Top

Tập dượt đánh thuế nhà để hạn chế đầu cơ

Cập nhật 14/11/2009 08:55

Ông Phùng Quốc Hiển - Ảnh: Việt Dũng

Một trong những điểm mới của dự thảo Luật thuế nhà, đất (dự thảo Luật) lần đầu tiên được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội tại kỳ họp này là: Đánh thuế nhà ở nhằm góp phần hạn chế đầu cơ. Trao đổi với TTCT, ông Phùng Quốc Hiển (Ủy viên trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách) nói:

Pháp lệnh thuế nhà, đất hiện hành chỉ đánh thuế đất, không đánh thuế nhà, nay dự thảo luật quy định thêm đánh thuế nhà. Tôi nghĩ rằng quy định như vậy là hợp lý, nên coi việc áp dụng thuế đối với nhà tại thời điểm hiện nay như bước tập dượt để tiến tới áp dụng ổn định, phù hợp với thông lệ quốc tế.

* Có ý kiến lo ngại đánh thuế nhà sẽ dẫn đến tình trạng thuế chồng lên thuế, ông nghĩ sao?

- Nhà là tài sản gắn liền với công sức, sự tích lũy lâu dài của người dân. Trước khi có được số tiền xây dựng nhà, người dân đã phải thực hiện nghĩa vụ về thuế, trong đó có thuế thu nhập cá nhân. Trong quá trình xây dựng nhà, người dân phải thực hiện nghĩa vụ thuế khi mua nguyên vật liệu xây dựng, thi công xây dựng...

Tuy nhiên, ở đây không đặt vấn đề “thuế chồng lên thuế”, vì theo như dự thảo luật thì việc đánh thuế nhà chủ yếu mang tính điều tiết một bộ phận nhỏ có diện tích nhà ở vượt quá giới hạn cần thiết.

Nghĩa là không đặt nặng về thu ngân sách, vì toàn bộ dự thảo luật này nếu thi hành chỉ thu vào khoảng 1.200 tỉ đồng (hiện pháp lệnh thuế nhà, đất có số thu bình quân khoảng 500 tỉ đồng mỗi năm), mà với số thu đó thì chi phí hành thu, chi phí quản lý có khi còn cao hơn nhiều. Tôi nhấn mạnh đây chỉ là bước tập dượt để sau này chúng ta sẽ đánh thuế tài sản nói chung.
 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh:

Có nhiều nhà đất thì phải nộp thêm phần thuế chênh lệch

Trường hợp người nộp thuế có quyền sở hữu nhiều nhà ở, quyền sử dụng nhiều thửa đất ở tại nhiều địa phương khác nhau thì phải đăng ký, khai, tính và nộp thuế ở từng nơi có quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở.

Sau đó, người nộp thuế phải lập tờ khai tổng hợp theo mẫu quy định về tất cả nhà ở và đất ở có quyền sở hữu và số thuế đã nộp gửi cơ quan thuế để nộp phần chênh lệch giữa số thuế phải nộp theo quy định của luật này và số thuế đã nộp tại các địa phương.

* Đưa mục tiêu hạn chế đầu cơ nhưng dự thảo luật quy định đối với nhà có giá trị đến 500 triệu đồng mức thuế suất 0%, phần trên 500 triệu đồng thuế suất 0,03%. Với thuế suất thấp như vậy liệu có đạt được mục tiêu trên?

- Có quan điểm thuế suất đối với nhà phải thu rất cao, vì mức thuế suất thấp thì mục tiêu hạn chế đầu cơ thông qua việc sử dụng công cụ thuế là không khả thi, do lợi nhuận thu được lớn gấp nhiều lần số thuế phải nộp. Hơn nữa, với mức khởi điểm tính thuế là 500 triệu đồng thì phần lớn nhà ở hiện nay (nhất là nhà ở nằm ngoài các đô thị lớn) không thuộc đối tượng chịu thuế, để mở rộng đối tượng chịu thuế thì nên lựa chọn mức khởi điểm chịu thuế thấp hơn.

Tuy nhiên, cần lưu ý đây là lần đầu tiên chúng ta bàn đến việc đánh thuế nhà, như vậy thuế đó chỉ để góp phần điều tiết hợp lý việc sử dụng nhà, với định hướng chính là đưa nhà ở vào diện chịu thuế để từng bước kiểm soát, quản lý chứ không thể ngày một ngày hai giải quyết ngay được vấn đề.

* Hiện nay ở các đô thị lớn, tình trạng đầu cơ nhà, gom hàng, “bao sàn” đối với nhà chung cư đang diễn ra phổ biến và đẩy thị trường bất động sản phát triển theo hướng chỉ có lợi cho một bộ phận những người đầu cơ giàu có, gây bất lợi cho người dân thật sự có nhu cầu về nhà ở. Nếu thuế suất không cao thì khó giải quyết được tình trạng trên?

- Thật ra mục tiêu hạn chế đầu cơ nhà, đất là một trong những vấn đề mà Ủy ban Tài chính và ngân sách hết sức quan tâm và thảo luận sôi nổi. Đa số ý kiến trong ủy ban cho rằng đầu cơ là hiện tượng tồn tại song hành cùng quá trình phát triển kinh tế của các quốc gia, đặc biệt là trong nền kinh tế thị trường.

Việc áp dụng công cụ thuế để điều tiết đối với thị trường nhà, đất là cần thiết nhưng chỉ có thể góp phần hạn chế đầu cơ. Vì vậy, trong lần ban hành luật này khó có thể kỳ vọng lấy việc quy định thuế suất cao vượt trội để ngăn chặn hiện tượng đầu cơ mà chỉ có thể đặt ra mục tiêu góp phần hạn chế nó bằng mức thuế suất hợp lý. Trong quá trình thực thi quy định này, cùng với việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu về quản lý nhà, đất sẽ xem xét điều chỉnh thuế suất nếu cần thiết.

* Nhưng ở nước ta hiện cơ sở dữ liệu về quản lý nhà đất chưa đi vào vận hành, thưa ông?

- Đây là vấn đề mà chúng tôi cho rằng sẽ khiến việc triển khai áp dụng một số quy định trong dự thảo luật vào thực tiễn có thể gặp nhiều khó khăn, tính khả thi không cao. Một vấn đề khác là dự thảo luật quy định đối với nhà có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên phải nộp thuế nhưng lại chưa xác định cơ quan nào thực hiện chức năng thẩm định giá trị nhà.

Theo quy định của dự thảo luật thì căn cứ tính thuế là diện tích nhà, đất được ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (gọi tắt là giấy chứng nhận), nếu không có giấy chứng nhận thì căn cứ vào diện tích thực tế đang sử dụng. Tuy nhiên hiện nay tỉ lệ người dân được cấp giấy chứng nhận chưa phải là cao, còn việc xác định diện tích sử dụng thực tế rất phức tạp, khó khăn và tốn kém.


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ