Hệ số K khá cao so với khả năng người dân, ngân sách chưa thu được bao nhiêu.
Nhận xét sau hai tuần Quyết định 28 về hệ số điều chỉnh tiền sử dụng đất của TP.HCM có hiệu lực, ông Dương Kim Quới, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Bình Tân, nói: “Chỉ lác đác một số hộ có nhu cầu kinh doanh, còn người dân bình thường thì chưa thấy đến nộp nhiều, tiền sử dụng đất theo quy định mới khá cao so với khả năng của họ”.
Cần kinh doanh mới ráng nộp
Là quận vùng ven đang có tốc độ đô thị hóa cao, tại Thủ Đức, hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất tập trung chủ yếu vào các thửa đất có diện tích từ 1.000 đến 3.000 m2. Tuy nhiên, theo Chi cục Thuế quận này, từ khi thực hiện Quyết định 28 đến nay chỉ có khoảng 10% hồ sơ nộp tiền sử dụng đất, 90% còn lại là ghi nợ. “Chỉ những đối tượng kinh doanh, cần thiết phải chuyển mục đích sử dụng mới có tiền để nộp, số còn lại không đủ sức để nộp vì số tiền quá lớn” - bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, phụ trách Đội Thuế trước bạ, cho biết. Để minh chứng cho số tiền quá lớn này, bà Nguyệt thử làm phép tính chuyển 1.000 m2 đất mặt tiền đường Võ Văn Ngân từ đất nông nghiệp sang đất ở thì số tiền phải nộp là… gần 29,6 tỉ đồng. Đã vậy, theo quy định hiện hành (QĐ 19/2009 của TP về hạn mức tối thiểu tách thửa), người dân không được phép chia nhỏ thửa đất để chuyển mục đích một phần theo nhu cầu nên tiền sử dụng đất càng cao.
Người dân đang làm thủ tục thuế tại Chi cục Thuế quận Bình Tân ngày 1-8. Ảnh: CẨM TÚ
|
Hiện tại, lượng người đến nộp tiền sử dụng đất (trường hợp đất vượt hạn mức) tại các quận đều rất ít. Tại quận 9, ông Võ Trí Dũng, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, cho hay hai tuần qua chỉ có khoảng 20 hồ sơ xin nộp tiền chuyển mục đích sử dụng, người dân còn tâm lý e ngại vì phải đóng số tiền lớn nên vẫn đang nghe ngóng và tiếp tục chờ đợi sự thay đổi về chính sách trong thời gian tới. Tương tự, đại diện Chi cục Thuế Gò Vấp cũng cho biết không xảy ra hiện tượng “ùn tắc” về số lượng người dân đến nộp tiền sử dụng đất. Do hồ sơ mới ít nên quận Bình Tân đang chủ yếu tập trung giải quyết số hồ sơ tồn. Ông Nguyễn Kim Quới, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Bình Tân, cho biết quận này có hơn 1.000 hồ sơ bị tồn do gần hai năm nay không tính được tiền sử dụng đất. “Chúng tôi đang giải quyết dần, cố gắng khoảng hai tháng là xong hết các hồ sơ này” - ông nói.
Với tình hình hiện nay, ông Quới cũng dự đoán nhiều người dân sẽ chọn hình thức ghi nợ tiền sử dụng đất. “Nghị định 120/2010 về tiền sử dụng đất cho người dân được trả nợ theo số tiền tại thời điểm được cấp giấy chứng nhận trong thời hạn năm năm. Người dân cũng có thể trả dần hoặc trả một lần nên cũng linh động” - ông giải thích.
Lệ phí trước bạ cũng đòi nhân hệ số?
Những tưởng Quyết định 28 của TP.HCM sẽ giải tỏa được hết các vướng mắc về tiền sử dụng đất cho trường hợp vượt hạn mức đất ở, tuy nhiên vài vướng mắc không đáng có lại vừa phát sinh. Các trường hợp được cấp giấy chứng nhận trước ngày 1-3-2011 (ngày Nghị định 120 có hiệu lực) vẫn bị ách lại, chưa được giải quyết cho tính tiền sử dụng đất. Đại diện Chi cục Thuế Gò Vấp cho hay trong một cuộc họp với các chi cục thuế, Cục Thuế TP.HCM đã lưu ý tạm dừng tính tiền sử dụng đất cho đối tượng trên để… đợi hướng dẫn.
Được biết lý do Cục Thuế có lưu ý như trên là do Thông tư 93/2011 (thông tư hướng dẫn Nghị định 120, xử lý một số vấn đề tồn tại trước khi Nghị định 120 có hiệu lực). Theo đó, người dân đã nộp hồ sơ hợp lệ để cấp giấy chứng nhận hoặc chuyển mục đích cho cơ quan có thẩm quyền thì được nộp tiền sử dụng đất theo quy định trước khi Nghị định 120 có hiệu lực. Nhưng theo quy định trước là như thế nào thì không rõ. Do đó, Cục Thuế đề nghị các chi cục thuế phải tạm dừng để chờ hỏi UBND TP. Vấn đề đáng nói ở đây là Thông tư 93 đã có từ hơn một năm nay nhưng cơ quan thuế lại không làm rõ điểm thắc mắc này, đến khi Quyết định 28 được ban hành thì lại phát sinh khiến người dân phải chờ đợi nữa.
Không chỉ thế, mới đây Cục Thuế lại có một văn bản gửi các cơ quan trao đổi về cách tính lệ phí trước bạ với đất vượt hạn mức. Theo đó, cơ quan này cho hay hiện đang có hai quan điểm. Quan điểm thứ nhất là lệ phí trước bạ được tính theo bảng giá đất cho toàn bộ diện tích đất được công nhận hoặc chuyển mục đích. Còn quan điểm thứ hai lại cho rằng lệ phí trước bạ cũng phải “nhân hệ số K” với phần diện tích đất vượt hạn mức như tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, được biết Sở Tư pháp đã có ý kiến bác bỏ quan điểm thứ hai này. Sở Tư pháp cho rằng phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật: Lệ phí trước bạ căn cứ theo bảng giá đất thành phố ban hành với toàn bộ diện tích đất.
Hồ sơ nộp trước 1-3-2011: Sẽ thuận lợi
Theo đề xuất của Cục Thuế với UBND TP.HCM, hộ gia đình, cá nhân đã nộp đủ hồ sơ hợp lệ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở hoặc được chuyển mục đích sử dụng đất ở trước ngày 1-3-2011 (ngày Nghị định 120 có hiệu lực) thì giá tính tiền sử dụng đất đối với diện tích đất trong và ngoài hạn mức đều là giá đất ở do UBND TP ban hành và công bố hằng năm tại thời điểm kê khai, nộp đủ hồ sơ hợp lệ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Không phân biệt về giá đất với diện tích trong hay ngoài hạn mức, một hay nhiều thửa đất. Nói cách khác, đối tượng này không phải nộp tiền theo hệ số K của Quyết định 28 do thành phố ban hành mà được áp dụng bảng giá đất. Kiến nghị này dựa vào công văn trả lời của Bộ Tài chính về cách tính tiền sử dụng đất đối với trường hợp được cấp giấy chứng nhận trước ngày 1-3-2011.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: