Theo dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Nhà nước sẽ thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế như làm khu công nghiệp, khu đô thị mới…
“Vấn đề thu hồi đất vừa qua còn tùy tiện, cần phải chấn chỉnh, quy định chặt chẽ hơn trong sửa đổi Luật Đất đai (LĐĐ) lần này” - Bộ trưởng TN&MT Nguyễn Minh Quang khẳng định như vậy khi tham dự buổi thảo luận tổ về dự thảo LĐĐ sửa đổi của đoàn đại biểu (ĐB) QH TP.HCM chiều 6-11.
Bỏ quên quyền của “ông chủ”?
ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng tư tưởng hiến pháp “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” không sai nhưng khi thể chế hóa thành các điều luật và thi hành thì lại có nhiều vấn đề. Dự thảo sửa đổi LĐĐ lần này vẫn chưa thoát khỏi tư duy cũ khi quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu. Nhưng dự thảo mới chỉ quy định quyền hạn của người đại diện sở hữu mà thiếu quy định quyền của “ông chủ - sở hữu toàn dân”. “Ông chủ” - người dân lúc này trở thành người sử dụng, tức có ít quyền hơn chủ sở hữu. Còn tương quan giữa “ông chủ” và “đại diện ông chủ” biến thành quan hệ xin - cho, lúc nào “thích thì ổng cho và lúc nào cần thì ổng thu hồi lại”...
Thu hồi đất xây dựng khu đô thị mới quận 2, TP.HCM. Ảnh: HTD |
“Do đó, để khắc phục tình trạng lạm quyền của cơ quan nhà nước các cấp trong quản lý sử dụng đất đai thời gian qua thì nên có quy định vài điều về quyền của nhân dân - quyền của “ông chủ” đối với đất đai để kiểm soát quyền của Nhà nước - người đại diện sở hữu toàn dân. Phải quy định những nguyên tắc để ông đại diện này không được phép xâm phạm trái pháp luật những quyền của các “ông chủ”” - ĐB Nghĩa đề xuất.
Quan điểm này được Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang ủng hộ mạnh mẽ: “Hiện nay chúng ta vẫn còn nặng về quyền của Nhà nước nhưng đúng là người dân cũng phải có quyền gì đấy đối với Nhà nước. Luật phải quy định người dân có quyền giám sát, đảm bảo công khai minh bạch đối với quyết định của cơ quan chính quyền...”.
Phát triển kinh tế thì vô cùng
Nhiều ĐB cũng bày tỏ lo ngại về quy định cho phép thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế sẽ dễ bị lạm dụng phát sinh tiêu cực. Theo ĐB Nghĩa, dự thảo quy định thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế nhưng mục đích phát triển kinh tế thì vô cùng. Đó cũng chính là nguyên nhân mười mấy năm qua chúng ta đã thu hồi rất nhiều đất đai cho khu công nghiệp, sân golf, resort... nhưng không ít trong số đó bị bỏ hoang gây lãng phí lớn.
Bà Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH cũng cho rằng con đường thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội và theo kế hoạch sử dụng đất là không khả thi, dễ phát sinh kế hoạch treo, tiếp tục lãng phí. “Nhà nước chỉ nên thu hồi đất phục vụ quốc phòng, an ninh và lợi ích công cộng. Còn các trường hợp khác nên để nhà đầu tư và người dân thỏa thuận sẽ hợp lý hơn” - bà Nga nói.
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) nêu quan điểm: “Tôi phản đối chuyện Nhà nước giao dự án rồi nhà đầu tư đi bồi thường. Nhà cửa người dân có quyền sở hữu hợp pháp, tại sao Nhà nước có quyền giao cho nhà đầu tư làm dự án? Theo tôi, tốt nhất nên theo phương án như Singapore, nghĩa là không nên giao đất cho DN nào hết. Chính quyền lập dự án, đầu tư hạ tầng, đấu giá, thu chênh lệch địa tô, còn DN chỉ là nhà đầu tư bất động sản cấp 2”.
ĐB Nguyễn Minh Hoàng (Bạc Liêu) cũng kiến nghị nếu sử dụng đất vào mục đích kinh tế thì nên trưng mua và cần có cơ chế chia sẻ với dân, đừng để giá đất tăng hàng chục lần, dân bị thiệt mà nhà đầu tư hưởng lợi.
Khắc phục tùy tiện trong thu hồi đất
* Nhiều ĐBQH đề nghị áp dụng cơ chế trưng mua thay cho thu hồi đất và lo ngại việc thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế dễ dẫn đến tiêu cực. Ý kiến ông thế nào?
+ Bộ trưởng TN&MT Nguyễn Minh Quang: Vấn đề trưng mua quy định trong hiến pháp được áp dụng đối với tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của cá nhân, tổ chức nói chung. Còn đất đai không phải tài sản có quyền sở hữu và định đoạt mà chỉ có quyền sử dụng và Hiến pháp cũng quy định thể thức trưng dụng có bồi thường theo thời giá thị trường.
Chúng ta cũng thấy được vừa qua lợi nhuận chênh lệch của nhà đầu tư rất ghê gớm. Xu hướng sắp tới Nhà nước sẽ trực tiếp thu hồi đất, còn DN sẽ chỉ làm nhà đầu tư thứ cấp. Phải sửa luật, khắc phục những tùy tiện trong thu hồi đất trước đây. Quyền sử dụng đất của người dân phải được tôn trọng. Không thể thu hồi đất giá rẻ mạt của người dân để làm chuyện này, chuyện khác, phải xuất phát từ lợi ích của người dân trong thu hồi đất. Đồng thời, phải có tổ chức định giá đất độc lập để khách quan, không thể tùy thuộc vào người có thẩm quyền quyết định thu hồi đất. Ví dụ, UBND có quyền thu hồi đất nhưng giá thì phải do một tổ chức khác thẩm định. Khi thu hồi đất, phải khảo sát hiện trạng, ý kiến người dân thế nào, vấn đề công khai và bình đẳng rất quan trọng.
* Sửa đổi LĐĐ lần này có bịt kín kẽ hở pháp luật, chống tiêu cực, tham nhũng đang được cho là quá nhiều trong lĩnh vực này không?
+ Nhiều ý kiến cho rằng chỉ cần tư nhân hóa đất đai hoặc áp dụng giá đất theo thị trường thì mọi vấn đề giải quyết hết nhưng thực tế vấn đề không đơn giản. Chúng tôi cũng đã khảo sát ở Thái Lan, đất công chiếm 70% và đất nông nghiệp chủ yếu là đất công. Hệ thống quản lý đất đai theo ngành dọc, họ có Cục Quản lý đất đai và tổ chức định giá thông suốt từ trung ương xuống địa phương. Còn chúng ta đang chia cắt nhiều “ông” có quyền quá nên rối. Nếu thống nhất quản lý theo vệt từ trung ương đến địa phương sẽ tốt hơn.
Những quy định trong dự thảo sửa đổi LĐĐ lần này cũng cơ bản khắc phục được sơ hở trong quản lý. Chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng tổ chức phát triển quỹ đất rồi đấu giá, công khai, minh bạch trong định giá đất thì tình hình sẽ khác đi. Thời gian qua, do mục tiêu thu hút đầu tư nên cũng có mở nhiều quá, giờ phải bịt lại, không thể khác.
Còn những lo ngại về tổ chức phát triển quỹ đất lấy đâu ra tiền để bồi thường thu hồi đất thì có nhiều kênh huy động, có thể vay tín dụng lãi suất thấp chứ không phải không có lối thoát, nếu có quy định thì sẽ làm được.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: