TP.HCM sẽ đẩy mạnh phát triển về phía Đông (quận 2, 9, Thủ Đức), tập trung hình thành khu đô thị sáng tạo.
Nếu năm 1975 Sài Gòn xưa chỉ có gần 3 triệu dân thì 43 năm sau, TP.HCM nay đã vượt 13 triệu dân. Dân số tăng quá nhanh đang đẩy TP từng ngày đối diện các vấn nạn đô thị: ùn tắc giao thông, ngập nước và ô nhiễm môi trường. Tìm một hướng phát triển bền vững cho TP.HCM là việc làm cấp bách. TP đang rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung đến năm 2025, trong đó có lựa chọn các hướng ưu tiên phát triển…
Những lợi thế của khu Đông
Những ngày này nhiều khu vực ở TP.HCM đang sốt đất trở lại. Lần này, khu vực phía Đông TP được xem là điểm nóng khi giá đất liên tục “nhảy múa”, có nơi chỉ trong vòng từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4-2018, giá đất đã tăng hơn 50%.
Nói đến cơn sốt đất đang diễn ra tại phía Đông TP.HCM không thể không nhắc đến địa bàn quận 9. Ngay cả những người có nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh bất động sản cũng sửng sốt khi nhiều khu vực tại quận 9 giá đất còn cao hơn cả khu vực quận 2 (nơi có khu đô thị mới Thủ Thiêm).
Giải mã về cơn sốt đất ở quận 9 nói riêng và khu vực phía Đông TP nói chung, một vị lãnh đạo từng phụ trách lĩnh vực đô thị của UBND quận 9 cho rằng nếu bỏ qua những yếu tố gây sốt ảo thì vấn đề quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông ở phía Đông TP đã có những tác động nhất định. “Hiện nay phía Đông đã có nhiều trục giao thông quan trọng như đường Phạm Văn Đồng, cao tốc Long Thành - Dầu Giây, tiếp đến sẽ là tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Trục quốc lộ 1 kết nối với Bình Dương - Đồng Nai nhiều đoạn cũng đã được mở rộng… Đây là những yếu tố tích cực tác động đến giá đất nền ở phía Đông nói chung và quận 9 nói riêng” - vị lãnh đạo này phân tích.
Theo báo cáo của Sở QH-KT TP.HCM tại hội nghị giới thiệu công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung của TP mới đây, trong kỳ quy hoạch sắp đến TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển về phía Đông. Đây là một trong hai hướng ưu tiên phát triển chính của TP. “Khu vực phía Đông có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển đô thị đồng bộ, hoàn chỉnh, kết nối với sân bay Long Thành và nhiều cực động lực của vùng như Biên Hòa, Nhơn Trạch… Trên thực tế, những năm qua TP đã tập trung đầu tư nhiều công trình giao thông và hạ tầng ở khu Đông” - một lãnh đạo của Sở QH-KT cho biết thêm.
Khu đô thị phía Đông hiện hữu với nhiều khu dân cư mới đang hình thành. Ảnh: TM |
Đưa TP.HCM phát triển năng động và bền vững
Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch vùng TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2076/QĐ-TTg ngày 22-12-2017, mục tiêu của việc điều chỉnh là đưa TP.HCM trở thành đô thị lớn phát triển năng động và bền vững; có vai trò, vị thế quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và hướng tới quốc tế.
Theo đồ án, tổng diện tích toàn vùng TP.HCM khoảng 30.404 km2, bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP.HCM và bảy tỉnh lân cận là Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang. Quy hoạch xác định phát triển vùng TP.HCM theo mô hình tập trung - đa cực; trong đó phát triển TP.HCM với vị thế là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, có vai trò liên kết và hỗ trợ các đô thị trong vùng cùng phát triển.
TP.HCM cũng được xác định là trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia, trung tâm văn hóa, tri thức sáng tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, công nghiệp công nghệ cao tầm khu vực, trung tâm du lịch, tài chính-thương mại và dịch vụ logistics tầm quốc tế.
Sở QH-KT TP.HCM cho biết theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung của TP sẽ phấn đấu hoàn thành nội dung cơ bản trong quý I-2020. Hiện Sở QH-KT chủ trì thực hiện nhiều nghiên cứu chuyên đề để phục vụ công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: