Top

BĐS nghỉ dưỡng, không rành thì đừng làm

Cập nhật 23/04/2013 14:30

Trao đổi với phóng viên, ông Thân Thanh Vũ, Phó chủ tịch Hội Bất động sản Du lịch (VnTPA), Giám đốc điều hành Công ty Phú Quốc Land cho rằng, thị trường khó khăn chính là dịp để nhiều chủ đầu tư có dịp xem xét lại quyết định đầu tư của mình.

Ông Thân Thanh Vũ

Trong bối cảnh thị trường bất động sản chung gặp nhiều khó khăn, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đang hoạt động ra sao, thưa ông?

Tính riêng huyện đảo Phú Quốc, hiện có 257 dự án bất động sản nghỉ dưỡng được cấp phép, tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, chỉ có dưới 20 dự án (chưa đến 10%) được triển khai, nhưng đến giai đoạn này thì đến phân nửa phải dừng lại.

Nhìn ra toàn bộ phân khúc này trên phạm vi cả nước cũng tương tự. Nguyên nhân chính khiến cho các dự án ít được triển khai ngoài việc khó khăn chung của thị trường và nền kinh tế còn có nguyên nhân nữa là do cơ sở hạ tầng ở các địa điểm chưa phát triển, nên khiến nhà đầu tư e ngại.

Ví dụ, mặc dù Phú Quốc là địa chỉ hấp dẫn du khách và được Chính phủ quan tâm tạo điều kiện phát triển, trong đó, sân bay Phú Quốc đi vào hoạt động, nhưng những cơ sở hạ tầng khác như đường giao thông, rồi hệ thống điện, hệ thống cấp nước, xử lý nước thải… lại chưa được đầu tư, nên các dự án không thể triển khai. Trong khi đó, ở Mũi Né (tỉnh Bình Thuận), một địa điểm hấp dẫn khác cũng ít có dự án được triển khai, bởi hệ thống điện, nước cũng chưa được hoàn thiện. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông cũng chưa phát triển. Từ TP. HCM ra Mũi Né gần 200 km, nhưng phải đi đến 6 giờ ô tô, trong khi đó, ở các nước với quãng đường như vậy chỉ phải chạy khoảng 2 giờ là tới.

Có ý kiến cho rằng, ngoài sự trầm lắng chung của thị trường bất động sản, thì hoạt động thu hút, quảng bá du lịch không hiệu quả cũng khiến cho phân khúc này không có đầu ra. Ông có bình luận gì về ý kiến trên?

Đúng như thế. Các sản phẩm của bất động sản nghỉ dưỡng thiếu đầu ra một phần là do chúng ta còn nhiều lúng túng trong việc thu hút khách du lịch. Đến nay, ngành du lịch vẫn loay hoay với chiến lược thu hút khách du lịch quốc tế. Ở các nước, ngoài việc có một chiến lược thu hút khách du lịch chung của quốc gia, thì ở mỗi vùng, miền đền có những quảng bá độc đáo để thu hút khách, còn ở ta rất ít nơi làm được việc này.

Bên cạnh đó, thủ tục cấp phép du lịch của ta cũng còn nhiều bất cập. Hiện các nước đang áp dụng việc cấp phép du lịch ngắn hạn (15 ngày) cho du khách và chỉ thu phí, trong khi ở nước ta thì không được. Vừa qua, VnTPA cũng có đề xuất các cơ quan chức năng nghiên cứu cấp phép ngắn hạn cho một số khách ở các thị trường quen thuộc như Úc, Cộng đồng châu Âu (EU), nhưng chưa được chấp thuận.

Ngoài ra, đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực này cũng chưa đáp ứng được nhu cầu. Những khiếm khuyết đó đã làm giảm đáng kể sức hấp hẫn của cả khách du lịch cũng như nhà đầu tư khi tìm đến với phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.

Thời gian qua, VnTPA đã làm gì để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ông có lời khuyên gì đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng?

VnTPA biết rõ những khó khăn của các doanh nghiệp và Hội cũng đang tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức tài chính, các cơ quan hợp tác quốc tế, thông qua đó có thể giúp các nhà đầu tư phát triển dự án, tìm kiếm đối tác đầu tư. Vì vậy, các doanh nghiệp gặp vướng mắc, hoặc khó khăn trong việc triển khai dự án có thể liên hệ với VnTPA để được tư vấn, hỗ trợ.

Tôi cho rằng, làm bất động sản nghỉ dưỡng là cung cấp một sản phẩm cho người có tiền, vì vậy cách làm cũng phải khác. Sản phẩm phải độc đáo, chỉn chu và đặc biệt là công tác quản lý phải chuyên nghiệp. Tuy nhiên, hiện có nhiều doanh nghiệp Việt Nam không có kinh nghiệm, lại không thuê tư vấn, khiến sản phẩm làm ra không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Với những doanh nghiệp này, thất bại là điều chắc chắn. Vì vậy, lời khuyên cho nhà đầu tư là nếu như không rành thì đừng có làm.

Đối với khách hàng muốn tham gia thị trường này, ông sẽ khuyên họ điều gì?

Trong bối cảnh hiện nay, khách hàng muốn mua một sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, thì điều chú ý đầu tiên là dự án đó phải có một nhà quản lý tốt. Quản lý tốt không phải chỉ là trông nom ngôi nhà tốt, mà còn phải giải quyết được đầu ra, vì sản phẩm này có đối tượng khách hàng khá hẹp, chủ yếu là người có tiền mua để đầu tư, kết hợp nghỉ dưỡng, mà không sử dụng thường xuyên. Ngoài ra, khách hàng cũng cần chọn những dự án có địa điểm độc đáo, có nhiều điểm hấp dẫn, thu hút khách du lịch.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán