Top

Một giấy để chấm dứt nhiều giấy

Cập nhật 24/05/2009 08:15

Chuyện “một giấy, hai giấy” đối với nhà đất đã được bàn cãi từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa ngã ngũ, ngành nào cũng có lý lẽ riêng để bảo vệ quan điểm của mình. Trong khi đó người dân vẫn đang chịu thiệt...

Hiện có hàng chục loại giấy chứng nhận (GCN) liên quan đến nhà đất, trong đó có nhiều loại giấy ban hành từ sau năm 1975: giấy trắng (giấy phép hợp thức hóa quyền sở hữu nhà, giấy phép mua bán, chuyển dịch nhà cửa...), giấy đỏ (GCN quyền sử dụng đất), giấy hồng cũ (cấp theo nghị định 60 của Chính phủ), giấy hồng mới (GCN quyền sở hữu nhà ở, GCN quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở) cấp theo Luật nhà ở... khiến người dân rối tung, rối mù.

Rối rắm, mất thời gian, lãng phí

Chỉ tính từ năm 1993 (khi Luật đất đai ban hành) đến nay, có sáu mẫu GCN được ban hành. Hiện nay các cơ quan chức năng đang cấp theo bốn mẫu GCN: giấy đỏ cấp cho đất, giấy hồng cấp cho riêng nhà ở, giấy hồng cấp cho nhà ở có đất, GCN quyền sở hữu công trình theo nghị định 95 của Chính phủ.

Tồn tại song song với các mẫu giấy này là nhiều mẫu GCN khác. Con số này chưa dừng lại khi các cơ quan chức năng đang đề xuất thống nhất một GCN. Bộ Tư pháp cũng đang lấy ý kiến về dự luật đăng ký bất động sản và nhiều khả năng một giấy nữa sẽ ra đời...

So sánh các mẫu GCN cũ và các mẫu GCN gần đây, trưởng phòng tài nguyên môi trường (TN-MT) một quận cho rằng việc thể hiện trên các mẫu GCN ngày càng phức tạp hơn. Cơ quan được phân công cấp giấy mỗi nơi mỗi khác nhau. Một số tỉnh thành giao cho ngành TN-MT cấp giấy đỏ, giấy hồng mới.

Nhưng ở TP.HCM, Sở TN-MT cấp giấy đỏ cho tổ chức, Sở Xây dựng thì cấp giấy hồng mới cho tổ chức, GCN quyền sở hữu công trình. Đối với cá nhân thì mỗi nơi mỗi kiểu. Có quận huyện giao phòng TN-MT cấp cả giấy đỏ, giấy hồng mới, có quận huyện giao phòng quản lý đô thị cấp cả hai giấy trên, nơi khác lại giao cho phòng quản lý đô thị cấp giấy hồng, phòng TN-MT cấp giấy đỏ, một số nơi giao cho văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp.

Theo Bộ TN-MT, tại cuộc họp giữa bộ và Bộ Xây dựng cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Xây dựng vẫn chưa thống nhất việc cấp một loại GCN quyền sử dụng đất cùng với quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, vì cho rằng hiện chưa sửa Luật đất đai, Luật nhà ở nên chưa có cơ sở để thực hiện phương án một giấy.

Trong khi đó, Bộ TN-MT vẫn “bảo vệ” phương án một giấy. Theo Bộ TN-MT, việc cấp chung một loại GCN là cần thiết vì đất đai và tài sản gắn liền với đất là thống nhất, không thể tách rời. Hơn nữa việc cấp nhiều loại GCN như hiện nay sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý và dễ phát sinh các tranh chấp dân sự khi chuyển nhượng, mua bán đất đai, tài sản.

Việc giao một cơ quan đầu mối để cấp GCN quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cũng là cần thiết, vì cấp giấy ở nhiều cơ quan khác nhau sẽ gây phiền hà cho dân. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chậm cấp GCN và xảy ra tình trạng giao dịch ngầm như hiện nay.

Ngoài ra, do nhiều cơ quan khác nhau cấp GCN nên hồ sơ đất đai, tài sản gắn liền với đất bị phân tán, dễ thất lạc; thông tin về nhà đất không đầy đủ sẽ dẫn đến sai sót trong quản lý; việc xây dựng hồ sơ về đất đai, tài sản gắn liền với đất sẽ chồng chéo, gây lãng phí...

Nhiều nơi muốn trở lại “một giấy hai quyền”

Cuối năm 2008, UBND TP.HCM đã xin thí điểm cấp một GCN cho nhà, đất và tập trung một đầu mối cấp giấy là văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (thuộc phòng TN-MT các quận huyện). Với đất không có nhà ở thì bộ phận này cập nhật và cấp GCN sau khi cơ quan có thẩm quyền giao đất. Sở Xây dựng hoặc phòng quản lý đô thị cấp giấy phép xây dựng xong cũng cập nhật thông tin cho bộ phận trên để khi người dân xây nhà xong chỉ cần đăng ký là được công nhận quyền sở hữu tài sản.

Ngoài TP.HCM, Hải Phòng và Cần Thơ cũng xin thí điểm theo mô hình trên. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng chỉ đồng ý cho thí điểm một đầu mối cấp giấy là văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, nhưng vẫn phải cấp theo Luật nhà ở và Luật đất đai như hiện tại. Theo bộ này, đối với cơ quan nhà nước thì việc cấp một giấy là thí điểm, nhưng với người dân đây là giấy chính thức và mẫu giấy này không phù hợp với quy định hiện hành.

Thực tế trước đó nhiều địa phương khác (như Đà Nẵng, Hà Nội, Nghệ An) đã “xé rào”, không cấp giấy hồng mới cho nhà và đất theo Luật nhà ở, mà vẫn cấp GCN theo mẫu của Luật đất đai và công nhận quyền sở hữu tài sản trên đất.

Một giấy, lợi đôi đàng

ThS Nguyễn Văn Quang, trưởng phòng đăng ký thống kê và đo đạc bản đồ, Sở TN-MT TP Hà Nội, chỉ ra một loạt những bất tiện của giấy hồng mới như phải cấp hai loại giấy (một cho nhà ở, một cho công trình khác), phải hủy giấy khi nhà bị tháo dỡ, không được xác nhận thay đổi khi tách nhập thửa, tăng giảm diện tích, khi có sai sót không thể điều chỉnh trên GCN... Về kỹ thuật, giấy hồng mới cũng không có những ưu điểm để dễ dàng nhập thông tin vào hệ thống quản lý chung. Còn giấy đỏ theo Luật đất đai thì không thể hiện được phần sở hữu tài sản trên đất.

Theo một chuyên gia về quản lý đô thị, vấn đề chính là nội dung thể hiện trên giấy. Nếu chỉ có đất thì cấp GCN một quyền, đất có nhà thì phải thể hiện được hai quyền: nhà và đất, trong đó đất là “quyền” chính vì ít biến động và nhà (hoặc công trình) là “quyền” phụ vì thường xuyên thay đổi. Muốn làm được điều này phải thống nhất một GCN cho cả nhà và đất. Lúc đó chỉ cần có một hệ thống quản lý cho cả nhà và đất, việc cung cấp thông tin cho người dân cũng thuận tiện hơn, không rối rắm như hiện nay.

Ông Nguyễn Đăng Sơn, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, cho rằng thống nhất một giấy cho nhà và đất là cần thiết. Theo ông Sơn, các nước trên thế giới đều đã thống nhất cấp một giấy cho nhà, đất, chúng ta cũng phải thống nhất một loại GCN cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Ông Sơn nhấn mạnh: điều khá quan trọng của việc thống nhất một GCN cho nhà, đất là hồ sơ cấp giấy sẽ có cả lý lịch thửa đất, căn nhà ngay từ đầu, như vậy sẽ tránh được gian lận trong giao dịch.

Chưa sửa luật vẫn có thể thực hiện một giấy

Theo Bộ TN-MT, nghị quyết 07 của Quốc hội (ban hành ngày 12-11-2007) đã quy định: thống nhất một loại GCN quyền sử dụng đất cùng với quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất trên cơ sở Luật đất đai.

Trong trường hợp chưa sửa Luật nhà ở, Luật đất đai thì Chính phủ có thể ban hành một nghị định để quy định việc cấp chung một loại GCN thay thế các loại GCN hiện hành là có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện vì các loại GCN hiện hành đều do Chính phủ ban hành.


DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO