Theo Sở Tài chính cho biết, hiện có 83 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng mức đầu tư trên 7.028 tỷ đồng nhưng chủ đầu tư chậm quyết toán trên 6 tháng.
Trong đó có 53 dự án chậm quyết toán từ 7 đến 24 tháng, 30 dự án chậm trên 24 tháng. Đơn vị có nhiều dự án chậm quyết toán nhất là Sở Xây dựng với 35 dự án, kế đến là Sở GTVT 18 dự án. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng cho rằng, nếu quyết toán đúng thời hạn, chỉ khoảng 50 dự án, TP đã có thể tiết kiệm được 5 tỷ đồng. Điều đáng lo ngại là việc chậm quyết toán phần lớn là ở các dự án lớn. Bởi chỉ có 83 dự án mà chậm quyết toán đến trên 7.000 tỷ đồng, trong khi từ đầu năm đến nay cả TP có 444 dự án đã hoàn thành và quyết toán, tổng số tiền chỉ có 1.652 tỷ đồng.
Nhiều dự án chậm quyết toán gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Ảnh: Khánh Nguyên
Đến nay, toàn TP có tới 865 dự án với số vốn tạm ứng từ ngân sách TP tới hàng ngàn tỷ đồng chưa được hoàn trả. Trong đó có trên 1.476 tỷ đồng vốn tạm ứng từ năm 2004. Mục đích tạm ứng vốn của TP cho các dự án có tính chất cấp bách nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết từ cuộc sống, nhưng đã bị một số chủ đầu tư lợi dụng. Đại diện Sở Tài chính chỉ rõ: "Nằm trong số chậm hoàn trả nhất là các dự án điện, nước. Sau khi dự án được hoàn thành, chủ đầu tư vẫn cố tình tránh việc bàn giao". Có thể thấy, tình trạng né tránh, kéo dài hoàn trả vốn nhằm mục đích chiếm hữu và sử dụng trái phép nguồn vốn không phải chịu lãi.
Nguyên nhân của tình trạng nói trên trước tiên là ý thức, trách nhiệm của chủ đầu tư. Họ đã cố tình không chấp hành các quy định về tài chính để trục lợi, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Quá trình triển khai đầu tư chưa thực hiện đúng quy trình, thủ tục quản lý đầu tư xây dựng công trình, không xử lý kịp thời phát sinh, vướng mắc để có đầy đủ điều kiện lập hồ sơ báo cáo quyết toán ngay khi công trình hoàn thành. Khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, chủ đầu tư lại không tích cực hoàn chỉnh hồ sơ quyết toán theo đúng thời hạn quy định của Bộ Tài chính. Chất lượng một số hồ sơ còn hạn chế... Rất khó để phán xét rằng chủ đầu tư non kém về chuyên môn nên không làm tốt hồ sơ hay cố tình làm như vậy. Chỉ khi các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc, may ra mọi việc mới có thể được làm sáng tỏ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Sở Tài chính, một số sở, ngành, quận, huyện trong vai trò chủ đầu tư theo quyết định phê duyệt của UBND TP đồng thời với vai trò quản lý nhà nước theo phân cấp và quản lý chủ đầu tư (ban quản lý dự án trực thuộc) đã gây ra tình trạng rối rắm trong chỉ đạo lập hồ sơ quyết toán. Bên cạnh đó, các dự án có sự thay đổi chủ đầu tư trong quá trình thực hiện, hoặc sau khi đã hoàn thành chưa quyết toán, nhưng công tác lưu trữ và bàn giao hồ sơ không được thực hiện nghiêm túc. Bằng chứng là chỉ riêng việc báo cáo tình trạng chậm quyết toán của các dự án thuộc phạm vi quản lý mà có tới 28/72 sở, ngành, quận, huyện không làm đúng yêu cầu.
Nguyên nhân nữa phải kể đến là việc xác định trách nhiệm cụ thể và tổ chức bộ phận chuyên trách thực hiện công tác quyết toán trong các ban quản lý chưa được chú trọng và chưa được chỉ đạo quyết liệt. Nếu cứ "mềm dẻo" như vậy, liệu có ai dám chắc những vi phạm nghiêm trọng hơn sẽ không phát sinh?
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: