Top

Tăng nguồn cung nhà giá rẻ

Cập nhật 25/05/2013 06:55

Gói tín dụng 30.000 tỉ đồng bơm vào thị trường bất động sản từ ngày 1-6 không nhằm giải cứu thị trường địa ốc mà hướng vào người thu nhập thấp và doanh nghiệp bất động sản để tăng nguồn cung nhà giá rẻ với giá hợp lý

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định như vậy tại hội thảo về các giải pháp tháo gỡ tồn kho bất động sản (BĐS) do Hiệp hội BĐS Việt Nam tổ chức ở TPHCM ngày 24-5.

Chung cư 157R8 Tô Hiến Thành, quận 10 - TPHCM, dự án nhà ở xã hội đã đi vào hoạt động. Ảnh: TẤN THẠNH

Thủ tục vay đơn giản

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, Nghị quyết 02 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vực dậy thị trường có đưa ra gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ tín dụng BĐS. Mục đích của gói này là hướng vào người thu nhập thấp và doanh nghiệp (DN) xây dựng nhà ở xã hội nhằm hỗ trợ người dân có nhà, qua đó góp phần làm cho thị trường BĐS ấm dần lên.

Một trong những vấn đề bức xúc hiện nay là DN bị tồn kho lớn và không quay vòng vốn được. Tại thời điểm ngày 31-3, lượng căn hộ tồn kho tăng 20%, tương đương 33.852 căn; đất nền tăng 3%, tương đương khoảng 1 triệu m2 so với cuối năm ngoái. Ước tính giá trị tổng lượng vốn tồn kho BĐS hơn 111.000 tỉ đồng, trong đó TPHCM 30.000 tỉ đồng và Hà Nội 14.000 tỉ đồng. Đây mới là con số tính trên các dự án đã hoàn thiện. Thực tế, số tiền “nằm chết” trong BĐS còn lớn hơn nhiều nếu tính cả các dự án đang xây dựng dở dang, chưa hoàn thiện…
Theo Cục trưởng Cục Quản lý nhà đất và thị trường BĐS Nguyễn Mạnh Hà, sau một thời gian phát triển nóng, thị trường BĐS bị mất cân đối khi thừa căn hộ cao cấp diện tích lớn, giá bán cao nhưng thiếu căn hộ bình dân phù hợp túi tiền của đại đa số người dân… Do đó, Chính phủ đã yêu cầu rà soát bảo đảm cân đối cơ cấu sản phẩm BĐS phù hợp thị trường, số lượng dự án phải tạm dừng triển khai là tương đối lớn.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện có hơn 60 dự án (với khoảng 30.000 căn hộ) xin điều chỉnh cơ cấu căn hộ, điều chỉnh mục đích sử dụng từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để được hưởng gói tín dụng 30.000 tỉ đồng.

Để tạo thuận lợi cho khách hàng vay vốn, ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết đã mở rộng đối tượng vay rất nhiều và thủ tục cũng đơn giản hơn. Với nhà ở xã hội, khách hàng đã có hợp đồng mua nhà với DN đương nhiên thuộc diện được vay vốn, không cần phải xét duyệt thêm. Khách hàng chỉ cần hợp đồng thuê nhà, thỏa thuận xong phương án trả lãi vay phù hợp là sẽ được vay. Với nhà ở thương mại, khách hàng cần xác nhận có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú có đóng bảo hiểm 1 năm trở lên tại địa phương, chưa có nhà ở hoặc có nhà ở diện tích nhỏ hơn 8 m2 cũng được vay.

“Với cán bộ công chức - viên chức và lực lượng vũ trang, chỉ cần có xác nhận của cơ quan làm việc. Còn người làm việc tự do, người về hưu thì chỉ cần xác nhận của chính quyền địa phương, không phức tạp như dư luận lo ngại” - ông Hà nói.

Nhiều người thu nhập thấp và trung bình đang có nhu cầu nhà ở rất lớn Ảnh: TẤN THẠNH

Giải ngân từng bước

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, nếu so với tổng dư nợ BĐS khoảng 210.000 tỉ đồng, gói 30.000 tỉ đồng tương đương tăng trưởng tín dụng 15% nên sẽ khó giải ngân hết trong năm nay.

Mới đây, BIDV là ngân hàng thương mại Nhà nước đầu tiên trong 5 ngân hàng được chỉ định đã công bố xin triển khai 1/3 gói tín dụng này (10.000 tỉ đồng) để cho vay. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2013, BIDV sẽ giải ngân khoảng 2.700-3.000 tỉ đồng với những dự án đã hoàn thiện. Tín dụng 4 tháng đầu năm chỉ tăng 1,4%, nên con số 30.000 tỉ đồng được bơm vào thị trường sẽ rất đáng kể, kích thích giao dịch mua bán ở phân khúc nhà ở xã hội, từ đó lấy lại lòng tin người tiêu dùng và hy vọng lan tỏa ra các phân khúc khác.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đang đề xuất thêm nhiều giải pháp hỗ trợ DN như khuyến khích DN tham gia xây dựng nhà ở xã hội với mức thuế thu nhập DN giảm còn 10%; giảm 50% thuế GTGT cho người mua nhà ở xã hội và giảm 30% thuế GTGT từ ngày 1-7-2013 đến 30-6-2014 đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh, thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới
15 triệu đồng/m2…

Chính phủ còn quan tâm làm sạch thị trường BĐS qua rà soát, đánh giá lại nợ xấu, phân loại các loại hình nợ xấu theo loại hình DN, tổ chức tín dụng, đối tượng vay vốn; nợ xấu trong BĐS, trong xây dựng cơ bản…, qua đó đánh giá thực trạng tài sản bảo đảm, nguồn gốc pháp lý, giá trị trường của các loại tài sản này để có giải pháp xử lý nợ xấu phù hợp.

Nên ngưng các dự án nhà ở cao cấp

Liên quan đến việc giải phóng hàng tồn kho BĐS, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho rằng hiện chỉ các dự án nhà ở xã hội mới được vay vốn đầu tư. Các dự án BĐS chỉ có thể chuyển đổi một phần sang nhà ở xã hội, không thể chuyển đổi hết nên DN cần tự tính giải pháp chuyển đổi phù hợp với thị trường. Để tiêu thụ hết hàng tồn kho BĐS, không thể một sớm một chiều mà phụ thuộc lớn vào lực cầu, niềm tin của người tiêu dùng.

“Dòng chảy nhà ở xã hội tốt sẽ lôi kéo sự phát triển của thị trường và tạo ra lợi thế cho cả nhà ở thương mại. Việc cần làm lúc này là nên tạm dừng đầu tư các dòng nhà ở cao cấp, không khuyến khích phân khúc này bởi đang quá mất cân đối, càng xây tiếp sẽ càng tồn đọng nhiều” - ông Thành đề xuất.


DiaOcOnline.vn - Theo Người lao động