Hiện tượng sốt đất chưa từng có đang diễn ra tại TP.HCM và các tỉnh vùng ven, cũng như ở Phú Quốc khiến giới đầu tư “lùng sục” các sản phẩm đất nền để lướt sóng, chấp nhận chi chênh tiền tỷ đang được cảnh báo nhiều rủi ro, nguy cơ bong bóng BĐS. Nhiều đánh giá cho rằng, tâm lý đám đông là căn nguyên của cơn sốt đất hiện nay.
Đất nền tại khu ven Sài Gòn chủ yếu được nhà đầu tư mua đi bán lại.
|
Ồ ạt lướt sóng, thổi giá
Khoảng 2 - 3 tháng nay, tình trạng sốt đất tại TP. HCM và các khu vực vùng ven như Dĩ An (Bình Dương), Biên Hòa, Long Thành (Đồng Nai) hay tại Phú Quốc (Kiên Giang) diễn ra mạnh mẽ và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tâm lý một bộ phận các nhà đầu tư (NĐT) cho rằng giá vẫn sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới nên họ gấp gáp săn lùng các sản phẩm đất nền đẹp, có pháp lý đầy đủ để lướt sóng ngắn.
Trong vai một nhà đầu tư đi mua đất, phóng viên ghi nhận không ít trường hợp NĐT quyết định xuống tiền gom hàng rất nhanh chóng. Cụ thể, nhận thấy môi giới vừa rao bán 1 nền đất 50,4m2 tại P.Long Phước, Q.9, anh Trưởng (ngụ Q.Bình Thạnh, TP HCM) đã nhanh chóng xuống xem đất và quyết định đặt cọc 100 triệu đồng cho chủ đất trong sáng cùng ngày. Được biết, miếng đất này được chủ đất rao bán 1,2 tỷ đồng, môi giới bán cho anh Trưởng với giá 1,26 tỷ đồng. Dù biết chênh so với giá nhà đầu tư thu về nhưng anh Trưởng không chần chừ đặt cọc vì cho rằng miếng đất có vị trí khá đẹp, có thể bán chênh cao hơn nữa sau đó.
Tương tự, một nhà đầu tư sau khi được môi giới dẫn đi xem miếng đất 60m2 đã có sổ tại KDC Eco 2 (P.Long Trường, Q.9) đã quyết định mua và đi công chứng sang tên ngay sau đó. Mặc dù giá nền đã lên gấp đôi so với thời điểm mua vào (cuối năm 2015) nhưng nhà đầu tư này cho hay, mua để đó vì giá vẫn sẽ tiếp tục lên nữa. Một nhà đầu tư khác là anh Trương Minh Khá (ngụ tại Q.Thủ Đức) tuần trước đã nhanh tay chi tiền cho 1 nền đất 75m2 tại KDC Đại Quang (Dĩ An, Bình Dương) với giá 1,4 tỉ đồng/nền với hy vọng sẽ thu lời cao sau vài tháng.
Còn có những trường hợp NĐT vừa giao dịch xong với môi giới và chủ đất thì gửi luôn môi giới đó chào chênh khách đầu tư khác. Tùy từng nền, nhà đầu tư có thể hưởng chênh từ 50-100 triệu đồng/nền. Thậm chí, có NĐT thu về từ 150 – 200 triệu đồng/nền sau 1-2 tuần lướt sóng. Điều đáng nói, hiện giá đất nền dù đang ở mức cao ngất ngưởng nhưng cứ hễ có hàng bán ra là NĐT tranh nhau mua bằng được vì sợ “mất phần”.
Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian gần đây, đất được rao bán có mức tăng liên tục theo ngày/tuần chủ yếu do các NĐT thứ cấp lướt sóng, thổi giá. Hiện tượng này diễn ra phổ biến tại khu ven TP.HCM và khu vực lân cận. Có 1 số NĐT lâu năm phân tích thị trường và tham gia đón đầu “cơn sốt”, nhưng đại đa số các NĐT khác là chạy theo tâm lý đám đông, đầu tư theo phong trào. Và điều này đang dẫn tới những nguy cơ tiềm ẩn…
Nguy cơ “vỡ trận”, nhiều người mất tiền tỷ
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Khánh Quang, Chủ tịch Hội cà phê bất động sản Sài Gòn đã chỉ ra những nguyên nhân khiến đất vùng ven tạo cơn sốt từ thời điểm sau Tết nguyên đán đến nay.
Thứ nhất, giá đất lên cao là do đất nền khu ven, lân cận TP.HCM thời gian qua đã đi theo chiều hướng tăng giá, không giảm. Việc giá tiếp tục leo thang từ thời điểm sau Tết tại TP.HCM nằm trong xu hướng tăng giá này.
Thứ hai, nguồn cung đất nền khu vực TP.HCM nói chung, các khu vực ngoại thành nói riêng hiện rất hạn chế. Có đến 60-70% các NĐT có tâm lý không có hàng để mua. Từ tâm lý đó, họ tiếp tục gom hàng và đẩy giá, khiến giá đất ngày một tăng cao.
Thứ ba, một nguyên nhân tưởng chừng không ảnh hưởng trực tiếp nhưng lại có tác động rất lớn đến việc sốt đất khu ven Sài Gòn ở thời điểm hiện tại, đó chính là: Cơn sốt đất Phú Quốc, Nha Trang thời gian gần đây đã ảnh hưởng đến tâm lý của NĐT, đó là đầu tư đất khi thị trường sốt có thể thu lời rất nhanh và cao. Vì vậy, hàng loạt NĐT cùng lúc tìm kiếm nguồn hàng để lướt sóng khiến giá đất bị đội lên chóng mặt.
Còn theo bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ BĐS Eximland (EXIMRS) thì vụ cháy chung cư Carina đã có sự tác động đáng kể tới tâm lý thị trường. Sự chuyển hướng của NĐT khiến đất nền ven và lân cận TP.HCM có hiện tượng “sốt” trên diện rộng.
Tại các văn phòng công chứng ở Phú Quốc, số lượng người đến giao dịch giảm mạnh so với tuần trước (Ảnh Phúc Hưng) |
Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty DKRA Việt Nam cũng cho hay, xu hướng giãn dân về vùng ngoại thành ngày càng mạnh mẽ được xem là một trong các nguyên nhân khiến đất nền ven TP tăng giá mạnh thời gian gần đây. Nhưng quan trọng hơn, hiện nhiều NĐT và người dân đang chạy theo tâm lý đám đông, rút tiền ở các kênh đầu tư khác đổ vào đất nền nhằm thu lời cao và nhanh hơn. Thị trường đất nền đang bị giới đầu cơ bất động sản cầm trịch, người mua thực tham gia không nhiều.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, việc NĐT chủ yếu từ miền Bắc, trong đó đến từ Hà Nội là số đông đổ xô vào các khu vực trên mua đất với một cách dễ dãi theo phong trào, khi giá đất nào cũng sẵn sàng mua bán góp phần tạo nên cơn sốt đất diễn ra ở các khu này.
Tuy nhiên, vị này đưa ra nhận định điều này cũng khiến việc việc đầu tư ảo trong BĐS dễ dẫn đến nhiều rủi ro khi theo phong trào, theo “cơn lốc”. "Dù khi nhà nước thông qua Luật về khu kinh tế cho các khu vực nhưng với giá BĐS bị thổi quá cao như hiện nay sẽ là một trở ngại, kìm chân những nhà đầu tư chân chính, gây nhiều rủi ro", vị này cảnh báo.
Theo các chuyên gia, giá đất đang vượt quá xa so với giá trị thực. Nếu nhà nước không có biện pháp ngăn chặn kịp thời tình trạng NĐT ồ ạt đầu tư theo tâm lý đám đông, thổi giá đất như hiện nay có thể sẽ khiến thị trường vỡ trận. Cuối cùng, người mua ở thực vẫn là người chịu thiệt thòi nhất, giấc mơ mua nhà ngày càng vượt xa khả năng của họ.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: