Top

Sẽ di dời ga đường sắt Hòa Hưng ra Dĩ An?

Cập nhật 09/05/2008 15:00

Thông báo 110/TB-VPCP ngày 29-4-2008 của Văn phòng Chính phủ một lần nữa khẳng định: Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh, bổ sung quy hoạch giao thông đường sắt quốc gia như đề nghị của TPHCM. Như vậy, nếu căn cứ theo thông báo này, có thể hiểu ga đường sắt Hòa Hưng trong một tương lai không xa sẽ được di dời ra Dĩ An (tỉnh Bình Dương)

Tại sao phải di dời?

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007, ga Hòa Hưng sẽ là một trong những ga đường sắt quốc gia quan trọng mang tính chất trung tâm của TPHCM nói riêng và cả khu vực nói chung. Và từ Hòa Hưng sẽ có một tuyến đường sắt quốc gia đi qua nội thị TPHCM theo hướng đường 3-2 đi Tân Kiên (Long An). Quy hoạch này đã được Bộ Giao thông Vận tải và TPHCM thống nhất trình Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, khi quy hoạch chính thức có hiệu lực thì cả Bộ Giao thông Vận tải và TPHCM đều cho rằng, có nhiều vấn đề cần điều chỉnh.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã có lần tâm sự: Cứ nghĩ đến việc phải giải tỏa trục đường 3-2 để xây dựng đường sắt là… băn khoăn. Cuộc sống của hàng ngàn hộ dân sẽ bị ảnh hưởng mà thành phố cũng khó có ngay một khoản tiền lớn để đền bù cho dân. Hơn nữa, tại TPHCM mỗi ngày trôi qua là có thêm hàng ngàn phương tiện giao thông đăng ký mới, hàng ngàn người dân từ các tỉnh, thành khác đến thành phố sinh sống và làm việc.

Ga đường sắt quốc gia vào tận trung tâm thành phố, vô hình trung sẽ kéo thêm hàng ngàn người đến TPHCM, làm thành phố càng thêm quá tải. TPHCM đã đề nghị nên dời ga đường sắt Hòa Hưng về Dĩ An, hay nói cho đúng hơn là dời chức năng ga đường sắt quốc gia của Hòa Hưng về Dĩ An. Các tuyến đường sắt hiện có (của Hòa Hưng) sẽ được chuyển thành tuyến đường sắt nội đô.

Như vậy, hành khách của tuyến đường sắt quốc gia nếu không có nhu cầu vào TPHCM sẽ dừng ở Dĩ An và có thể đáp ô tô để đi các tỉnh khác vì ngay Dĩ An đã có các quốc lộ 1A, 1K tỏa đi các địa phương. Hay về lâu dài, khi các tuyến đường sắt vành đai hình thành thì hành khách có thể tiếp tục sử dụng đường sắt này để đi các tỉnh khác. Ngược lại, nếu hành khách muốn vào TPHCM thì chuyển tiếp lên các tuyến đường sắt nội đô hoặc xe buýt để vào thành phố.

Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến 2020 cũng xác định TPHCM sẽ có thêm một ga đường sắt quốc gia đặt ở ngay đô thị mới Thủ Thiêm. Khác với ga Hòa Hưng là “ga tàu thường”, ga ở Thủ Thiêm sẽ là “ga tàu cao tốc”. Về việc này TPHCM cũng đề nghị có điều chỉnh, dời ra Suối Tiên, quận 9 vì không muốn tạo áp lực giao thông lên Thủ Thiêm. Hơn nữa, tại Suối Tiên đã có tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên sẵn sàng đưa khách vào trung tâm thành phố và bến xe ô tô khách miền Đông mới tiện lợi cho hành khách đi các tỉnh.

Tại sao phải điều chỉnh quy hoạch?

Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến 2020 được chính thức phê duyệt năm 2007 nhưng theo một số chuyên gia tham gia xây dựng quy hoạch thì chúng đã được bắt đầu nghiên cứu từ cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Nhiều số liệu đưa vào bản quy hoạch đã không còn tính thời sự.

Do vậy, sau khi được ban hành, nhiều nội dung trong đó đã được đề nghị điều chỉnh. Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải và TPHCM thống nhất giảm số lượng đường vành đai từ 4 xuống còn 3. Chuyển đường vành đai 1 thành đường nội đô. Đường sắt đô thị, Bộ Giao thông Vận tải và TPHCM cũng thống nhất kéo dài tuyến số 4 đến đô thị cảng Hiệp Phước. Riêng đường sắt quốc gia, Bộ Giao thông Vận tải lại có quan điểm khác với TPHCM. Bộ cho rằng không nên thay đổi quy hoạch vì ga Hòa Hưng đang khai thác là tuyến duy nhất đưa khách đường dài vào khu vực trung tâm.

Việc thay thế chức năng đường sắt liên tỉnh bằng đường sắt nội đô sẽ làm mất chức năng đường sắt liên vùng của tuyến đường sắt quốc gia. Nếu kết thúc hành trình ở ga Dĩ An, hành khách sẽ phải trung chuyển sang phương tiện khác-như vậy sẽ làm gia tăng phương tiện giao thông ở khu vực này trong khi hạ tầng giao thông ở đây chưa hoàn chỉnh. Để chống ùn tắc giao thông xảy ra tại những điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ, Bộ Giao thông đề nghị xây dựng các nút giao khác mức, đi ngầm hoặc đi trên cao.

Bộ Giao thông Vận tải cũng không đồng ý với đề nghị dời ga đường sắt cao tốc từ Thủ Thiêm ra Suối Tiên vì cho rằng đây là đô thị mới, hiện đại sẽ thu hút một lượng hành khách rất lớn. Cơ sở hạ tầng ở khu vực Suối Tiên và năng lực tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên về lâu dài không đáp ứng được yêu cầu trung chuyển hành khách của đường sắt cao tốc. Và quan trọng hơn cả, nếu điều chỉnh hướng tuyến e rằng sẽ không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật của đường sắt cao tốc!

Khách quan mà nói, điều chỉnh quy hoạch là một vấn đề rất bình thường khi mà quy hoạch không phù hợp với thực tế. Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận đề xuất của UBND TPHCM cũng không có nghĩa là Bộ Giao thông Vận tải không có lý. Trong quá trình thực thi quy hoạch giao thông vận tải theo đề xuất của TPHCM, nếu có vấn đề không phù hợp thì việc xem xét lại những đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải cũng là điều bình thường - Vậy tại sao tất cả các vấn đề lại không được xem xét một cách thấu đáo, khách quan và khoa học hơn?

Theo Sài Gòn Giải Phóng