Nhằm xây dựng vành đai 4 của Hà Nội theo qui hoạch đã được phê duyệt, Bộ GTVT cho biết sẽ công khai kêu gọi đầu tư và tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư B.O.T (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) chứ không đầu tư tuyến đường này bằng quỹ đất như nhiều dự án trước.
Hiện tại, dự án đầu tư xây dựng tuyến vành đai 4 của Thủ đô vừa qua giai đoạn báo cáo giữa kỳ, chuẩn bị để được thông qua báo cáo cuối kỳ.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức "đây là một dự án lớn, phạm vi phục vụ không chỉ riêng thành phố Hà Nội mà còn mang tính liên kết vùng. Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án này đã được lập từ 2003 nhưng phải chờ Qui hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội được duyệt mới đủ căn cứ triển khai".
Cũng theo Thứ trưởng Đức, hiện nay hệ thống đường xuyên tâm hướng vào Thủ đô chưa được kết nối đồng bộ mà chỉ kết nối thông qua các đường quốc lộ, tỉnh lộ với qui mô hạn chế. Trong khi đó, các địa phương liền kề Thủ đô Hà Nội đã đầu tư nhiều khu đô thị, khu công nghiệp... rất cần kết nối với nhau.
Do đó, mục tiêu đầu tư đường vành đai 4 ngoài nhiệm vụ giải tỏa lưu lượng giao thông nội đô (đặc biệt là xe tải và ôtô quá cảnh trên các tuyến đường cao tốc và quốc lộ hướng tâm thành phố) còn nhằm kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị tiệm cận với khu đô thị hạt nhân của Thủ đô.
Được thống nhất xây dựng với qui mô hoàn chỉnh là 6 làn xe cao tốc và cao tốc đô thị, tổng chiều rộng mặt cắt ngang từ 90m-110m và giải phóng mặt bằng theo qui hoạch một lần (không chia làm nhiều lần "lắt nhắt", thêm phức tạp và tốn thời gian) - dự án này sẽ chỉ được phân kỳ đầu tư đoạn đường qua đô thị chứ không được phân kỳ đầu tư đường cao tốc.
Việc ưu tiên đầu tư cũng phải được lập luận, chứng minh trên cơ sở phân tích lưu lượng và tính kết nối với hệ thống giao thông hiện hữu.
Đặc biệt, Bộ GTVT thống nhất chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu giải pháp kêu gọi đầu tư theo hướng công bố dự án trên nhiều phương tiện truyền thông, sau đó tổ chức đấu thầu công khai để lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức B.O.T. Phương án đầu tư tuyến đường bằng quỹ đất được thống nhất không đề cập.
Hình thức B.O.T - theo Thứ trưởng Nguyễn Thịnh Đức - vừa qua đã thu được thành công ở một vài dự án, như: cầu Cỏ May (trên QL51), QL13 (thuộc địa phận Bình Dương), đoạn An Dương - An Lạc thuộc QL1A trên địa bàn TP.HCM...
Trước đây, đa phần các dự án B.O.T tại Việt Nam mới áp dụng hình thức chỉ định trực tiếp nhà đầu tư chứ không thông qua đấu thầu. Về việc lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 78/2007/NĐ-CP ngày 11/5/2007, tuy nhiên công việc từ đó đến nay của nhiều bộ, ngành, chức năng liên quan vẫn là tiếp tục nghiên cứu ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn - đặc biệt là hướng dẫn về thủ tục, phương thức và mẫu hồ sơ đấu thầu trong việc lựa chọn nhà đầu tư.
Với dự án đường vành đai 4, dù mới đang ở giai đoạn nghiên cứu, lựa chọn giải pháp, lập phương án và thu thập số liệu về giải phóng mặt bằng... song từ vài tháng nay la liệt trên nhiều phương tiện đã xuất hiện những tin rao bán đất mặt đường này, nhất là tại khu vực tuyến đường dự kiến cắt qua địa phận Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội).
Những mảnh đất dự án đã "nhanh chân", "ngoảnh mặt" ra hướng tuyến này được rao với giá từ 14-17 triệu đồng/m2; những mảnh đất thổ cư, vườn của các tư gia dù chỉ gần vành đai 4 dự kiến thôi từ lúc đang được tính bằng "mẫu", "sào" cũng "vọt" lên tới 6-7 triệu đồng/m2...
Vành đai 4 dự kiến dài 136,6km, tổng kinh phí xây dựng 50.000 tỉ đồng,
đi qua 14 huyện của các tỉnh, thành: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh
Phúc, Bắc Giang...
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: