Nhiều phòng trọ tồi tàn nhưng cũng đua nhau tăng giá từ 200.000 đến 500.000 đồng/tháng. Ảnh: Thông Chí |
Chưa kịp xếp gọn đống đồ đạc vào phòng, Lan Anh, sinh viên trường Đại học Sư Phạm Hà Nội đã giật thót vì tiếng quát như sấm của bác chủ nhà: “Giá nhà mới tăng thêm 200 nghìn, lên 1,2 triệu nhé, ở thì ở, không thì đỡ phải bê đồ vào nhà cho mất công.”
Tần ngần mãi ở cửa, cô gái quê Thanh Hóa thấy cổ khô khốc khi nghĩ về số tiền 2 triệu đồng mẹ vừa dúi cho lúc ra khỏi nhà.
Bỗng dưng… mất phòng
Nhà trọ của hai chị em Lan Anh nằm mãi sâu trong mấy con ngõ quanh co trên đường Nguyễn Phong Sắc nối dài. Lan Anh cho biết, mất cả tuần lùng sục, hai chị em mới tìm được căn phòng tạm để ở.
Căn phòng tạm bợ của hai chị em chỉ kê vừa khít chiếc giường đơn, cộng thêm tủ quần áo dã chiến đã chiếm gần hết diện tích cả phòng. Đấy là chưa kể cả khu trọ hơn chục phòng chỉ có duy nhất một nhà vệ sinh và bể nước dùng chung. Thế nhưng Lan Anh vẫn phải bấm bụng chấp nhận mức giá 1 triệu đồng.
“Xót của nhưng hai chị em đã thấm cảnh phải chạy đôn đáo đi tìm chỗ ở nên đành cố chấp nhận. Vậy mà, tranh thủ nghỉ hè, chủ nhà nguệch ngoạc quét vôi lại mấy phòng rồi hét giá thêm 200 nghìn đồng,” Lan Anh thở dài.
Chung cảnh mếu máo như Lan Anh, không ít sinh viên cũng đang rất lo lắng vì tiền phòng tăng vùn vụt sau hai tháng nghỉ hè.
Lê Trung Dũng, sinh viên trường Đại học Hà Nội, vừa xách valy tới cửa phòng mới ngã ngửa vì thấy phòng mình trọ đã đổi chủ. Tất cả quần áo, đồ đạc mà cậu sinh viên gửi lại khi về hè đã nằm gọn trong góc cầu thang của nhà chủ.
Nguyên nhân bị hất ra khỏi phòng trọ là do Dũng còn nợ một tháng tiền nhà. Cậu định bấm bụng định về quê chục hôm rồi mang tiền ra thanh toán cho chủ nhà, thế nhưng, lên tới nơi mới hay, tiền phòng đã tăng thêm 500.000 đồng/tháng. Trong khi, xoay khắp nơi, Dũng mới đủ tiền nhà theo giá cũ.
Khảo sát một vòng giá phòng qua các quận lớn tại Hà Nội có thể dễ dàng nhận thấy giá phòng đã nhúc nhích từ 200.000 đến 500.000 đồng/phòng/tháng. Nguyên nhân thì khi nào cũng vậy, chủ các nhà trọ đều viện giá cả tăng mà nhu cầu thì lớn.
“Vậy nên, giờ bọn em chịu khó cắn răng thuê phòng sáu tháng tới một năm rồi đóng tiền trước, làm hợp đồng cẩn thận để tránh chủ nhà chặt chém,” Đức, sinh viên khoa Lý năm thứ 2 đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm chống tăng giá nhà trọ.
Giá nhà trọ vẫn loạn trong vài năm tới?
Nguyễn Bích Hằng, sinh viên năm cuối khoa Phương Đông, đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho hay, ra trường em sẽ về quê vì cuộc sống tại Hà Nội quá đắt đỏ, đặc biệt là giá nhà, mối quân tâm nhiều nhất để ổn định cuộc sống khi ra trường.
Hằng cho biết, các chủ nhà trọ thường không có lý do chính đáng nào cho việc tăng giá phòng. Có khi chỉ là mắc thêm dây cáp truyền hình hay dây mạng internet hoặc sơn nhà, sửa lại công trình vệ sinh công cộng, chủ nhà cũng đòi tăng từ một đến hai trăm nghìn đồng/phòng.
Cũng chính vì giá phòng đang siết chặt hầu bao này mà nhiều sinh viên năm cuối tỏ ra chán nản với cuộc sống tại thủ đô mặc dù cơ hội tìm việc nhiều hơn so với về quê.
Thực tế cho thấy, năm nào cũng vậy, trước khi bước vào năm học mới giá nhà cho thuê tại Hà Nội đều đồng loạt tăng.
Dù chưa có khảo sát nào về nhu cầu của người nhập cư tại các tỉnh lẻ sinh sống tại Hà Nội mỗi năm tăng bao nhiêu nhưng có thể khẳng định giá thuê Hà Nội hiện nay ở mức cao ngất ngưởng.
Nhu cầu thì tăng dần theo từng năm nhưng dường như các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản vẫn thờ ơ với phân khúc thị trường này.
Ông Trịnh Đức Phú, Giám đốc công ty Văn phòng trọn gói, cho hay mặc dù nhà cho thuê vẫn có lãi nhưng quay vòng vốn chậm trong khi vài năm trở lại đây đất Hà Nội liên tục sốt và phân khúc thị trường căn hộ cao cấp, trung bình đã hút tất cả tiềm lực cũng như năng lực của các công ty kinh doanh bất động sản.
Ông Phú ví dụ, nếu bỏ ra khoảng 1 tỷ để xây khoảng hơn 10 phòng rộng 15m2/phòng thì cũng chỉ thu lời từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng. Trong khi, giá của nhà chung cư vẫn cao và là phân khúc thị trường béo bở hơn nhiều.
“Chính vì vậy, tập trung vào xây căn hộ chung cư và gom đất từ trong dân bây giờ vẫn là siêu lợi nhuận. Nếu chờ các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản quan tâm tới phân khúc thị trường này phải chờ cho các phân khúc siêu lợi nhuận khác bão hòa. Mà với giá đất Hà Nội bây giờ thì chuyện đó phải tính từ 5 đến 10 năm nữa,” ông Phú nhận định.
DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: