Top

Rắc rối khi tách thửa

Cập nhật 24/05/2009 08:50

Tách thửa là một vấn đề không nhỏ trong việc phát triển đô thị. Bộ mặt đô thị tại một số nơi ở TPHCM trở nên manh mún cũng vì trước đây chưa có quy định về tách thửa. Thế nhưng, khi đã có quy định tối thiểu về diện tích tách thửa, những câu chuyện xung quanh vấn đề này dường như vẫn chưa thể “đi vào guồng”.

Xây nhà tạm, phải đập nhà mới được tách thửa?

Ngoài quy định diện tích tách thửa tối thiểu quá lớn khiến một bộ phận dân cư gặp khó khăn, nhiều trường hợp chưa được quy định cụ thể cũng khiến chính quyền lúng túng và gây khó cho người dân.

Chẳng hạn, tại các quận - huyện ven, trường hợp đất nông nghiệp xen kẽ với đất ở là phổ biến, nhưng Quyết định 19 (quy định về diện tích tối thiểu sau khi tách thửa của UBND TP) lại chỉ quy định tách thửa đối với đất trống, đất ở có nhà và đất nông nghiệp.

Một cán bộ huyện Củ Chi cho biết, một thửa đất rộng 350m², trong đó có 50m² xây nhà, còn lại trồng cây ăn trái. Nếu muốn tách thửa thì cả đất ở lẫn đất nông nghiệp đều không đủ điều kiện do diện tích tối thiểu sau khi tách thửa đất ở tại huyện Củ Chi là 80m² và 500m² đối với đất nông nghiệp, mà yêu cầu người dân chuyển mục đích sử dụng toàn bộ thửa đất để được tách thửa thì quá khó với họ.

Anh Nguyễn Ngọc H., cư ngụ tại huyện Hóc Môn, có một thửa ruộng hơn 9.000m², muốn tách khoảng 100 - 200m² để xây dựng nhà cho em trai, nhưng theo QĐ 19, anh phải xin chuyển sang đất ở hết thì mới được tách thửa. “Thật vô lý khi bắt tôi phải chuyển mục đích sử dụng đất toàn bộ khu đất rồi mới cho tách thửa trong khi tôi không có nhu cầu. Đó là chưa kể làm sao tôi có đủ tiền để đóng thuế chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích lớn như vậy?” - anh H. bức xúc.

Ngay những trường hợp dù đã có quy định cụ thể, nhưng cũng phát sinh nhiều vấn đề khiến địa phương lúng túng, người dân khổ! Đơn cử trường hợp chị Nguyễn Thị G., năm 2008, thuộc diện bị giải tỏa trắng trong dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên và phải giao mặt bằng nên gia đình chị G. được UBND quận Bình Tân cho phép cất nhà tạm trên 124m² đất nông nghiệp mua bằng giấy tay tại phường Bình Trị Đông A.

Tháng 3-2008, chị G. làm đơn xin cấp giấy chủ quyền nhà (giấy hồng) nhưng không được vì nhà xây dựng tạm. Chị G. gửi đơn kiến nghị UBND quận Bình Tân giải quyết và được UBND quận ra thông báo yêu cầu UBND phường Bình Trị Đông A thực hiện các thủ tục để chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy định.

Theo yêu cầu của phường Bình Trị Đông A, chị G. bắt đầu thực hiện việc đo vẽ nhưng các công ty đo vẽ trả lời không thể thực hiện bản vẽ hồ sơ hiện trạng đất để chuyển nhượng khi trên đất đã có nhà. Chị quay lên phường và được “hiến kế” rằng, với trường hợp của chị thì chỉ có cách làm giấy tờ “cho” lại cho chủ sở hữu khu đất chị mua trước đây (toàn bộ khu đất gần 500m² đã có sổ đỏ), sau đó chuyển toàn bộ mục đích sử dụng đất sang đất ở rồi sau đó thực hiện tách thửa.

“Nhưng để chuyển toàn bộ thửa đất gần 500m² thì làm sao tôi kham nổi tiền thuế chuyển mục đích sử dụng đất, trong khi đó trên khu đất này có đến 5 - 6 căn nhà, làm sao vận động người ta đóng thuế chuyển mục đích sử dụng đất được!” - chị G. nói.

Hơn một năm qua, để làm thủ tục hợp thức hóa căn nhà chị G. đã làm theo mọi hướng dẫn của UBND phường, UBND quận nhưng đến nay cũng chỉ được cán bộ thụ lý hồ sơ tại UBND quận Bình Tân trả lời “trường hợp này sẽ được báo cáo lại!”.

Chị G. cho biết, chỉ mong các cơ quan Nhà nước hướng dẫn cách nào được tách thửa chứ chị đã làm tất cả theo quy định nhưng đều “bó tay”.



Đất ở xen kẽ với đất nông nghiệp vẫn chưa có quy
định khi muốn tách thửa. Ảnh: Huy Anh.


Cá nhân khó làm hạ tầng nguyên khu đất


Theo quy định, đối với những thửa đất có diện tích 1.000 - 2.000m² muốn tách thửa có hình thành đường giao thông, người dân phải thực hiện phần hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước, điện… đảm bảo hạ tầng kết nối được với hạ tầng hiện hữu, phù hợp với cấp độ của hạ tầng kỹ thuật cùng khu vực.

Ông Bùi Hữu Hoàng, Trưởng phòng TN-MT huyện Bình Chánh, cho rằng, đây là việc không đơn giản vì nếu hạ tầng khu vực xung quanh là đường nhựa, lộ giới 15m thì dân sao làm nổi.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê, Trưởng phòng TN-MT quận Tân Phú, cho biết, trên địa bàn quận vẫn có trường hợp người dân bỏ tiền làm hạ tầng nhưng với những thửa đất lớn, người dân khó kham nổi vì phải cần từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Vì thế, trước đây quận có kiến nghị TP được phép xử lý linh động hơn, đó là cho phép người dân chuyển nhượng 30% đất trước khi tách thửa để có tiền làm hạ tầng (có bản cam kết).

Hiện nay, khi thực hiện QĐ 19, quận phải động viên, hướng dẫn người dân thế chấp sổ đỏ để lấy tiền làm hạ tầng. Hiện quận vẫn tiếp tục kiến nghị TP cho thực hiện việc cho phép chuyển nhượng trước 70% đất như trước đây.

Theo bà Khuê, bản thân người dân hiểu rõ làm hạ tầng cho khu đất để tách thửa thì giá trị khu đất cũng tăng lên, người dân cũng được hưởng lợi từ việc đó. Vấn đề là cán bộ địa chính phải giải thích cho người dân hiểu bên cạnh quyền lợi, người dân cần phải thực hiện nghĩa vụ đối với cộng đồng để khu đất được kết nối đồng bộ với khu vực xung quanh. Nếu được giải thích hợp tình hợp lý thì theo bà, người dân sẽ đồng thuận.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng