Top

Phát hành tín phiếu: Rúng động ngành bất động sản

Cập nhật 20/02/2008 13:00

Dự án luật thuế lũy tiến đang manh nha thì quyết định phát hành tín phiếu của Ngân hàng nhà nước đã ảnh hưởng lập tức tới thị trường bất động sản.

Ngân hàng nhà nước vừa có quyết định sẽ phát hành tín phiếu bắt buộc bằng tiền đồng đối với các ngân hàng thương mại nhằm kiềm chế lạm phát. Mấy ngày qua, thông tin trên đang gây xôn xao trong giới kinh doanh bất động sản vì thị trường này bị tác động rất mạnh. Nhiều doanh nghiệp bất động sản cho rằng nếu so với dự án luật thuế lũy tiến còn phôi thai thì quyết định trên ảnh hưởng lập tức tới thị trường.

1/3 lượng vốn vay từ ngân hàng

Trong ngày họp mặt đầu năm của doanh nghiệp bất động sản ở TP.HCM, thông tin Ngân hàng nhà nước phát hành tín phiếu được các doanh nghiệp hết sức quan tâm và trao đổi râm ran. Hầu hết doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đều tỏ ý lo âu bởi hiện nay tới hơn 1/3 lượng vốn của bất động sản là vay từ các ngân hàng.

Trao đổi với báo giới, một lãnh đạo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết: “Thị trường bất động sản hiện giống như một cổ nhiều tròng. Thông tin về dự luật thuế lũy tiến còn chưa biết ra sao thì nay lại thêm việc ngân hàng phát hành tín phiếu. Chắc chắn trong thời gian tới, thị trường nhà đất sẽ bị ảnh hưởng”.

Ông Lâm Văn Chúc, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Phúc Đức, cho biết quyết định phát hành tín phiếu bắt buộc của Ngân hàng nhà nước là gián tiếp việc hạn chế cho vay kinh doanh bất động sản sẽ ảnh hưởng tới thị trường này. Theo đó, các nhà đầu tư sẽ tranh thủ “bung hàng” để có tiền thanh toán cho ngân hàng. Các doanh nghiệp kinh doanh sẽ tìm cách co cụm lại chứ không dám đầu tư mạnh như trước.

Ông Chúc cho biết thêm, thị trường bất động sản Việt Nam còn quá non trẻ nên mỗi quyết sách từ phía nhà nước đều tác động lớn tới thị trường. “Nên để thị trường bất động sản phát triển thực sự lớn mạnh rồi từ từ điều chỉnh, uốn nắn. Những cái như thuế lũy tiến hay phát hành tín phiếu bắt buộc chỉ là giải quyết phần ngọn, gây ra ảnh hưởng không tốt cho thị trường. Điều cần làm là nhà nước phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp tung ra lượng cung lớn để giải quyết nhu cầu” - ông Chúc nói.

Lo ngại chính sách đầu tư không ổn định

Ông Lê Hoàng Châu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết với quyết định trên, ngân hàng sẽ khó lòng cho vay vốn thêm. Tuy nhiên, đối với bất động sản, khi cho vay các ngân hàng nên xem xét “siết chặt” với đối tượng nào.

Ba đối tượng sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định trên bao gồm chủ đầu tư, nhà đầu tư (trước đây gọi là đầu cơ) và khách hàng. Trong ba đối tượng đó, ngân hàng nên quản lý chặt việc cho vay đối với nhà đầu tư - những người mua đi bán lại nhằm kiếm lợi nhuận. Còn đối với chủ đầu tư dự án hay khách hàng có nhu cầu nhà ở thực sự thì ngân hàng nên ưu ái.



Siết chặt cho vay thì nguồn vốn đầu tư bất động sản sẽ khan hiếm.


Ông Châu cũng cho biết thông tin trên khiến doanh nghiệp rất lo lắng và đang chờ đợi những động thái cụ thể từ phía các ngân hàng. Tuy vậy, ông Châu dự báo sau dự luật thuế lũy tiến rồi đến việc siết chặt cho vay vốn đang là nỗi lo âu cho thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Một chuyên gia hiện đang làm việc tại tập đoàn bất động sản của Malaysia có dự án đầu tư tại Việt Nam cho biết theo dõi thị trường bất động sản trong thời gian qua có thể thấy nhà nước vừa mở vừa thắt đối với thị trường.

Mở là thời gian qua nhà nước có những chính sách như cho phép Việt kiều, người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam khiến thị trường sôi động hơn. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý vẫn có nhiều chính sách nhằm thắt chặt thị trường.

Riêng về việc siết chặt cho vay vốn từ phía ngân hàng, ông này cho rằng xét về vĩ mô đây là chính sách tốt để giảm lạm phát tăng cao như thời gian qua. Tuy nhiên, việc siết chặt này sẽ làm thị trường bất động sản chững lại do lượng vốn của thị trường này liên quan đến ngân hàng rất nhiều, đặc biệt là các nhà đầu tư thứ cấp. Tuy vậy, đối với những dự án tốt vẫn đông khách và giá vẫn cao bởi việc tăng lãi suất sẽ khiến chi phí đầu vào sẽ tăng cao.

Vị chuyên gia này cho biết thêm, việc siết chặt vay vốn sẽ làm giảm lợi ích của một số doanh nghiệp. Nhưng điều đáng nói là sự lo ngại của các nhà đầu tư nước ngoài về chính sách đầu tư trong nước không ổn định và luôn thay đổi.

Siết chặt tiền đồng

Đợt phát hành tín phiếu có tổng giá trị 20.300 tỷ đồng (tương đương 1,2 tỷ USD) với lãi suất 7,8% mỗi năm theo hình thức ghi sổ. Sẽ có 41 ngân hàng thuộc đối tượng bắt buộc mua tín phiếu đợt này. Riêng các tổ chức tín dụng hoạt động tại nông thôn sẽ không phải mua.

Việc phát hành tín phiếu lần này nhằm mục tiêu rút bớt tiền từ lưu thông, chủ động kiểm soát chặt chẽ tiền tệ ngay từ đầu năm để hạn chế lạm phát. Đây là bước đi quan trọng thứ ba của cơ quan này từ đầu năm 2008 nhằm rút bớt VND từ lưu thông, sau việc điều chỉnh dự trữ bắt buộc và nâng lãi suất cơ bản tiền đồng. Trong đầu năm 2008, kinh tế tăng trưởng thuận lợi, song giá tiêu dùng có nguy cơ tăng cao, đặc biệt trong tháng 1-2008 đã lên gần 2,4%.

Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 17-3 tới đây nhằm tạo cho các ngân hàng một thời gian chuẩn bị và bố trí vốn mua tín phiếu theo chỉ tiêu được phân bổ.

Theo Pháp Luật TP.HCM