Sau hai năm tăng trưởng đạt hai con số, giá nhà cao cấp ở đảo quốc sư tử tụt giảm mạnh trong năm 2008. Các nhà phân tích bất động sản dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm nay ở mức độ mạnh hơn.
Báo cáo mới đây của tổ chức định giá bất động sản CB Richard Ellis cho biết có đến 55% trong số 2.200 căn hộ cao cấp ở Singapore chưa tìm được người mua trong khoảng thời gian từ 2006 đến 2008, theo tờ International Herald Tribune. Tháng 11 vừa qua, có những căn hộ được rao bán với giá giảm hơn 20% so với mức khởi điểm.
Năm ngoái, số lượng giao dịch nhà ở cao cấp giảm đáng kể, với chưa đầy 4.400 căn nhà mới thay đổi chủ, so với kỷ lục 14.811 căn trong năm 2007. Theo ước tính của Cơ quan tái phát triển đô thị của Singapore, giá nhà giảm 4,3% trong năm 2008, nhưng riêng trong quí 4-2008 giảm đến 5,7%. Các nhà phân tích cho rằng thị trường tụt giảm không đồng nhất, khi nhà ở cao cấp bị mất giá nhiều nhất - đến 35% ở các khu vực tốt.
Foo Sze Ming, một nhà phân tích ở ngân hàng OCBC tin rằng nhà ở cao cấp là thị phần dễ bị tổn thương nhất vì có nhiều nhà không bán được và tâm lý lo sợ vẫn còn tăng nên người mua không xuất hiện. “Chúng tôi hy vọng nhà ở cao cấp chỉ giảm giá từ 15 - 20% trong năm nay”, ông Foo nói.
Bà Tay Huey Ying, giám đốc nghiên cứu và tư vấn của công ty bất động sản Colliers International có quan điểm tương tự: “Nhà ở dạng này bị ảnh hưởng nhiều nhất trong xu hướng tụt giảm, với giá giảm từ 15 - 20% trong cả năm 2009”.
Nhiều nhà phân tích cho rằng lưỡi gươm Damocles đang treo lơ lửng trên thị trường bất động sản Singapore. Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, nhờ có chính sách của nhà nước mà người mua được giảm giá thanh toán từ 10 đến 20% và trả chậm cho đến khi căn hộ hoàn thành, thông thường là vài năm sau đó. Ước lượng có khoảng 10.450 căn hộ được mua trả chậm sẽ hoàn thành trong năm nay và 2010, làm dấy lên nỗi lo rằng những người mua cần tiền mặt có thể bắt đầu giảm giá bán trước khi thanh toán xong.
Tuy nhiên, ông Foo cho rằng những rủi ro đang bị cường điệu hóa, vì vẫn có nhiều người mua nhà có nhu cầu vào ở thực sự chứ không phải chỉ đầu cơ. Thêm vào đó, triển vọng phát triển kinh tế trung và dài hạn của Singapore tạo yên tâm cho nhà đầu tư và giúp đảo quốc này tăng ưu thế của một trung tâm tài chính quan trọng.
Theo báo cáo mới đây của thị trưởng London, ông Boris Johnson, việc Singapore và Dubai đang trở thành một trung tâm trung chuyển ưu tiên của khu vực đe dọa vị trí của London vốn được biết đến như một thủ đô tài chính thế giới.
Ông Christopher Fossick, giám đốc điều hành công ty tư vấn bất động sản Jones Lang LaSalle ở Đông Nam Á lưu ý rằng Singapore không đánh thuế đầu tư vào bất động sản, thị trường nhà đất rất minh bạch đối với nhà đầu tư nước ngoài, và lợi nhuận từ hoạt động tài chính có thể dễ dàng chuyển về nước.
“Thị trường nhà ở có thể đang chững lại trong giai đoạn hiện nay do triển vọng chưa rõ ràng, nhưng chúng tôi nhìn thấy ở đó nhu cầu rất lớn”, ông Fossick nói và cho biết thêm nợ nhà ở tại Singapore tương đối thấp. “Các quỹ nước ngoài từng đóng vai trò quan trọng trong phát triển nhà ở tại Singapore đang tìm kiếm thị trường và họ bảo với chúng tôi rằng họ rất muốn đầu tư vào thị trường căn hộ biệt thự trong năm nay và 2010”.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: