Top

Săn dự án “ngộp”

Cập nhật 06/11/2012 08:15

Trong khi ai cũng la làng thị trường địa ốc đóng băng, kêu ca giải cứu nhưng trên thực tế có không ít dự án chung cư bị “ngộp” đã sống trở lại nhờ những cú bắt tay liên kết…



Khách hàng tìm hiểu sản phẩm tại một buổi lễ mở bán căn hộ ở TPHCM.

Sân chơi của môi giới?

Tự nhiên gần đây Công ty cổ phần Dịch vụ và xây dựng địa ốc Đất Xanh (DXG) được nhắc đến nhiều. Nếu xét về vốn liếng, DXG dạng “thường thôi”, vì theo báo cáo tài chính quý 3-2012 vốn chủ sở hữu 432 tỷ đồng, nhưng dạo này lại mua lại nhiều dự án của các chủ đầu tư to hơn hẳn. Ngày 26-10, DXG đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Địa ốc Gia Phú mua lại toàn bộ dự án Gia Phú giai đoạn 2 với trị giá chuyển nhượng 250 tỷ đồng. Theo đó, chủ đầu tư trước đây đã thực hiện xong giai đoạn 1, phần còn lại với 182 căn hộ chung cư trên diện tích đất 5.575m2 tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức đã chuyển lại cho DXG.

Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc DXG cho biết thời gian qua DXG đã mua 6 dự án mới. Sở dĩ DXG, mạnh dạn mua dự án dở dang là nhờ lợi thế hệ thống môi giới bán hàng đông đảo từ Nam ra Bắc. Đó chính là cầu nối liền lạc giữa những người thiếu nhà và các chủ đầu tư yếu vốn, bí đầu ra. Nhờ đó DXG mạnh miệng tuyên bố: Cùng liên kết, hợp tác với đối tác có quỹ đất “sạch”, các dự án đã tiến hành triển khai nhưng đang cần chuyển nhượng, các dự án đang ngưng trệ cần chuyển đổi chủ đầu tư!

Cho dù chưa có “số má”, vốn liếng không là bao nhưng trong khi thị trường địa ốc bí đầu ra, Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn (HAS) lại trở thành “bà đỡ” cho nhiều dự án dở dang. Mặc dù đã thi công gần xong phần thô, nhưng dự án chung cư Lucky Apartment đã phải “án binh bất động”. Mới đây HAS phối hợp với một công ty môi giới bất động sản khác đã bắt tay với chủ đầu tư, giúp dự án này có tiền thi công trở lại. Theo ông Đoàn Chí Thanh, Tổng giám đốc HAS, khi mua dự án phải bỏ ra vài trăm tỷ đồng.

Tuy nhiên, các sàn bất động sản nhảy vào hợp tác đầu tư thì chỉ cần bỏ ra vài chục tỷ đồng làm “mồi” để khởi động lại dự án, phần còn lại sẽ thu từ việc bán căn hộ để tiếp tục thi công dự án. “Nhiều chủ đầu tư triển khai dự án tốt, nhưng không bán được hàng, khiến dự án ngưng trệ. Trong khi đó, sàn giao dịch có cách để bán được hàng. Khi hai bên bắt tay sẽ giúp dự án chạy tốt” - ông Đoàn Chí Thanh phân tích.

Tháng trước, một công ty môi giới địa ốc đã cứu sống một dự án “ngộp” theo hình thức tương tự. Dự án mặc dù đã cất nóc nhưng chỉ bán được 50% số lượng căn hộ, chủ đầu tư không có khả năng hoàn thiện, dự án đã phải dừng thi công khoảng một năm qua. Nhận định chung cư có vị trí tốt, cộng với mức giá đưa ra hợp lý nên công ty môi giới bơm tiền cho dự án. Hiện nay dự án tiếp tục thi công, nhà môi giới đã bán được số lượng lớn căn hộ trong phần tồn kho.

Không dễ

Sự thiếu vốn khiến hàng loạt chủ đầu tư bỏ dự án nửa chừng, bê tông cốt thép hoen gỉ, dự án hoang hóa. Thông tin từ Sở Xây dựng TPHCM: có 1.166 dự án bất động sản được giao đất với tổng diện tích 13.765ha, nhưng chỉ có 195 dự án đã hoàn thành; 815 dự án đang triển khai, trong đó nhiều dự án đang trong giai đoạn làm thủ tục đầu tư, điều chỉnh dự án…; 122 dự án chưa triển khai do thiếu vốn, tắc đầu ra; 14 dự án tạm ngưng triển khai. Do đó, trong khi các chủ đầu tư “lắm tiền” bị lâm thế, sự thâu tóm đến từ các nhà môi giới trở thành tâm điểm chú ý của thị trường.

Tuy nhiên, nhìn chung các dự án được chọn chủ yếu là nhỏ về quy mô căn hộ, giá bán thấp và hướng đến đối tượng có nhu cầu thật về nhà ở. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, nhận định, hiện nay có hai nhóm thâu tóm dự án, một là ngân hàng, hai là công ty môi giới. Nguồn tiền từ ngân hàng có thể phân tích được, nhưng các công ty môi giới lấy tiền từ đâu là ẩn số. Việc chọn mua các dự án nhỏ lẻ của các công ty môi giới khó đủ mạnh để tạo thành làn sóng bơm vốn cho hàng loạt dự án dở dang hiện nay.

Hiện nay việc thoái vốn của chủ đầu tư không hề dễ, dự án phải có vị trí thật tốt, chấp nhận lỗ 50%-80% mới hy vọng kiếm được đối tác chuyển nhượng. Ông Nguyễn Văn Đực minh họa một câu chuyện: Trước đây một chủ đầu tư đã bỏ ra 180 tỷ đồng mua một miếng đất 6.000m2 ở quận Gò Vấp, thị trường đóng băng, mọi phương án kinh doanh đều bế tắc, hiện nay bán lại 30 tỷ đồng nhưng chưa chắc đã xong!

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc ACB, có rất nhiều dự án đang đầu tư dở dang ở quận Bình Tân, quận 12… Chủ đầu tư chào mời hợp tác nhiều kiểu, giá bán thấp nhưng không thể tham gia vì đầu ra quá khó. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến dự án dở dang xuất hiện ngày càng nhiều.



DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng