Top

​Sắp chấm dứt các dự án “treo”

Cập nhật 08/09/2015 13:22

HĐND TP.HCM vừa thông qua gần 300 dự án thu hồi đất trong năm nay. Trong số này có những dự án “treo” từ nhiều năm qua. 

Nhiều nhà dân thuộc dự án khu phức hợp Đầm Sen tại P.3, Q.11, TP.HCM xuống cấp sau hơn 30 năm quy hoạch “treo” - Ảnh: HỮU KHOA

Trong gần 300 dự án có 154 dự án đã có quyết định giao vốn thực hiện trong năm 2015, số còn lại có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và được UBND TP.HCM đánh giá cấp bách nên phải thực hiện thu hồi đất trong năm 2015. Tổng diện tích đất thu hồi hơn 1.600ha.

“Nhiều năm trước, Nhà nước cũng kiểm kê, đo vẽ nhà cửa, tưởng như sắp bồi thường nhưng đến nay vẫn chưa động tĩnh gì. Mong lần này dự án sớm triển khai và tái định cư cho dân để người dân nơi đây không còn thấp thỏm với dự án “treo” nữa

Ông Nguyễn Tiến Hiền
 

Mong không còn thấp thỏm với “treo”

Trong danh mục các dự án thu hồi đất năm nay có một dự án “treo” nổi tiếng ở TP.HCM là khu phức hợp Đầm Sen tại P.3, Q.11. Từ diện tích quy hoạch ban đầu 55ha vào năm 1983, qua ba đời chủ đầu tư đến nay dự án còn lại... 5,8ha.

Theo UBND Q.11, đây là dự án chỉnh trang đô thị, đất dự án sau khi thu hồi sẽ dành một phần diện tích làm trường học và nhà tái định cư, một phần giao chủ đầu tư kinh doanh để hoàn vốn.

Theo thông tin kêu gọi đầu tư từ Sở Xây dựng, dự án trên ảnh hưởng gần 400 hộ dân và tổ chức. Nhà ông Nguyễn Tiến Hiền, ở đường Hòa Bình, ngay sau lưng công viên Đầm Sen và những nhà bên cạnh đều xây dựng đã lâu, tường cũ mục, phần mái tôn và gác gỗ sửa tạm, chắp vá nhiều lần.

Bao năm qua người dân không dám bỏ tiền ra sửa chữa lớn dù nhà đã chật chội. Lần này, ông Hiền đón nhận tin Nhà nước chuẩn bị thu hồi đất dự án với băn khoăn:

“Nhiều năm trước, Nhà nước cũng kiểm kê, đo vẽ nhà cửa, tưởng như sắp bồi thường nhưng đến nay vẫn chưa động tĩnh gì. Mong lần này dự án sớm triển khai và tái định cư cho dân để người dân nơi đây không còn thấp thỏm với dự án “treo” nữa”.

Một trong những dự án “treo” lâu năm được lên kế hoạch thu hồi đất trong năm nay là dự án mở rộng đường Ung Văn Khiêm lên 30m (đoạn từ chân cầu Sài Gòn đến ngã năm đài liệt sĩ, Q.Bình Thạnh) và ngã năm đài liệt sĩ.

Theo Q.Bình Thạnh, dự án mở rộng đường Ung Văn Khiêm có quyết định thu hồi đất từ năm 2002 với lộ giới 50m. Đến năm 2008 UBND TP.HCM điều chỉnh quyết định thu hồi đất, thu hẹp lộ giới đường còn 30m. Từ đó đến nay chính quyền vẫn chưa thu hồi đất của dân do thiếu kinh phí.

Theo chủ đầu tư, dự án đường Ung Văn Khiêm và ngã năm đài liệt sĩ sẽ ảnh hưởng hơn 500 hộ dân và 26 tổ chức. Kinh phí di dời cho dự án này hơn 1.200 tỉ đồng, chi phí xây dựng 315 tỉ đồng.

Một dự án cũng được duyệt kinh phí để thu hồi đất trong năm nay là bãi trung chuyển xe buýt 152 Điện Biên Phủ (P.25, Q.Bình Thạnh) do Khu quản lý giao thông đô thị số 2 (Sở GTVT TP.HCM) làm chủ đầu tư.

Dự án này đã có văn bản chấp thuận chủ trương từ năm 2010. Kể từ thời điểm này, quyền lợi về nhà, đất của 51 hộ dân trong dự án cũng bị ảnh hưởng theo.

Theo UBND Q.Bình Thạnh, người dân bị di dời trong dự án đường Ung Văn Khiêm và bãi trung chuyển xe buýt sẽ được bố trí tái định cư tại các chung cư 500 căn ở chân cầu Thủ Thiêm, 1.050 căn ở P.12 (đều ở Q.Bình Thạnh) hoặc nhận nền đất tại H.Hóc Môn và Q.Thủ Đức.

Nhận tiền bồi thường sau 30 ngày

Theo UBND các quận, huyện có dự án bị thu hồi, việc HĐND TP.HCM thông qua danh sách các dự án do Nhà nước thu hồi đất năm 2015 là theo quy định của Luật đất đai 2013.

Như vậy các trình tự thủ tục từ định giá đất, thông báo thu hồi đất, chi trả tiền cho dân, lập phương án bồi thường đến các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đều áp dụng các quy định mới.

“Những dự án có quyết định thu hồi đất từ các năm trước mà nay mới tiến hành bồi thường cũng áp dụng chính sách bồi thường hiện tại” - một thành viên Hội đồng thẩm định bồi thường TP.HCM khẳng định.

Theo đó, các dự án phải có nơi tái định cư thì Nhà nước mới thu hồi đất nhằm giúp người dân tái định cư nhanh chóng ổn định chỗ ở mới, giảm tác động xấu từ việc di dời, đồng thời tránh tình trạng người dân phải tạm cư kéo dài.

Người dân trong các dự án sẽ được thông báo thu hồi đất riêng lẻ cho từng hộ, 180 ngày sau sẽ nhận được quyết định bồi thường và được chi trả tiền bồi thường trong vòng 30 ngày kể từ ngày có quyết định.

Trong quá trình xây dựng phương án bồi thường, tái định cư, cơ quan chức năng phải đưa dự thảo ra lấy ý kiến người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Dân sẽ được góp ý về giá bồi thường, giá tái định cư và mức hỗ trợ, những chính sách kèm theo dự thảo phương án.

Sau khi dân góp ý, các cơ quan chức năng phải có báo cáo về việc tiếp thu ý kiến đóng góp của dân, ý kiến nào được ghi nhận, ý kiến nào không được ghi nhận, lý do vì sao.

Đại diện Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.Bình Thạnh nhận xét: Người dân được nhận tiền bồi thường một tháng sau khi Nhà nước ban hành phương án bồi thường để tránh việc trượt giá đất hay giá đất biến động từ thời điểm ban hành phương án đến thời điểm người dân nhận tiền trên thực tế.

Quy trình cũng phân định rõ trách nhiệm của người dân và cơ quan chức năng để xác định việc chậm bồi thường do bên nào.

Nếu người dân không chịu nhận tiền bồi thường sau 30 ngày có quyết định thu hồi đất thì cơ quan chức năng sẽ gửi tiền vào kho bạc, số tiền này không phát sinh tiền lãi.
 

Các dự án khác cũng có kế hoạch thu hồi đất trong năm nay như dự án lô 4, lô 6 chung cư Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), dự án rạch Bàu Trâu (Q.6), đường Phạm Văn Bạch (Q.Tân Bình), Bệnh viện Chợ Rẫy cơ sở 2 và Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 (H.Bình Chánh)...



DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ