Top

Sớm có thuế chống đầu cơ bất động sản

Cập nhật 28/10/2007 10:00

Đưa bất động sản lên sàn, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng khẳng định như vậy với phóng viên Báo Người Lao Động bên hành lang kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII

Thưa Phó Thủ tướng, thị trường bất động sản (BĐS) tại TPHCM cũng như một số đô thị lớn của nước ta đang lên cơn sốt mới, có nơi kịch phát rất mạnh. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng sốt BĐS xảy ra là do thiếu công cụ điều tiết rất quan trọng, đó là chính sách thuế?

Đất đai ở nước ta là sở hữu toàn dân nên Nhà nước không thể đánh thuế vào toàn dân. Chúng ta phải có sự chuyển đổi là đánh thuế vào giá trị sử dụng đất. Hiện chúng ta đã có những loại thuế sau: thuế trước bạ 1% đối với đất chuyển nhượng; thuế chuyển quyền sử dụng đất 4% và thuế kinh doanh mua đi bán lại là 8%.

Nhưng cơn sốt BĐS hiện nay là do đầu cơ nên không thể áp dụng các sắc thuế này?

Đúng là hiện chúng ta chưa có thuế đánh vào đối tượng này. Đây cũng là đối tượng có nhiều bất động sản. Chúng ta phải xem xét để có sắc thuế điều tiết trên lĩnh vực này. Mỗi công dân và hộ gia đình đều có quyền có đất ở và đất ở này sẽ chịu thuế thấp thôi, thậm chí có thể không thu thuế. Các công dân vẫn có quyền sử dụng nhiều hơn một BĐS nhưng cần phải điều tiết bằng biện pháp tài chính để bảo đảm công bằng xã hội.

Tuy nhiên, đầu cơ BĐS cũng là việc bình thường trong kinh doanh, vì có lợi nhuận cao, nên mức thuế thông thường rất khó có thể điều tiết?

Mua bán, giao dịch thông thường là chuyện bình thường song không ổn nếu mua rồi ghim lại để đầu cơ. Chúng ta cần xem xét để có sắc thuế đánh vào đối tượng này để điều tiết và làm cho thị trường lành mạnh.

Biện pháp tài chính không thôi có đủ để cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh, thưa Phó Thủ tướng?

Thị trường BĐS ở nước ta còn tương đối mới nên muốn điều hành và vận hành tốt thì phải lên sàn, phải công khai và minh bạch. Thời gian qua, các công ty kinh doanh trong lĩnh vực này làm chưa tốt. Chưa tốt có thể do yếu tố quảng cáo và đánh bóng hay yếu tố kích động. Cung cầu hàng hóa mà công khai minh bạch rất dễ làm hạn chế sự cân bằng cung-cầu.

Sau 3 cơn sốt từ đầu năm đến nay, nhiều dự báo cho rằng thị trường BĐS, đặc biệt là ở TPHCM, có thể còn lên cơn sốt mới vào cuối năm nay. Việc có ngay một công cụ hữu hiệu để ổn định thị trường BĐS đã trở nên cấp bách. Vậy Chính phủ có sớm ban hành chính sách thuế để chống đầu cơ BĐS?

Chúng ta phải sớm ban hành chính sách thuế đối với thị trường BĐS. Tôi tin, nếu có chính sách thuế thì sẽ khắc phục được những bất ổn thời gian qua trên thị trường này.

Phó Thủ tướng có thể cho biết cụ thể hơn sớm là khi nào, có thể trong vòng 1-2 năm tới không?

Xây dựng chính sách cần phải có quy trình. Nếu là luật thì phải đăng ký chương trình xây dựng luật pháp với Quốc hội.

Xin cảm ơn Phó Thủ tướng.

Chuyên gia thị trường bất động sản Tạ Thị Ngọc Thảo:

Sốt đất cũng có yếu tố tích cực...

Đối tượng nào đang gây sốt đất ở TPHCM? Đây là một câu hỏi khó trả lời vì vấn đề thật tế nhị. Theo tôi được biết, chỉ khoảng 5% - 10% người mua để sử dụng, 90% là mua vì những lý do khác. Trong 90% này có 70% là tổ chức, cá nhân dính dáng đến bộ máy và người Nhà nước. Tuy vậy cũng có yếu tố tích cực trong chuyện mua gom, bán góp vốn bằng quyền sử dụng đất với chủ đầu tư. Hơn 20% còn lại là những tư thương có chút đỉnh vốn mua ăn theo.

Tư thương vì yếu vốn thường không ghim đất chờ giá lên mà chủ yếu là sang tay hưởng chút lợi nhuận rồi lại mua tiếp. Nhưng chính số 20% này gây xôn xao, nhộn nhịp thị trường. Tôi rất thích quan sát hiện tượng chạy như thoi đưa của nhiều người để tìm kiếm lợi nhuận, bởi hình ảnh đó thể hiện sự năng động của nền kinh tế mới nổi.

Thị trường bất động sản nói chung và thị trường địa ốc nói riêng là một thị trường nhạy cảm, liên quan, liên kết rất nhiều thị trường: Ngân hàng, vật liệu xây dựng, lao động... ; cả ngành thuế và tài chính cũng ăn theo. Nếu nó phát triển, kinh tế khởi sắc; nếu nó tiêu điều, kinh tế liêu xiêu.

Thị trường địa ốc đã từng là nguyên nhân gây ra đợt khủng hoảng tiền tệ châu Á 1997 và hiện nay lại là mầm móng gây ra “lạnh” nền kinh tế Mỹ. Lạnh - nóng của thị trường địa ốc hại gì, lợi gì là câu chuyện dài hơi của các nhà nghiên cứu. Một cách kiến giải hoặc một chính sách can thiệp thiếu cẩn trọng, thiếu điều tra nghiên cứu, phân tích thấu đáo có thể làm thị trường địa ốc chuyển từ trạng thái hâm hấp sang cấp đông. Nền kinh tế vì thế sẽ chựng lại, muốn rã đông rất khó!


Theo Người Lao Động