Top

Quỹ bảo trì chung cư là của ai?

Cập nhật 15/05/2015 13:07

Câu hỏi đặt ra có vẻ hơi “ngớ ngẩn” bởi cái tên gọi của nó đã rõ như ban ngày, rồi nhiều văn bản có tính pháp quy cũng đã nói rõ như ban ngày, tức quỹ bảo trì chung cư là của những người đồng sở hữu chung cư ấy. Vậy mà thực tiễn cuộc sống vẫn xảy ra những điều cần phải bàn.

Cao ốc Keangnam tại Hà Nội. (Ảnh: Dân trí)

Câu chuyện 160 tỷ đồng quỹ bảo trì của tòa nhà Keangnam (Hà Nội) đang là minh chứng cho sự bất lực của các cơ quan công quyền địa phương trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các đồng chủ sở hữu tại chung cư này.

Sau nhiều tranh chấp lình sình đầy tai tiếng, tháng 8/2012, BQT tòa nhà Keangnam được thành lập và đến 18/01/2013 thì được UBND huyện Từ Liêm công nhận. Tuy nhiên, từ bấy đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa giao lại cho BQT đồng nào quỹ bảo trì theo quy định của pháp luật.

Tệ hại hơn, số tiền này đã bị chủ đầu tư - một trong số hàng trăm chủ sở hữu -chiếm dụng và chỉ đồng ý giao “nhỏ giọt” cho BQT 5 tỷ đồng mỗi năm, trong vòng 25 năm, thấp hơn cả số tiền lãi nếu gửi vào ngân hàng.

Rồi mới đây, khi được biết những dấu hiệu phá sản của chủ đầu tư, 160 tỷ đồng quỹ bảo trì có nguy cơ bị chiếm đoạt, BQT chung cư Keangnam đã gửi thư kêu cứu lên tận Thủ tướng với nguyện vọng giúp BQT tòa nhà nhận lại số tiền phí bảo trì mà chủ đầu tư đang giữ…

Chuyện nhập nhèm trong việc sử dụng quỹ bảo trì các tòa nhà chung cư hiện nay khá phổ biến mà sự bất lợi luôn luôn nghiêng về phía các cư dân thấp cổ bé họng.

Chính vì thế, nếu đặt câu hỏi “Quỹ bảo trì chung cư là của ai?” cũng có cái lý của nó.

Vậy nên khắc phục tình trạng này như thế nào?

Có ý kiến cho rằng, cần phải bình đẳng hóa quyền lợi và nghĩa vụ của các chủ sở hữu ngay từ đồng tiền đầu tiên khi hình thành quỹ bảo trì. Để làm được điều này, có lẽ trong những quy định chung về quy chế quản lý và sử dụng quỹ bảo trì cần có những chế tài bắt buộc hình thành quỹ tại một tổ chức trung gian (thí dụ như ngân hàng).

Chẳng hạn, mọi hợp đồng mua bán căn hộ chung cư đều phải có kèm theo chứng nhận của ngân hàng về 2% phí bảo trì đã được bảo đảm.

Như thế, quyền lợi của các chủ sở hữu cũng như các quy định về bảo dưỡng, bảo trì các tòa nhà chung cư sẽ có tính khả thi cao hơn và các tranh chấp ở lĩnh vực này sẽ ít có cơ hội xảy ra hơn.


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng