Top

Cải tạo chung cư cũ chậm trễ

Cập nhật 06/11/2012 09:40

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện còn rất nhiều khu chung cư cũ. Tại những khu nhà này, nhiều hộ dân tự ý đục phá, cơi nới, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu tòa nhà; công tác bảo dưỡng, duy tu bị buông lỏng, dẫn đến công trình ngày càng xuống cấp, gây nguy hiểm cho người dân. Trong khi đó, các dự án cải tạo chung cư cũ lại triển khai rất chậm trễ.

Một khu nhà tập thể cũ khu Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân).

Nhà xuống cấp nghiêm trọng


Ðến bất kỳ một khu tập thể cũ nào trên địa bàn Hà Nội như: Nguyễn Công Trứ, Văn Chương, Thành Công, Kim Liên... chúng ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh nhếch nhác của lều quán, nhà tạm trên khoảng đất lưu không khu tập thể. Bà Hoa, ở nhà B6 khu tập thể Thành Công cho biết: Cách đây khoảng 30 năm, các hộ dân tự chia nhau diện tích đất lưu không của khu nhà. Ban đầu để trồng rau tăng gia, cải thiện cuộc sống, sau đó dựng lều quán bán hàng và xây nhà kiên cố để ở. Các hộ không có đất lưu không thì làm "chuồng cọp", "ba lô" trên khoảng không làm giảm tải trọng, sức bền của tòa nhà. Không có ban quản trị, ban quản lý, không thu kinh phí quản lý, bảo trì vì vậy việc duy tu nạo vét hệ thống thoát nước bẩn, vệ sinh các khu tập thể cũ cũng gặp nhiều khó khăn. Nhưng khi gặp sự cố, người dân thường tự bỏ tiền ra thuê thợ làm. Bà Phạm Thị Viện (khu tập thể 67B đường Lương Thế Vinh, xã Trung Văn, huyện Từ Liêm) cho biết: Ðường ống nước khu tập thể bị vỡ, chúng tôi tự thu tiền các hộ dân rồi thuê thợ đến làm. Báo cho các công ty quản lý nhà thì đến bao giờ họ mới sửa. Một người dân khác ở khu tập thể Hào Nam phản ánh: Khu tập thể nhà tôi ở mười năm nay chưa thấy quét vôi, chứ nói gì đến sửa chữa những hỏng hóc. Vì thế các hộ dân thường tự bỏ tiền sửa chữa, vôi ve, mỗi nhà làm mỗi kiểu, khiến bộ mặt khu tập thể ngày càng nhếch nhác vì chắp vá.

Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) Trần Ngọc Sơn cho biết, các khu tập thể trên địa bàn phường hiện cũng đã xuống cấp, hư hỏng nặng. Do việc cấp nước sinh hoạt khó khăn, nên các hộ dân thường mua bình đựng nước i-nốc từ 500 l đến 1.000 l để lên sân thượng, chất tải lớn lên tòa nhà, có nguy cơ gây sập nhà bất cứ lúc nào. Trong khi đó, việc cải tạo các khu nhà này được tiến hành rất hình thức, theo kiểu "làm cho có", mà công trình cũ nát, cứ đụng đến đâu là hỏng đến đó.

Dự án cải tạo nằm... trên giấy

Theo khảo sát của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 982 nhà tập thể cũ bốn đến năm tầng, do thành phố quản lý. Trong số đó có 11 khu tập thể xếp hạng D (hạng đặc biệt nguy hiểm) cần phải cải tạo ngay. Tuy nhiên, đến nay mới có duy nhất dự án nhà B14 Kim Liên hoàn thành xây mới, mười khu tập thể nguy hiểm khác vẫn loay hoay vì vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Nhiều khu tập thể nguy hiểm đã có quyết định cải tạo từ bảy đến mười năm trước, nhưng nay vẫn "nằm im" như các khu tập thể Nguyễn Công Trứ, Văn Chương, Quỳnh Mai, Giảng Võ, Thành Công... Ðiển hình như khu tập thể Nguyễn Công Trứ, dù được coi là dự án thí điểm, được khởi động từ năm 2002, nhưng đến nay, việc xây dựng vẫn chưa có tiến triển. Trên địa bàn quận Thanh Xuân có khoảng 200 khu nhà tập thể cũ. Các nhà đầu tư đã phối hợp các phường tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt lại quy hoạch cải tạo các khu tập thể Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân Nam. Tuy nhiên, đến nay các dự án vẫn nằm trong giai đoạn điều tra xã hội học. Còn tại quận Hà Ðông, một số chủ đầu tư đã được cấp có thẩm quyền giao cho tiến hành nghiên cứu, lập kế hoạch cải tạo, xây dựng mới các khu tập thể cũ, nhưng tốc độ triển khai rất ì ạch.

Nguyên nhân chính của sự chậm trễ này là, do các dự án không giải phóng được mặt bằng bởi người dân đòi diện tích tái định cư tại chỗ tăng gấp từ 1,5 đến 2 lần, cao hơn so với quy định của thành phố (1,3 lần) mới chịu di dời. Theo phương án này, để đáp ứng yêu cầu của dân thì cải tạo một khu nhà năm tầng, chủ đầu tư phải xây mười tầng để bố trí cho các hộ dân tái định cư và xây thêm mười tầng nữa mới bảo đảm cân đối tài chính. Trong khi đó thành phố có chủ trương hạn chế xây nhà cao tầng trong nội đô để giảm các áp lực về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực trung tâm thành phố. Tại các quận nội thành cũ, nơi có nhiều dự án khu tập thể cũ cần cải tạo, xây dựng lại, thì không thể tìm đâu ra quỹ đất xây nhà tái định cư. Bên cạnh đó, tâm lý chung của người dân là muốn tái định cư tại chỗ, gần trung tâm hơn là chuyển đến nơi ở mới xa hơn, lại thiếu hạ tầng kỹ thuật, xã hội phục vụ đời sống. Vì vậy, vừa khuyến khích người dân đến nơi ở mới, nhưng vẫn phải tính phương án bố trí tái định cư tại chỗ là một trở lực trong quá trình cải tạo lại nhà chung cư cũ.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các nhà quản lý phải đưa phương án dự án đối ứng cho chủ đầu tư. Cách làm này cũng đồng thời giải quyết luôn được bài toán giãn dân khỏi nội đô, để giảm áp lực dân số và áp lực giao thông tại khu vực nội thành. Thay vì xây dựng những tòa nhà cao ngất ngưởng tại nội đô, trên nền những khu nhà chung cư cũ, Hà Nội cần hướng cho chủ đầu tư xây dựng dự án bên ngoài vành đai 3, vành đai 4. Ðối với các khu chung cư cũ có thể cải tạo, cần có phương án xử lý dứt điểm, không nên đưa ra cho có, để rồi lại... nằm im, không triển khai thực hiện.

DiaOcOnline.vn - Theo ĐBND