Dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết được Chính phủ đồng ý tách thành hai phần: một phần được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, một phần đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), theo thông báo từ Văn phòng Chính phủ ngày 24-8.
Phối cảnh đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - Ảnh: Bitexco
|
Trong đó, hợp phần 1 từ Dầu Giây đến Xuân Lộc thuộc tỉnh Đồng Nai dài 36 km được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước thông qua nguồn vốn vay của Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB). Đoạn này sau khi hoàn thành sẽ đấu thầu nhượng quyền khai thác cho nhà đầu tư.
Còn hợp phần 2 từ Xuân Lộc (Đồng Nai) đến Phan Thiết (Bình Thuận) dài 62 km, được giao cho Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tiếp tục phối hợp với WB nghiên cứu, xây dựng cơ chế đầu tư theo hình thức PPP.
Một nguồn tin từ Bộ GTVT cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc phải tách dự án thành 2 phần vì vướng nhiều thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thứ hai và bảo lãnh doanh thu cho dự án.
Trước đó, Bộ GTVT và Ngân hàng Thế giới đã lên kế hoạch dự kiến khởi công dự án này vào tháng 9-2015 khi lựa chọn xong nhà đầu tư thứ 2 thông qua đấu thầu cạnh tranh. Tuy nhiên, đến nay dự án không chọn được nhà đầu tư thứ 2 dù trước đó có đến 100 nhà đầu tư quan tâm đến dự án khi Bộ GTVT giới thiệu, quảng bá dự án này tại Ấn Độ, Hàn Quốc và Singapore vào năm ngoái.
Dự án này trước đó cũng đã được Chính phủ lựa chọn Tập đoàn Bitexco là nhà đầu tư thứ nhất sẽ đóng góp 60% phần vốn của dự án, nhà đầu tư thứ hai sẽ đóng góp 40% phần vốn còn lại.
Khi đầu tư dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết nhà đầu tư được hưởng rất nhiều ưu đãi. Các đơn vị trúng thầu sẽ được hỗ trợ một khoản kinh phí không hoàn lại từ quỹ của Ngân hàng Thế giới; đồng thời các nhà đầu tư cũng không cần phải vay thương mại bên ngoài vì Ngân hàng Thế giới cung cấp một khoản vay khác có lãi suất thấp hơn so với vay thương mại.
Về giải phóng mặt bằng, Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn để có mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Ước tính sơ bộ phần vốn tham gia của nhà nước để đảm bảo tính khả thi về tài chính của dự án vào khoảng 257 triệu đô la Mỹ.
Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 98,7km, điểm đầu nối với đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, điểm cuối nằm trên tuyến quốc lộ 1A đi Ba Bàu, Bình Thuận. Tổng chi phí xây dựng dự kiến khoảng 750 triệu đô la Mỹ.
Việc xây dựng đường cao tốc này nhằm rút ngắn thời gian đi từ TPHCM đến khu vực Nam Trung bộ, đồng thời giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra ở quốc lộ 1A hiện nay.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: