấp nhà nước do Bộ Xây dựng chủ trì bằng phương pháp chấm điểm đã xác định thành phố Đà Lạt cơ bản đạt những chỉ tiêu trên, với số điểm chấm là 84,2/100 so với điểm chuẩn 70/100 nên đã nhất trí trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Đà Lạt là đô thị loại 1 thuộc tỉnh Lâm Đồng.

* Nếu như các đô thị khác ở Việt Nam, quy hoạch phố thị được hình thành trên cơ sở đã có dân cư, thì Đà Lạt có quy hoạch từ rất sớm - trước khi đưa dân cư vào. Có thể nói, đối với Đà Lạt, quy hoạch đặc biệt được coi trọng. Vậy vấn đề quy hoạch và quản lý quy hoạch ở Đà Lạt những năm qua được thực hiện thế nào?

Ngay từ khi mới khám phá ra Đà Lạt, người Pháp đã quy hoạch và nghiên cứu phát triển thành phố một cách có hệ thống, mang tính chất lâu dài. Việc quy hoạch Đà Lạt có quan hệ mật thiết với từng giai đoạn lịch sử phát triển của thành phố. Chỉ trong giai đoạn 1954 - 1975, Đà Lạt không có quy hoạch mới nào do chiến tranh và trên thực tế không có gì thay đổi so với trước. Đến năm 1977, việc quy hoạch Đà Lạt tiếp tục được triển khai và đến ngày 25-7-2002, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 409/TTg điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Đà Lạt-tỉnh Lâm Đồng và vùng phụ cận đến năm 2020. Hiện thành phố đang hoàn chỉnh đề án điều chỉnh cục bộ quy hoạch 409 cho phù hợp với yêu cầu phát triển, nhất là khi Đà Lạt đã trở thành đô thị loại 1.

Đà Lạt tuy đã được quy hoạch ngay từ đầu nhưng quy hoạch luôn được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Thành phố cũng đã tổ chức xây dựng, ban hành và thực hiện điều lệ quản lý xây dựng TP Đà Lạt theo quy hoạch. Đây là biện pháp rất quan trọng để triển khai quy hoạch trên thực tế.

* Những điều chỉnh quy hoạch sau này có làm mất đi sự hài hòa và bản sắc vốn có của Đà Lạt?

Nội dung cơ bản của điều chỉnh quy hoạch lần này vẫn giữ nguyên cơ cấu hướng phát triển, đó là du lịch, dịch vụ - nông lâm - công nghiệp, trong đó đặc biệt chú trọng du lịch - dịch vụ; có cập nhật các biến động về sử dụng đất, về phát triển hạ tầng, bổ sung các vùng dự án đầu tư lớn giai đoạn 2002-2009. Đà Lạt đang hướng đến một đô thị hiện đại, có bản sắc. Hướng quy hoạch Đà Lạt – thành phố vườn, thành phố trong rừng là không thay đổi nên quy hoạch nghiên cứu rất chi tiết quy mô diện tích, mật độ cây xanh và nhất là quy chế sử dụng, quản lý đất xây dựng trong đô thị Đà Lạt.

Rừng đặc dụng, rừng cảnh quan, rừng nội ô, các công viên và các vùng nông nghiệp cũng được điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của kinh tế đời sống và bảo vệ cảnh quan môi trường. Quy hoạch điều chỉnh còn giải quyết vấn đề nhà ở, phát triển các khu dân cư vùng ven để giải tỏa sức ép trong nội thành, vì vậy, cùng với công tác bảo tồn kiến trúc, Đà Lạt đã nghiên cứu giải pháp thực hiện các khu dân cư vệ tinh, các nhà chung cư để không ảnh hưởng đến cảnh quan thành phố. Với những định hướng và giải pháp nêu trên thì Đà Lạt sẽ bảo đảm giữ được sự hài hòa và bản sắc riêng của mình, vấn đề quan trọng còn lại là việc tổ chức thực hiện.

* Trong định hướng phát triển đô thị, Đà Lạt có những giải pháp gì để phát triển một thành phố du lịch chất lượng cao?

Để xây dựng và phát triển Đà Lạt xứng đáng là đô thị loại 1 thuộc tỉnh, hướng đến mục tiêu trở thành đô thị du lịch chất lượng cao của cả nước, thành phố tập trung vào một số nhiệm vụ như điều hành việc quản lý xây dựng đô thị theo hướng thành phố văn minh, hiện đại, thành phố xanh. Tập trung đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế theo cơ cấu tăng tỷ trọng du lịch - dịch vụ; khuyến khích tạo điều kiện thu hút đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của thành phố; giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất – tinh thần cho nhân dân; quan tâm giải quyết những vấn đề bức xúc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế và thu hút đầu tư.

Về tạo vốn đầu tư phát triển đô thị, tập trung huy động nguồn vốn cho các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội từ nguồn của các nhà đầu tư, từ nguồn ngân sách, nguồn hỗ trợ của nhà nước và từ nguồn xã hội hóa trong nhân dân. Nâng cao năng lực quản lý đô thị, đẩy mạnh cuộc vận động nếp sống văn minh đô thị trong nhân dân, tôn trọng luật lệ giao thông, trật tự đô thị và đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị. Tổ chức kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm trong quản lý đô thị. Đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ các cấp, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với đô thị loại 1.

* Xin cảm ơn ông!

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng