Quỹ đầu tư quốc gia Qatar (QIA) vừa chấp thuận bỏ ra 800 triệu USD để giành độc quyền đàm phán cho những cuộc thương thảo tiếp theo với các bên liên quan về việc mua lại tòa nhà Keangnam ở Hà Nội (Keangnam Hanoi Landmark Tower).
Tờ Korea Herald dẫn nguồn một số ngân hàng đầu tư và tổ chức truyền thông cho biết, quỹ đầu tư quốc gia Qatar (QIA) đã thông báo quyết định này với công ty quản lý bất động sản Colliers International.
Trước đó, một tòa án Hàn Quốc, thông qua Colliers International, đã gửi mức giá 800 triệu USD nên trên tới các đối tác quan tâm tới tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower.
Việc tòa án đứng ra định giá tài sản của Keangnam Enterprises diễn ra trong bối cảnh tập đoàn này đang sa sút vì nợ nần.
Được biết, ban đầu, QIA ra giá 600 triệu USD, nhưng sau đó họ đã quyết định chấp nhận mức giá 800 triệu USD để có quyền đàm phán độc quyền về việc mua lại tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower..
Các chủ nợ của tòa nhà này, gồm 5 ngân hàng và 10 tổ chức tài chính khác tại Hàn Quốc, đã nhất trí tổ chức cuộc đàm phán trước tháng 7. Nếu thành công, QIA sẽ được coi là đối tác ưu tiên, giúp họ rút ngắn thời gian giao dịch mua lại tòa nhà.
Keangnam Hanoi Landmark Tower (còn được gọi là Landmark 72) là toà nhà cao nhất Việt Nam, nằm ở phía Tây Nam của Hà Nội. Toà nhà có 72 tầng và có diện tích sử dụng 610.000 m2. Theo báo chí Hàn Quốc, Công ty Keangnam đã đầu tư 1.200 tỷ won (hơn một tỷ USD) để xây dựng toà nhà này, trong đó số tiền đang vay nợ các ngân hàng là 530 tỷ won.
Bên cạnh đó, Keangnam cũng bị cho là mất khả năng thanh toán quỹ bảo trì lên tới hơn 160 tỷ đồng.
Vừa qua, Ban quản trị nhà chung cư Keangnam vừa có văn bản gửi một số cơ quan chức năng kiến nghị về tình trạng nhiều năm qua bị chủ đầu tư tòa nhà là Cty Keangnam Vina tạm giữ trái phép quỹ bảo trì, ngay cả khi tại đây đã bầu ra ban quản trị hợp pháp.
Theo đơn kiến nghị, hiện số tiền bảo trì (được tính bằng 2% giá trị căn nhà theo hợp đồng mua bán) ước tính lên tới 160 tỷ đồng. Việc chủ đầu tư đề xuất lộ trình trả tiền bảo trì cho Ban quản trị là 5 tỷ đồng/1 năm và trả trong vòng 25 năm là bất hợp lý vì số tiền này còn nhỏ hơn cả tiền lãi khi mang quỹ bảo trì gửi vào ngân hàng!
Trong khi đó chủ đầu tư cho biết quỹ này còn 125 tỷ đồng (chưa tính lãi suất ngân hàng và diện tích bán lẻ chủ đầu tư giữ lại).
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: