Top

Sẽ hạn chế đầu tư bất động sản tràn lan

Cập nhật 24/05/2013 08:49

 Luật Nhà ở (có hiệu lực năm 2005) và Luật Kinh doanh bất động sản (có hiệu lực năm 2006) đang bộc lộ một số bất cập cần được sửa đối trong thời gian tới.

Ngày 23-5, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức tổng kết việc thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; Nghị quyết 19/2008/QH12 của Quốc hội (thí điểm người nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam) và lấy ý kiến đề xuất xây dựng Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi.

Thị trường mất cân đối cung - cầu, thiếu nhà ở xã hội, nhà giá rẻ

Thực tế Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản trong thời gian qua là hành lang pháp lý tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển nhà ở, đồng thời thu hút sự quan tâm, đầu tư vào bất động sản.

Theo đó, từ sau khi có Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, đến nay, diện tích nhà ở đã tăng từ 709 triệu m2 lên 1,6 tỷ m2; 3700 dự án khu đô thị, nhà ở được triển khai thay thế cho hình thức phát triển manh mún. Kinh doanh bất động sản mang lại nguồn thu đáng kể, từ 5.400 tỷ đồng năm 2002 tăng lên 67.000 tỷ đồng năm 2011. Đến nay, đã có 400 kiều bào, 121 cá nhân người nước ngoài, mua, sở hữu nhà ở tại Việt Nam.


Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, nhiều quy định của luật chưa đi vào cuộc sống, chưa khuyến khích việc phát triển nhà xã hội, nhà giá rẻ khiến cho thị trường mất cân đối cung - cầu. Điển hình là ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… thiếu nhà ở giá thấp và giá trung bình; quy định về quy hoạch quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, tiêu chuẩn thiết kế hoặc quy định không cho phép bán nhà ở xã hội… chưa rõ ràng gây khó khăn cho người dân và cơ quan quản lý.

Mặt khác, Luật Kinh doanh bất động sản chưa đưa ra được khung pháp lý hiệu quả cho phép mọi loại bất động sản được tham gia thị trường như: quyền sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm, đất có thu tiền sử dụng đất, những tiền thu có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước… Luật cũng chưa có quy định bắt buộc mọi giao dịch bất động sản phải được thực hiện trên thị trường chính thức…

Tiếp đó, hệ thống pháp luật nhà ở và kinh doanh bất động sản còn chưa đồng bộ với pháp luật về đất đai, đầu tư, quy hoạch và tài chính. Theo đó các quy định về tạo quỹ đất cho phát triển dự án bất động sản vẫn mang nặng tính xin-cho; trong khi pháp luật không có quy định yêu cầu các địa phương phải lập kế hoạch phát triển nhà ở, bất động sản nên tình trạng bất động sản phát triển tràn lan, theo phong trào xảy ra khá bổ biến. Nhiều chủ đầu tư không có đủ khả năng tài chính nên dẫn đến dự án chậm triển khai….

Thị trường bất động sản sau giai đoạn phát triển nóng (2007- 2008), đến nay lại bị đóng băng, hàng hóa tồn kho nhiều, dẫn đến gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, giảm thu ngân sách nhà nước, gây đình trệ sản xuất nhất là đối với ngành vật liệu xây dựng, kinh doanh hàng trang trí nội thất… Theo báo cáo của 50/63 địa phương, hiện nhà ở đã tồn kho hơn 42.000 căn (gồm cả căn hộ và nhà thấp tầng), văn phòng cho thuê tồn khoảng gần 93.000m2, đất nền nhà ở hơn 7,9 triệu m2; ước tính giá trị tổng lượng vốn tồn kho khoảng 111.963 tỷ đồng.

Lập kế hoạch hàng năm để tránh đầu tư tràn lan

Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định như: bỏ các quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (để không chồng chéo với Luật Đất đai); bổ sung các quy định có liên quan đến công nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu nhà ở riêng lẻ, quyền sở hữu nhà chung cư…; UBND cấp tỉnh phải lập kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm để tránh đầu tư tràn lan, không theo quy hoạch; thêm các quy định về phát triển nhà ở xã hội, nhà công vụ, nhà tái định cư..; đưa các nội dung mới về tài chính phát triển nhà ở, giao dịch về nhà ở.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng cũng dự thảo việc bổ sung quy định cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở như cá nhân trong nước; mở rộng đối tượng người nước ngoài, loại hình nhà ở người nước ngoài được sở hữu tại Việt Nam; cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không có chức năng kinh doanh bất động sản được mua, sở hữu văn phòng làm việc…

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Bộ tiếp tục trưng cầu các ý kiến đóng góp từ các cơ quan trung ương và địa phương, tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các doanh nghiệp, nhà khoa học… đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản dự kiến sẽ trình Quốc hội trong thời gian tới.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà nội mới