Nhà nước quyết tâm hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào cuối năm 2005, nhưng nay sắp đến cuối năm 2007 vẫn thấy mục tiêu còn khá xa vời. Câu chuyện liên quan đến "sổ đỏ", "sổ hồng".
Ế 65.000 sổ đỏ
Hiện ở Việt Nam tồn tại 4 loại giấy chứng nhận (GCN) bất động sản: GCN quyền sử dụng đất cấp theo Luật Đất đai 1993 ("sổ đỏ" cũ) cấp trước ngày 1/7/2004; GCN quyền sử dụng đất cấp theo Luật Đất đai 2003 ("sổ đỏ" mới) cấp từ 1/7/2004 trở về sau; GCN quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị cấp theo Nghị định 60 ("sổ hồng" cũ); và GCN quyền sở hữu nhà ở theo Luật Nhà ở ("sổ hồng" mới).
Nhiều loại giấy như vậy đã tạo nên một hệ thống đăng ký không thống nhất, thực hiện ở nhiều cơ quan khác nhau, với nhiều mẫu giấy khác nhau khiến cho người dân gặp khó khăn. Ông Ngô Trọng Khang, Giám đốc Văn phòng đăng ký nhà, đất Hà Nội khẳng định: "Điều này tạo nên một hệ thống thủ tục hành chính phức tạp đối với người dân khi giấy tờ về đất phải nộp ở cơ quan quản lý đất, giấy tờ về tài sản gắn liền với đất phải nộp ở nhiều cơ quan quản lý khác nhau; mỗi lần chuyển mục đích sử dụng đất lại phải đổi GCN".
Thủ tục lấy GCN phiền hà như vậy nên theo Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Nội, hiện có tới 65.000 trường hợp người dân chưa đến nhận sổ đỏ. Nguyên nhân là những người được cấp sổ đỏ trong 2 năm (2005 - 2006) phải nộp lệ phí trước bạ đất theo giá đất mới cao hơn từ 8 - 15 lần giá đất năm 2004.
Mức lệ phí này là gánh nặng đối với nhiều hộ gia đình, đặc biệt, dân sống ở ngoại thành (đất rộng, thu nhập thấp) càng không có khả năng nộp lệ phí trước bạ, thuế chuyển quyền sử dụng đất để được nhận giấy chứng nhận theo quy định.
Cũng theo Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Nội, Hà Nội hiện cũng còn khoảng 27.300 trường hợp đang sử dụng đất (SDĐ) ở, nhưng chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) theo các quy định của pháp luật.
Mẫu giấy làm thay đổi... tổ chức
Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ đã "tổng kết" về câu chuyện sổ đỏ, sổ hồng như thế. Bắt đầu từ năm 1994 (khi Luật Đất đai năm 1993 bắt đầu triển khai, trong đó có việc cấp "sổ đỏ" về quyền sử dụng đất), Chính phủ ban hành Nghị định số 60/CP ngày 5/7/1994 về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị, trong đó có việc cấp"sổ hồng" về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị.
Từ đó, hàng loạt bất cập và bức xúc đã xảy ra; và cuối cùng, để xử lý thì tất cả các thành phố trực thuộc Trung ương đã phải sáp nhập nhà đất với địa chính thành Sở Địa chính - Nhà đất, nhiều tỉnh có đô thị lớn đã giao nhiệm vụ quản lý nhà ở tại đô thị cho Sở Địa chính. Một mẫu GCN tài sản mà làm thay đổi cả tổ chức.
Cũng từ đó, hàng loạt đề xuất các mẫu sổ khác cho việc cấp GCN cho quyền sử dụng đất kèm tài sản gắn liền với đất thuộc phạm vi quản lý của mình: "Sổ xanh lá cây - lâm bạ" cho đất lâm nghiệp, "Sổ tím" cho công sản, "Sổ xanh nước biển" cho khu công nghiệp.
Câu chuyện rất tương tự về "sổ đỏ", "sổ hồng" lại diễn ra vào 10 năm sau (2003 - 2004), chiều hướng phức tạp hơn và diện rộng hơn vì phạm vi điều chỉnh cho toàn bộ nhà ở, đất ở cả nông thôn lẫn đô thị.
Về những bất cập của "sổ hồng", giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường và nhà đất Hà Nội Vũ Văn Hậu đã từng nói: "Việc cấp GCN quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất theo Luật nhà ở có rất nhiều bất cập gây khó khăn tốn kém kinh phí, công sức và sự đồng thuận của nhân dân".
Thực tế việc kê khai, đăng ký cấp “sổ đỏ” là yêu cầu bắt buộc đối với người sử dụng đất trong khi việc cấp “sổ hồng” chỉ là theo nhu cầu. Điều này khiến tâm lý người dân không muốn đến đăng ký xin cấp. Ngoài ra, việc cấp hai loại GCN cho đất và tài sản trên cùng một mảnh đất gây phiền hà cho người sử dụng khi tham gia thị trường bất động sản.
Ông Hậu cũng lo ngại sự phức tạp này sẽ làm hạn chế việc buôn bán, giao thương của người dân, vì sổ hồng sẽ không được ngân hàng chấp nhận thế chấp. Một vấn đề khác cũng nảy sinh là khi ngôi nhà đã được cấp giấy đó nếu bị tiêu huỷ hoặc phá dỡ thì giấy này đương nhiên sẽ không còn hiệu lực, trong khi sổ đỏ cấp theo Luật Đất đai thì vẫn còn.
Hợp nhất sổ - ai cấp?
Tính đến nay, có khoảng 20 triệu "sổ đỏ" cả cũ và mới được cấp và có khoảng 1 triệu "sổ hồng" được cấp. Dưới con mắt một nhà khoa học, ông Đặng Hùng Võ cho rằng cần có 1 loại "sổ" thống nhất cho mọi loại bất động sản được cấp theo một quy trình đăng ký thống nhất, theo một hệ thống hồ sơ địa chính thống nhất và được quản lý trong một tổ chức thực hiện thống nhất. Đây là một nguyên lý cơ bản của khoa học hiện đại về quản lý đất đai và bất động sản.
Mới đây, trong một cuộc họp liên bộ Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tư pháp đã thống nhất sẽ thiết kế lại mẫu GCN chủ quyền nhà đất trên tinh thần hợp nhất 2 loại GCN quyền sử dụng đất ("sổ đỏ") và GCN quyền sở hữu nhà ("sổ hồng").
Khả năng mẫu giấy mới sẽ thừa kế cơ bản nội dung "sổ hồng" hiện nay và có tên gọi là GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản gắn liền với đất. Cuộc họp thống nhất sẽ trình Thủ tướng quyết định theo hướng sẽ ban hành nghị định để chính thức hóa việc này.
Tuy nhiên, một nội dung mà cuộc họp hôm qua không thống nhất được là cơ quan nào sẽ thực hiện việc cấp GCN. Theo kiến nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan được Chính phủ giao nghiên cứu phương án hợp nhất) thì nơi cấp giấy nên là 1 trong 3 cơ quan: Tòa án, Bộ Tư pháp hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việc này cũng sẽ được trình Thủ tướng quyết định.
Theo VietNamNet
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: