Top

Quá thiếu dịch vụ hậu cần cho các khu công nghiệp

Cập nhật 11/08/2010 11:10

Ông Marc Townsend, tổng giám đốc điều hành công ty TNHH CB Richard Ellis Việt Nam (CBRE) về việc kinh doanh bất động sản công nghiệp (BĐS CN) ở Việt Nam hiện nay, nhận xét: “Trước đây, các nhà đầu tư quen cách làm như sau: lập dự án khu công nghiệp (KCN), giải phóng mặt bằng, làm đường, kéo đường dây điện… rồi phân lô bán, hoặc cho thuê với giá rẻ. Nay các bạn phải cung cấp dịch vụ từ A  Z, cho chuyên gia làm việc trong KCN, cũng như cho dây chuyền sản xuất từ vận chuyển nguyên, nhiên liệu cho đến lưu trữ hàng hoá, thủ tục xuất nhập, đưa hàng hoá đến cảng xuất đi”.

Theo ông Marc Townsend, thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2010 đã có dấu hiệu khôi phục trở lại, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn cao, nên thị trường BĐS CN vẫn diễn ra sôi động. Đặc biệt, hiện Việt Nam có hơn 200 KCN, nhiều KCN đang mở rộng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, hiện giới đầu tư Việt Nam vẫn chưa nhận ra điểm then chốt trong đầu tư BĐS CN. Hiện có tình trạng nhiều chuyên gia, giám đốc người Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… làm việc tại các KCN ở Bình Dương, Đồng Nai phải ngày ngày đánh ôtô từ TP.HCM đến làm việc, chiều đánh ôtô về. “Tại sao chúng ta không xây dựng các khu dân cư ngay tại KCN cho họ ở đó, không xây dựng các dịch vụ ngay tại KCN để thu hút các chuyên gia ấy đến ở”, ông Marc Townsend nói.

Ngoài ra, theo các chuyên gia nhận xét, điểm then chốt trong việc kinh doanh BĐS CN là dịch vụ logistics. Đây là một tổ hợp dịch vụ hậu cần phục vụ cho cả dây chuyên sản xuất và xuất hàng hoá đi của các doanh nghiệp như: kho bãi, hải quan,… Bất cứ KCN nào có tổ hợp dịch vụ này càng tốt, càng thu hút khách hàng đến thuê. Theo tính toán của các chuyên gia, với cách làm này, các KCN có thể nâng giá trị cho thuê kho bãi của mình lên, giá thuê không chỉ tính từ 2 - 5 USD/m2/tháng như hiện nay, mà giá thuê có thể đạt ở mức 3,5 - 6,5 USD/m2/tháng cộng thêm các chi phí dịch vụ khác…

Cũng theo ông Marc Townsend, chúng ta thường quan niệm KCN chỉ có sản xuất, mà không tính đến các hoạt động bình thường của cuộc sống cần có để duy trì “sinh khí” của KCN. Trên thực tế, những mô hình KCN thành công của một số nước khác đều vận hành như một thành phố thu nhỏ. Hiện nay, quy mô và không gian kinh tế mở rộng hơn nhiều, những KCN sẽ trở nên chật chội, không thực hiện được chức năng đa dạng là khu sản xuất - đô thị với đầy đủ dịch vụ giáo dục, y tế...

Nhìn về tương lai, cần phát triển KCN theo chiều sâu bằng cách đưa chúng vào chuỗi kết nối các ngành nghề liên quan. Điều đó đặt ra yêu cầu lựa chọn những ngành nào được tập trung phát triển: điện tử, đóng tàu, gia dụng hay ôtô? Từ đó, tạo ra những “thành phố sản xuất, thành phố công nghiệp”. Tại Việt Nam, nhiều nơi cũng đang áp dụng cách làm này, cụ thể như: KCN Tân Tạo (TP.HCM) xây những toà nhà dịch vụ văn phòng; Bình Dương có thành phố công nghệ và khu công viên logistics với văn phòng hiện đại, nhà xưởng xây sẵn, kho ngoại quan, kho phi thuế quan…; KCN Ascendas - Protrade (Bình Dương) còn có cả sân golf cho ban giám đốc, khu dân cư chuyên gia...

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị