Top

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài:

Bớt bất động sản, thêm dịch vụ

Cập nhật 10/08/2010 09:10

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm sút và số lượng dự án nhỏ lẻ tăng vọt là những biểu hiện mới nhất gần đây. Các chuyên gia cho rằng Việt Nam đang thấm đòn từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.


Biểu đồ thu hút vốn FDI ba năm gần đây - Đồ họa: Mạnh Tánh

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - đầu tư), số dự án mới của bảy tháng qua ít hơn cùng kỳ năm ngoái 100 dự án, tổng vốn đăng ký bằng 68%, vốn tăng thêm chỉ bằng 13,3%. Vốn giải ngân thực hiện dự án đạt 6,4 tỉ USD, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 100 triệu USD và vốn đăng ký mới tăng được 5,4%.

Vốn không vào sản xuất

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, bảy tháng đầu năm 2010 cả nước chỉ có 35 tỉnh, thành phố có dự án FDI, trong đó chín địa phương thu hút được duy nhất một dự án, phần lớn có dưới 10 dự án. TP.HCM tiếp tục là nơi có số lượng dự án lớn nhất (165 dự án), tiếp đến là Hà Nội (135 dự án)... Tuy nhiều nhưng đa số các dự án có quy mô vốn nhỏ và hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, bất động sản và dịch vụ.

Vốn giảm, ảnh hưởng đến xuất khẩu

Trong cuộc họp giao ban tìm kiếm các giải pháp xuất khẩu cho sáu tháng cuối năm 2010, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên tỏ ra lo ngại khi cho rằng cán cân xuất khẩu của VN vẫn phụ thuộc rất lớn vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Chỉ tính riêng trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu bảy tháng đầu năm 2010, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 38,3 tỉ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2009, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm cả dầu thô) đạt 20,7 tỉ USD, tăng 26,7%. Nếu không kể dầu thô, kim ngạch xuất khẩu khu vực này đạt 17,7 tỉ USD, tăng 40,1%. “Việc các doanh nghiệp trong nước chỉ tăng một mức tăng rất khiêm tốn so với các doanh nghiệp FDI là điều hết sức đáng lưu ý, bởi vai trò của khu vực này là cực kỳ quan trọng trong tỉ trọng xuất khẩu của VN” - ông Biên nhấn mạnh.

Theo ông Biên, đáng lo ngại hơn cả là thời gian gần đây tỉ lệ các doanh nghiệp FDI đầu tư vào các ngành công nghiệp và công nghiệp chế biến đang giảm rất mạnh, chỉ còn 20-30% so với mức 70-80% của các năm trước. Ông Biên cho biết Bộ Công thương đang lên kế hoạch làm việc với Bộ Kế hoạch - đầu tư để tìm giải pháp khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp chế biến thông qua các hình thức ưu đãi khi đầu tư vào các khu công nghiệp - khu chế xuất.
Nhiều công ty luật tư vấn đầu tư ở TP.HCM có chung nhận xét là từ đầu năm đến nay tình hình tư vấn “ế” hơn năm ngoái. “Giờ này các năm trước chúng tôi rất bận rộn với số khách hàng do công ty mẹ ở nước ngoài đưa về, còn bây giờ quá rảnh rỗi. Thậm chí có nhà đầu tư “xù” tiền tư vấn vì sau khi thành lập công ty ở VN rồi không hoạt động nữa” - một nhà tư vấn cho hay.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Mại, vốn FDI đăng ký tuy giảm nhưng số vốn thu hút được cũng không phải nhỏ, vấn đề là dòng vốn này chảy vào đâu. Số lượng dự án tuy nhiều nhưng chưa vào những lĩnh vực mà VN mong muốn. “Tôi cho rằng cơ quan quản lý phải rà soát lại. Điều dễ nhìn thấy nhất là vốn FDI không vào các khu công nghiệp, tức là không vào sản xuất” - ông Mại đặt vấn đề.

Báo cáo từ các ban quản lý khu công nghiệp cho thấy rất ít dự án mới. Chẳng hạn, sáu tháng đầu năm Hải Phòng thu hút được năm dự án thì bốn đã nằm ngoài khu công nghiệp, số vốn nằm ngoài khu công nghiệp cũng chiếm đến 69,3%.

Tương tự, ở TP.HCM từ đầu năm đến nay có đến 65,8% vốn FDI đổ vào bất động sản, trong khi ngành công nghiệp chỉ 6,2%, thương mại 15,2%. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, TP.HCM từ đầu năm đến nay thu hút được 165 dự án FDI, nhưng các khu công nghiệp, khu chế xuất thu hút chưa tới 15 dự án.

Trong lúc đầu tư mới giảm thì tình hình triển khai các dự án cũ cũng chưa khả quan. Khoảng 50 dự án FDI lớn được cấp phép từ năm 2006-2008, chiếm 70% số vốn đăng ký, hiện chưa tới 10 dự án triển khai xây dựng. Với 715 triệu USD vốn tăng thêm từ các dự án cũ, chỉ bằng 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái, ông Nguyễn Mại cho rằng con số này cho thấy thu hút FDI đang có vấn đề.

“Bởi những dự án FDI hiệu quả thường phải tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất. Vốn tăng thêm quá thấp chứng tỏ hiệu quả đầu tư thấp. Cần xem lại công tác quản lý khi có báo cáo cho rằng trên 50% dự án FDI báo cáo lỗ” - ông Nguyễn Mại cho hay.

Dự án vài nghìn USD

Cán bộ thụ lý hồ sơ các dự án đầu tư nước ngoài của Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM thừa nhận mặc dù đã từ chối nhiều nhưng số nhà đầu tư nước ngoài xin triển khai những dự án có quy mô vốn từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn USD vẫn chiếm đa số. Riêng trong lĩnh vực thương mại, thực hiện quyền nhập khẩu, nếu như năm 2007 TP.HCM chỉ cấp phép 17 dự án thì năm 2008 là 72 dự án, năm 2009 trên 100, sáu tháng đầu năm nay khoảng 70 dự án.

Ở TP.HCM đã xuất hiện công ty có vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực khai thuê hải quan, vốn đăng ký 62.500 USD, hay thành lập viện thời trang, vốn 30.000 USD! Việc có quá nhiều dự án nhỏ với số vốn vài chục nghìn USD được cấp phép đang dấy lên lo ngại.

Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Vinh Nhung nêu ví dụ: “TP.HCM cấp những giấy phép cho nhà đầu tư nước ngoài vào đây làm công việc sửa chữa xe máy là có đáng không? Chúng ta dư sức có những kỹ thuật viên trong nước đủ năng lực cung cấp dịch vụ này cho thị trường. Phải chăng mục tiêu của họ là để nhập xe máy vào VN?”.

Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Bình Dương Lê Việt Dũng cũng thừa nhận gần đây có quá nhiều công ty nước ngoài xin hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thi công, xây lắp với số vốn vài trăm nghìn USD, công nghệ chủ yếu là lao động chân tay... Ông Dũng cho rằng cho phép những công ty nước ngoài như vậy vào VN hoạt động thì không thể đạt các mục tiêu mà VN đặt ra trong thu hút vốn FDI.

“Chúng ta cần vốn nhưng vài trăm nghìn USD thì đóng góp cho nền kinh tế không đáng kể. Chúng ta cần chuyển giao công nghệ, nhưng những công ty như vậy không hi vọng đưa vào VN những công nghệ mong muốn...” - ông Dũng nói.

Xem lại cách thu hút


Ông Nguyễn Mại cho rằng việc giảm sút số vốn FDI đăng ký không đáng lo ngại. “Tôi cho rằng quan trọng là vốn giải ngân. Số vốn đăng ký năm nay giảm một phần vì những năm trước vốn FDI tăng đột biến với quá nhiều dự án cả chục tỉ USD. Tôi thấy lo ở chỗ là sau khi phân cấp cho địa phương, nhiều dự án bất động sản chiếm diện tích đất cực lớn ra đời. Nhà đầu tư chủ yếu giữ chỗ chứ đã làm gì đâu?” - ông Nguyễn Mại nói.

Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư TP Hải Phòng Lê Thanh Sơn cho rằng cần xem lại cách thống kê, không nên xem trọng vốn đăng ký mà nên rà soát và cải tiến chính sách để giải ngân vốn FDI hiệu quả hơn.

Chính vì thế, theo ông Lê Việt Dũng, cần khắt khe hơn trong việc chọn dự án FDI, kiên quyết từ chối các dự án gây ô nhiễm môi trường, tăng tìm kiếm những dự án chất lượng. Cần có quy hoạch và điều phối ở cấp quốc gia để thu hút FDI phù hợp với từng địa phương, từng vùng.

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ