Trong các phần quảng cáo sản phẩm căn hộ chung cư, hầu hết chủ đầu tư đều khẳng định tòa nhà của mình có chất lượng tốt nhất, đáp ứng mọi nhu cầu khách hàng. Nhưng thực tế, nhiều loại hình dịch vụ cần thiết lại không có, nếu có thì nhiều khi lại không hữu dụng.
Nhiều dịch vụ tiện ích, như thang máy, được xem là chuẩn để chung cư trở thành cao cấp. Tuy nhiên, có những thang máy ở chung cư trở thành nỗi ám ảnh đối với người thụ hưởng. Theo ý kiến của nhiều kiến trúc sư, hệ thống thang máy đúng chuẩn của một tòa nhà chung cư là phải có hệ thống thang máy tải. Nhưng để tiết kiệm, nhiều nhà đầu tư đã cố tình quên chữ “tải”, khiến cư dân tòa nhà bị tước mất tự do khi đi mua sắm vật dụng cho căn hộ của mình.
Chị Dương, cư dân tầng 6, chung cư Gia Phúc, quận Thủ Đức (TP HCM) do Công ty cổ phần xây dựng số 8 làm chủ đầu tư, cho biết thang máy chỉ dành cho người nên không thể chuyển được những vật dụng lớn. Nếu chịu khó khiêng vật dụng qua hệ thống thang bộ cũng không thể, do thang bộ chỉ được xem là thang thoát hiểm, chiều ngang hẹp và độ dốc rất lớn: "Mỗi lần đi sắm đồ, tôi phải tính đến chuyện món đồ mình mua có phù hợp với kích cỡ thang máy hay không. Chẳng may mua phải thứ lớn hơn thì chỉ có nước ra cửa hàng xin đổi lại thứ nhỏ hơn hoặc xin lại tiền. Có lần đi mua kệ TV, cái mình thích thì kích cỡ quá lớn, đành phải chọn cái nhỏ. Bây giờ, hễ đi mua vật dụng gì lớn đều phải thỏa thuận với cửa hàng là phải chuyển lên được tới nhà”.
Thông thường, để hỗ trợ cho khách hàng mua căn hộ, các chủ đầu tư thành lập đội ngũ quản lý riêng và giao cho đơn vị này nhiệm vụ quản lý an ninh trật tự. Nhiều công ty ra những điều lệ ngặt nghèo chẳng thua gì các… sân bay. Anh Kiên, một Phó giám đốc công ty địa ốc, cư dân của chung cư Bàu Cát 2, than vãn: “Quy định của đội quản lý là sau 23h toàn bộ chung cư sẽ đặt trong tình trạng nội bất xuất, ngoại bất nhập. Nhiều khi vì công việc phải tiếp khách, về trễ 30 phút, gọi cửa nhân viên bảo vệ nhất quyết không mở. Mang tiếng có nhà nhưng lại phải ra ngoài thuê khách sạn hoặc ngủ nhờ nhà bạn bè”.
Đó là dịch vụ dành cho người quá cố cũng không ở đâu có. Chung cư xây dựng đến vài trăm căn hộ nhưng lại chẳng chừa ra được một chỗ để làm nơi lo hậu sự. Hầu hết các chủ đầu tư chỉ chăm chăm chỗ dành cho người sống vì nguồn lợi thu vào không nhỏ. Một cư dân chung cư 41bis, phường 25, quận Bình Thạnh nói: “Trước đây, chung cư tôi ở cũng dành ra một phòng lớn dưới tầng trệt để phục vụ cho việc hiếu hỷ. Nhưng đến khi giá nhà tăng cao, trị giá căn phòng lên tới vài tỷ, chủ đầu tư lấy lại, phân chia căn hộ để bán. Sân chung cư thì nhỏ, phòng sinh hoạt chung thì không còn, hàng trăm hộ dân chẳng có lấy một nơi làm chỗ sinh hoạt cộng đồng”.
Mô hình nhà tang lễ cộng đồng chưa hình thành. Không biết khi hữu sự, dân chung cư sẽ phải xoay xở thế nào? Hoặc như dịch vụ sách báo, vì lý do an ninh trật tự, những người làm công tác phát hành chỉ được phát hành đến chốt bảo vệ. Người dân phải xuống phòng trực liên hệ nhận.
Phần không gian diện tích chung của chung cư, khách hàng không thể can thiệp. Khiếu nại thì công ty trả lời chỉ bán căn hộ, còn phần diện tích chung là do chủ đầu tư quản lý và toàn quyền muốn làm gì thì làm. Nhờ “cái lý” đó nên ban quản lý chung cư Gia Phúc cho thuê tầng thượng chung cư để đặt trạm tiếp sóng cho một công ty điện thoại, mặc cho cư dân phản đối.
Trong khi đó, nhiều dịch vụ có thì gần như bị ép buộc sử dụng. Một số công ty quản lý bắt buộc khách hàng chỉ được chọn lựa nhà cung cấp các dịch vụ khác (như dịch vụ viễn thông) do họ quy định. Rồi phí giữ xe, phí dịch vụ vệ sinh... hàng loạt những loại phí được đề ra. Tính chất phí thì hợp lý, song cách thu và mức phí hiện nay tùy theo chủ đầu tư. Đơn cử, cũng chiếc xe máy, chung cư thế kỷ 21 tọa lạc trên tuyến đường lớn chỉ thu phí 30.000 đồng mỗi tháng, trong khi chung cư Gia Phúc, cách trung tâm gần 20 km, ấn định giá 50.000 đồng mà ban quản lý vẫn cho là còn thấp.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: