Từ 6-6-2013, chính sách mới về bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước với nhiều điều chỉnh sẽ có hiệu lực. Tuy vậy, để được giải quyết hồ sơ theo quy định cũ (Nghị định 61/NĐ-CP), người có nhu cầu mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước vẫn còn hơn 1 tháng để nộp đơn đề nghị tới cơ quan bán nhà.
Hà Nội còn 51.000 căn chung cư cũ chưa bán theo Nghị định 61/NĐ-CP
|
8 đối tượng được thuê nhà
Theo quy định tại Nghị định số 34/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, có 8 đối tượng được thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước (SHNN). Trong đó, gồm người có công; cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính, sự nghiệp, cơ quan Đảng và đoàn thể hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp; công nhân; người thu nhập thấp; hộ nghèo có khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị...
Điều kiện để được hưởng chính sách ưu đãi trên là phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu riêng và chưa được thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được Nhà nước hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức hoặc có nhà ở nhưng chật chội, có diện tích bình quân hộ gia đình dưới 5m2 sàn/người hoặc đã hư hỏng, dột nát. Đồng thời, phải có hộ khẩu thường trú hoặc có hợp đồng lao động có thời hạn từ một năm trở lên và có đóng bảo hiểm xã hội tại địa phương nơi có nhà ở cho thuê. Người thu nhập thấp được hiểu là người không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật. Trường hợp thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước thì phải thanh toán ngay lần đầu số tiền thuê mua bằng 20% giá trị của nhà ở thuê mua.
Có nhu cầu được thuê tiếp
Với hàng trăm nghìn hộ gia đình hiện đang thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước (các khu tập thể cũ), Nghị định nêu rõ: “Đối tượng được thuê nhà ở cũ là người đang thực tế thuê nhà ở và có nhu cầu tiếp tục thuê nhà ở đó”. Trường hợp đang thực tế sử dụng nhà và có tên trong hợp đồng thuê thì không phải ký lại hợp đồng thuê nhà, trừ trường hợp hợp đồng thuê nhà ở hết hạn và các bên phải ký lại hợp đồng. Nếu người dân đang thực tế sử dụng nhà và không có tên trong hợp đồng thuê nhà nhưng có tên trong quyết định phân phối, bố trí nhà thì phải làm thủ tục ký hợp đồng thuê nhà với đơn vị quản lý vận hành nhà ở. Trường hợp đang thực tế sử dụng nhà nhưng không có tên trong hợp đồng và cũng không có tên trong quyết định phân phối, bố trí nhà ở (nhà không có tranh chấp), thì phải được cơ quan quản lý nhà chấp thuận bằng văn bản và phải làm thủ tục ký hợp đồng thuê nhà.
Do các hộ đang ở thuê nhà tập thể phần lớn khó khăn về tài chính nên chi phí thuê hàng tháng là vấn đề người dân rất quan tâm. Đề cập nội dung này, Nghị định quy định: “Trường hợp nhà ở (hoặc nhà không có nguồn gốc là nhà ở) được bố trí sử dụng trước ngày 5-7-1994 nhưng chưa được cải tạo, xây dựng lại thì áp dụng giá thuê theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giá thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước chưa được cải tạo, xây dựng lại”. Nếu nhà ở đó đã được cải tạo, xây dựng lại hoặc bố trí sử dụng sau ngày 5-7-1994, thì áp dụng giá thuê như đối với nhà ở xã hội. Quy định mới cũng chỉ rõ các đối tượng chính sách được miễn, giảm tiền thuê nhà, như người có công, hộ nghèo, người khuyết tật, các đối tượng đặc biệt có khó khăn...
Công chức được giảm tiền mua nhà
Xung quanh chính sách bán nhà, Chính phủ quy định, nhà chung cư bị hư hỏng nghiêm trọng, xuống cấp, có nguy cơ sập đổ (đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng) thuộc diện không được bán. Tương tự, người dân sẽ không được mua nhà biệt thự nằm trong danh mục biệt thự không thuộc diện được bán.
Người mua phải là người có tên trong hợp đồng thuê nhà ở, đã đóng tiền thuê nhà ở đầy đủ theo quy định, có đơn đề nghị mua nhà ở và nhà ở đó không có tranh chấp, khiếu kiện. Tiền mua nhà sẽ bao gồm tiền nhà (căn cứ vào giá trị còn lại của nhà ở và hệ số điều chỉnh giá trị sử dụng) và tiền sử dụng đất (tính theo bảng giá đất ở do UBND cấp tỉnh ban hành có hiệu lực thi hành tại thời điểm ký hợp đồng mua bán). Ngoài các đối tượng chính sách, cán bộ, công chức, viên chức cũng được giảm tiền mua nhà. Theo đó, mỗi năm công tác, người mua nhà được giảm tương ứng với 0,69 lần mức lương tối thiểu. Trường hợp người mua nhà ở có thời gian làm việc trong lực lượng vũ trang, mỗi năm công tác được giảm số tiền tương ứng bằng 1,24 lần mức lương tối thiểu.
Với các trường hợp đã nộp đơn đề nghị mua nhà trước ngày 6-6-2013, Chính phủ cho phép áp dụng chính sách bán nhà theo Nghị định 61/NĐ-CP, nếu nhà ở đó có đủ điều kiện được bán. Riêng tại Hà Nội, số hộ chưa bán và cấp “sổ đỏ” vẫn còn khoảng 51.000 căn.
Để chống gian lận nhà ở xã hội, quy định mới nêu rõ: “Sẽ thu hồi nhà ở nếu bán, cho thuê nhà ở không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không đúng điều kiện theo quy định pháp luật”.
DiaOcOnline.vn - Theo An ninh Thủ đô
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: