Top

Đua nhau phá đồi… xây nhà

Cập nhật 29/10/2008 17:00

Mặc những cảnh báo về sự mất an toàn, tình trạng san ủi đồi núi để làm nhà vẫn đang diễn ra khắp nơi tại Bắc Kạn. Nhiều ngôi nhà phải đối diện với nguy cơ bị vùi lấp ngay từ khi bắt đầu xây dựng.

Hễ mưa là sập nhà

Những cơn mưa đầu tháng 10 dù không quá lớn nhưng đã gây ra các vụ sập nhà liên tiếp tại tỉnh Bắc Kạn. Hàng chục nhà dân tại tổ 4, phường Đức Xuân đã bị vùi lấp vào chiều ngày 5-10, trong đó có 3 nhà bị sập hoàn toàn, thiệt hại trị giá hàng tỷ đồng.

Chưa dừng lại ở đó, cả một dãy phố tại thị trấn Chợ Rã, ngay trung tâm huyện Ba Bể khá sầm uất đã đổ nát chỉ sau một trận sạt lở đất, đá xảy ra vào giữa tháng. Nhiều ngôi nhà trị giá cả tỷ đồng giờ chỉ còn là đống gạch vụn. Chính vì thế, 22 hộ dân tiểu khu 4, thị trấn Chợ Rã (Ba Bể) hiện đang nơm nớp lo sợ…

Người dân thị xã Bắc Kạn vẫn chưa quên vụ sạt lở đất vào tháng 3-2005, tại khu vực thôn Nam Đội Thân, xã Nông Thượng, khi cả ngàn khối đất đá sạt lở từ ta luy đã vùi lấp hoàn toàn 4 ngôi nhà mới xây dựng, làm chết 3 người và bị thương 2 người. Tuy nhiên, do đất mặt đường có giá, thuận tiện cho buôn bán, sinh sống nên các hộ dân vẫn bất chấp hiểm nguy, tự đào phá đồi núi để làm nhà bám theo mặt đường.

Bà Quách Thị Hiền, ở tổ 4, phường Đức Xuân cho biết, gia đình bà đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để đào đồi và xây nhà. Nhà chưa xây xong, đất đã lở đến sát nền, phía sau nhà cả quả núi lớn cũng đang chực đổ, gia đình đang băn khoăn không biết nên làm tiếp hay bỏ. Tuy vậy, bà Hiền vẫn còn may mắn hơn nhiều hộ dân cùng nằm trên trục đường Kon Tum, khu vực phường Đức Xuân. Trận sạt lở đất vừa qua đã khiến nhiều gia đình trắng tay.

Theo thống kê của địa phương, hiện trên địa bàn tỉnh có trên 400 hộ đang sống trong những khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm. Trong đó, 120 hộ dân tại thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể đang trong tình trạng mất an toàn, thậm chí nhiều nhà phải chia người canh đêm để báo động sạt lở.

Càng sập càng đào



Nhà ở của cán bộ, nhân viên Ngân hàng
Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn đang được
xây dựng trên đường Nguyễn Văn Tố, đoạn
có nguy cơ sạt lở cao nhất.

Có thể nói, thị xã Bắc Kạn đang như một công trường xây dựng khổng lồ, khắp nơi mạnh ai nấy đào.

Không chỉ người dân san ủi đồi núi để xây dựng trái phép mà các cơ quan cũng rất khẩn trương tiến hành xây dựng trụ sở, nhà ở cho cán bộ nhân viên.

Các cơ quan thì sử dụng máy móc như máy ủi, máy xúc, ô tô tải hạng nặng để đào đất và chở đất đi đổ. Nhà dân thì tập hợp họ hàng, người quen giúp sức với các công cụ thô sơ như xà beng, xẻng, quang gánh. Họ chỉ cần bạt được khoảng nền nhà là lập tức xây cất mà không hề có biện pháp nào ngăn dòng đất vẫn tiếp tục sạt lở từ sườn đồi.

Ngày càng nhiều dãy phố mọc lên như vậy. Ban đầu, người ta chỉ phá đồi để làm nhà, có chỗ ở ổn định lại đào tiếp để xây dựng các công trình phụ. Những năm trước, lượng đất bỏ đi được mang đổ tại các suối khe.

Đến nay, chỗ trũng đã bị lấp hết, người ta chở đất đổ trên những quả đồi cao ngay trong lòng thị xã. Một quả núi nhân tạo như vậy nằm tại tổ 11B, phường Đức Xuân. Sau mỗi trận mưa, những suối đất bùn đổ thẳng xuống Quốc lộ 3, gây mất an toàn giao thông, nhiều nhà dân bị vỡ, lún. Trụ sở UBND phường Phùng Chí Kiên và trụ sở Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng đang bị đe dọa vùi lấp.

Ông Trịnh Đình Sính, phó Chủ tịch UBND thị xã Bắc Kạn cho biết: Dựa trên đề tài nghiên cứu “Điều tra, đánh giá sạt lở các khu vực trọng điểm thị xã Bắc Kạn và thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể”, thị xã đã lập danh sách các hộ, các điểm nguy cơ tại tại 4 phường trung tâm. Vào đầu mùa mưa, nhân dân được khuyến cáo những biện pháp tránh sạt lở đất.

Trong năm nay, 2 hộ tại phường Phùng Chí Kiên đã được cấp đất tái định cư, di dời khỏi khu vực nguy hiểm. Thị xã cũng đã xử lý 12 trường hợp vi phạm về xây dựng. Tuy nhiên, việc giải quyết dứt điểm tình trạng đào đồi núi để xây nhà và phòng chống sạt lở lâu dài thì còn phải có thời gian và sự đầu tư từ ngân sách nhà nước.

DiaOcOnline.vn - Theo SGGP 12G