Top

Quy hoạch sử dụng đất thiếu sức sống

Cập nhật 08/08/2012 08:40

Là một trong những người luôn có “quan điểm nóng” về đất đai, dù không còn làm công tác quản lý, song GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn còn rất nhiều trăn trở… Khi Bộ TN-MT mới thành lập, cách đây 10 năm, ông nói:


GS-TSKH Đặng Hùng Võ
Sau khi thành lập, công việc đầu tiên mà bộ phải bắt tay vào là chuẩn bị dự thảo Luật Đất đai mới để trình Chính phủ vào tháng 4-2003, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 6-2003 và Quốc hội quyết định vào tháng 11-2003. Một công việc gần như bất khả thi về thời gian. Nói là trình dự án Luật Đất đai nhưng lại phải kèm theo cả nghị định hướng dẫn thi hành luật này nữa, một nghị định mà nhân dân vẫn gọi bằng cái tên “siêu Nghị định 181”. Sau đó, Luật Đất đai 2003 đã ra đời trong hoàn cảnh ngặt nghèo về thời gian nhưng với chất lượng cũng làm hài lòng đại đa số.

Tiếp theo là cuộc kiểm tra việc thi hành Luật Đất đai toàn quốc sau một năm thực hiện vào cuối năm 2005 cũng để lại trong tôi những cảm xúc đặc biệt. Việc kiểm tra này đã tạo được nếp tư duy về trách nhiệm thực thi pháp luật của chính quyền địa phương, giúp cho người dân ý thức được quyền của mình đối với đất đai và làm cho tôi trưởng thành hơn rất nhiều về mặt con người…

* Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được QH phê duyệt, trong đó có mục tiêu giữ 3,8 triệu ha đất lúa. Những năm qua, công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch được coi là không sát thực tế, có chỉ tiêu đạt rất cao, có chỉ tiêu rất thấp, thậm chí không thể đạt được. Theo ông, làm thế nào để nâng cao chất lượng quy hoạch?

GS-TSKH ĐẶNG HÙNG VÕ: Nói về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chúng ta rất nâng niu các chỉ tiêu về tổng diện tích của từng loại đất. Tranh luận rất nhiều, thậm chí là rất gay gắt từ QH tới HĐND các cấp ở địa phương để ra được những chỉ tiêu về diện tích như vậy. Chỉ tiêu về 3,8 triệu ha đất lúa là một ví dụ cụ thể về cách tiếp cận này.

Nhưng tiếp theo thì việc thực hiện các chỉ tiêu như thế nào lại như chuyện “đùa”. Thực hiện đạt nửa chỉ tiêu thôi cũng không sao, thực hiện gấp đôi chỉ tiêu cũng không sao. Kết cục này tạo ra nhiều kết luận khác nhau như quy hoạch được duyệt thiếu thực tế, thiếu khả thi hoặc thực thi quy hoạch thiếu trách nhiệm, thậm chí quy hoạch gắn với lợi ích nhóm... Việc thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch thấp hay cao cũng không ai bị làm sao cả, từ người lập, người xét duyệt cũng như người thực hiện. Đã phê duyệt quy hoạch mà thực hiện thế nào cũng được thì có nghĩa là quy hoạch đó chẳng đóng vai trò có gì đáng kể.

Vậy thì câu hỏi được đặt ra là “làm thế nào để nâng cao chất lượng quy hoạch sử dụng đất” và đó cũng là thực chất của yêu cầu đổi mới hệ thống quy hoạch sử dụng đất của nước ta. Câu trả lời rất dễ, chỉ tiêu tổng diện tích của từng loại đất trong kỳ quy hoạch là chưa đủ, quy hoạch cần chỉ rõ đất đó nằm ở đâu? Tại vùng nào? Vùng đó có đủ điều kiện để sử dụng đất có hiệu quả cao hay không? Việc quy hoạch sử dụng đất của ta chỉ quan tâm tới tổng diện tích là không có sức sống, diện tích đất phải gắn với quy hoạch vùng. Nói cách khác, chúng ta cần thay đổi phương pháp luận quy hoạch sử dụng đất, chuyển từ phương pháp luận quy hoạch theo tổng diện tích sang phương pháp luận theo quy hoạch phân vùng, quy hoạch không gian.

Quy hoạch ở bán đảo Thanh Đa (TPHCM) đến nay vẫn chưa thực hiện được. Ảnh: Thanh Tâm

* Được coi là “kiến trúc sư trưởng” của Luật Đất đai 2003, ông có nhận xét gì về quá trình sửa luật hiện nay?

Quá trình sửa luật hiện nay đang được thực hiện tốt theo tiến độ. Hội nghị Trung ương 5 đã đưa ra các kết luận quan trọng về sửa đổi Luật Đất đai cũng như phòng chống tham nhũng. Tiếp tục Hội nghị Trung ương 6 sẽ thông qua được Nghị quyết Trung ương về chính sách, pháp luật đất đai.

Qua quá trình thảo luận về sửa đổi Luật Đất đai trong các hội nghị, hội thảo có thể thấy việc sửa đổi Luật Đất đai thu hút được sự quan tâm của rất nhiều tổ chức quốc tế, nhiều chuyên gia và các tầng lớp nhân dân. Về phía các cơ quan quản lý, tôi có cảm giác như đang rất thận trọng, thậm chí là rụt rè và thụ động. Từ kinh nghiệm, tôi cho rằng chúng ta rất cần một nghiên cứu, lý luận thật thấu đáo, thuyết phục, không được rơi vào trạng thái duy ý chí chủ quan để đổi mới chính sách đất đai, dù rằng bước này chắc chắn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế phát triển trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội bằng cơ chế thị trường.

Quận 2 TPHCM sử dụng quỹ đất để phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Cao Thăng

* Gần đây các doanh nghiệp phản ánh việc “thu tiền sử dụng đất sát giá thị trường” theo quy định của Bộ Tài chính là không đúng với Luật Đất đai năm 2003, vô hình trung bắt họ ”mua đất 2 lần” (sau khi đã trả tiền đền bù GPMB cho người dân, cũng sát giá thị trường). Cách hiểu này có đúng không, xử lý thế nào?

Tôi cho rằng đây là một thực tế xuất hiện trong các quy định pháp luật và việc thực hiện các quy định đó thiếu nhất quán. Luật Đất đai 2003 quy định giá đất do Nhà nước quy định hoặc quyết định phải phù hợp thị trường. Trong khi đó, Chính phủ quy định phương pháp định giá đất nông nghiệp là phương pháp thu nhập. Thu nhập từ nông nghiệp rất thấp nên giá đất định theo phương pháp thu nhập cũng rất thấp. Phương pháp thu nhập chỉ phản ánh đúng giá trị thị trường khi đất đó chỉ được sử dụng theo mục đích tạo nên thu nhập đưa vào định giá, không bao giờ được sử dụng theo mục đích khác. Trên thực tế, đất nông nghiệp cũng được sử dụng đa dạng, nay trồng ngô thì mai có thể trồng hoa, thu nhập cũng khác nhau, rồi một vài năm sau có thể được mở rộng quy hoạch sang làm khu dân cư. Giá đất không chỉ phản ánh mức độ thu nhập theo mục đích sử dụng hiện tại mà còn phụ thuộc vào lợi nhuận kỳ vọng trong tương lai.

Chính vì lý do định giá đất nông nghiệp như vậy mà việc bồi thường, hỗ trợ đối với đất nông nghiệp trong khu dân cư, đất vườn gắn với nhà ở được Chính phủ cho cộng thêm phần giá trị bằng từ 20% - 30% tới 50% - 70% giá đất ở trung bình trong khu vực. Phần giá trị tăng thêm đối với đất nông nghiệp không được tính cho các doanh nghiệp khi được Nhà nước giao đất nên các doanh nghiệp có bức xúc. Các doanh nghiệp phải chi trả bồi thường, hỗ trợ cho người đang sử dụng đất bằng phần giá trị tương đương giá thị trường nhưng khi nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước chỉ được trừ đi phần giá trị đất nông nghiệp tính theo giá đất xác định bằng phương pháp thu nhập, rất nhỏ bé so với giá trị đất phi nông nghiệp theo thị trường mà họ phải nộp. Vậy nên các doanh nghiệp thường gọi là “mua đất 2 lần”.

Đây là một bức xúc có lý của các doanh nghiệp. Nguyên nhân là do các quy định của pháp luật về định giá đất không hợp lý và thiếu nhất quán. Không chỉ người mất đất bức xúc mà một số người được đất cũng bức xúc, mà ngân sách nhà nước cũng không tăng thêm được là mấy.

Cảm ơn ông!

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng