Trót mua đất với giá 300 triệu/50m2 "đất hơi”, bây giờ giá bị giảm xuống 1/3, anh Sáu, xã Đồng Mai, Hà Đông, Hà Tây bắt đầu cảm thấy lo lắng. Khi mua anh chỉ cầm mỗi giấy thu hồi đất nông nghiệp và bản cam kết viết tay giữa hai bên, mà chưa biết đất dịch vụ đến lúc nào mới được phân.
Tôi đi mua "đất hơi"
Vào vai một người mua đất cho đại gia cần mở nhà hàng rộng chừng hơn 400m2, và đất liền thổ, tôi được dẫn đến gặp một phụ nữ tên là Hạnh - được giới thiệu là "cò siêu hạng" số một ở đất Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Tây.
Sau khi giới thiệu xong xuôi, Hạnh đưa cho tôi xem 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Nguyễn Thị Thắm đã thu hồi 1 sào 8 thước được hưởng 55 m2 đất dịch vụ và một giấy khác của người dân thôn Sài Khê, xã Sài Khê được 76,8 m2, cũng đất dịch vụ…
Trước mặt Hạnh là hàng tệp giấy tờ được xếp thành những quyển như vở học sinh. Hạnh bảo: "Những mảnh đất nhỏ hơn 100m2 mua với số lượng bao nhiêu cũng có, nhưng kiếm một miếng liền thổ khoảng 400m2 thì… khó".
Giá cả thì Hạnh tính theo ngày: "Như chiều hôm nay là giá lên tới 180 triệu/36m2 (đơn vị tính 1 suất đất dịch vụ - NV), nhưng ngày mai có khi lên tới 200 triệu…".
Cuối cùng Hạnh khẳng định: Phải báo giá hàng ngày, và giá đội lên cao nhất khoảng hơn 220triệu/36 m2. Hạnh hẹn tôi sáng mai gọi điện lại để báo giá, và thỏa thuận để nhận tiền đặt cọc. Hạnh nói thêm, đất ở mặt đường lớn thì giá đội lên hơn khoảng 40 triệu, giá đường nhỏ nhưng xe ô tô con vẫn vào được thì giá cũng chênh lệch hơn 20 triệu đồng.
Khi được hỏi nếu không kiếm được mảnh liền thổ lên tới 400m2 thì có thể “phù phép” biến các mảnh rời của các hộ, ghép liền lại với nhau cho đủ 400m2 không, Hạnh ngập ngừng một lúc rồi trả lời dứt khoát: "Có nhiều tiền thì vẫn được. Có điều phải mất công làm việc với “trên” nên lâu hơn chút!".
Khu CN rộng 74ha mới được hoàn thành
& nhiều hạng mục đang trong giai đoạn
xây dựng CS hạ tầng, nhà xưởng, chung
quanh vẫn chỉ là đồng không mông quạnh.
Nhưng người nơi khác vẫn đổ xô đi mua
đất để “xí trước” phần đất dịch vụ đền bù.
Chúng tôi ra về với cái hẹn sáng mai gọi điện lại để báo giá cụ thể. Khi tôi vừa rời khỏi cửa thì đã có vài người chờ xếp hàng để được gặp “cò siêu hạng” số một ở đất chùa Thầy.
Giá đất xanh - chín khó lường Nghe đồn những hộ có đất nông nghiệp bị thu hồi, sẽ được tiền đền bù và trả lại 10% đất dịch vụ, người dân các xã trong tỉnh rộ lên phong trào mua bán đất dịch vụ. Anh Đỗ Văn Sơn, xã Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Tây cho hay: “Tôi mua đất để đầu cơ. Lúc này, người dân chưa chắc chắn sẽ được phân đất như thế nào, nên được giá là họ bán luôn. Giấy tờ thì chỉ cần giấy thu hồi đất hoặc giấy chứng nhận sử dụng đất nông nghiệp và hợp đồng cam kết mua bán giữa 2 bên là đủ”.
Đất sốt, người dân lại càng đổ xô đi mua, đẩy giá đất lên cao ngất ngưởng. Lúc mới đầu, giá mỗi suất "đất hơi” có diện tích 50m2 chỉ tầm 60 - 70 triệu, sau đó giá lên đến đỉnh điểm hơn 300 triệu/ 50m2 (xã Đồng Mai), và hơn 500 triệu/50m2 (xã Yên Nghĩa). Việc mua bán không có xác nhận của ủy ban xã, chỉ hợp đồng viết tay giữa hai bên và có thêm tờ giấy thu hồi đất, nhưng nhiều người vẫn không tỏ ra lo ngại.
Chị Phùng Thị Lý, người thôn Hoa Vôi, thị trấn Quốc Oai, Hà Tây tiếc rẻ kể lại "phi vụ" bán đất cách đây hơn một tháng của mình: "Hồi đó bán với giá bèo bọt 38 triệu suất 36m2 đất dịch vụ cho người trong làng để nối thêm 2 phòng sau nhà mái bằng của nhà. Chỉ 3 ngày sau đó thì giá đất đã lên tới 50 triệu, vị chi trong có 3 ngày tôi lỗ 15 triệu".
Những sào đất này được ra giá cao do người dân nhận định
"không ra đường lớn thì cũng giáp đường nhỏ".
Còn bà Phùng Thị Thử, em họ hàng với chị Lý, cả nhà làm nông 5 sào đất, gia đình bà thuộc loại có nhiều đất nhất trong làng. Ngày trước 5 sào đất của ông không đủ lo cho con cái ăn học và chi phí hàng ngày cho gia đình có 6 người con, nhưng nay gia đình bà đã là triệu phú…
Sau đó nhiều khách đến nhà bà để hỏi mua suất đất 36m2 với giá 60 triệu nhưng bà kiên quyết không bán với lý do: “Sau này, nếu may mắn 5 sào đất của tôi chỉ cần giáp với mặt đường Hòa Lạc đã có ngay vài trăm triệu mà không giáp đường lớn thì cũng giáp đường nhỏ. Vì người ta quy hoạch đất dịch vụ thành khu dân cư theo ô bàn cờ, nên phía nào cũng sẽ… giáp đường”.
"Người dân có đất nằm trong khu quy hoạch công nghiệp được hưởng 10% diện tích đất canh tác cũ, một sào Bắc Bộ 360m2 được 36m2, cộng với 20 triệu hỗ trợ việc làm sau khi thu hồi đất và phải mất 7 triệu tiền mua lại đất 36m2", ông Tình, thôn Hoa Vôi, thị trấn Quốc Oai, Hà Tây giải thích.
"Đất hơi" có nguy cơ thành... bong bóngCũng theo ông Tình thì đa số các hộ bán đất ở đây đều là bán theo dạng giấy viết tay trao tay, người nơi khác đến mua thì phải nhờ bạn bè hoặc nhờ người quen trong làng làm chứng. Thông thường thì đất dịch vụ, cụ thể là 36m2/sào (10% của 1 sào 360m2) ấy cả người mua và bán vẫn chưa biết nằm chỗ nào, chỉ biết chung chung là "nằm cách nhà khoảng độ vài cây số là cùng".
"Có điều lạ là nhiều người nơi khác đến mua cũng chẳng rõ có tường tận gì hơn người bán đất không nhưng vẫn nằng nặc mua. Mọi sự đều tù mù, chưa có gì chắc chắn, như đánh bạc. Mà thắng thua trong canh bạc này cũng chưa biết thế nào”, ông Tình chia sẻ.
Anh Vũ Hoài An, xã Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Tây cũng không giấu giếm: “Hàng ngày, có đến 5 - 6 người vào nhà tôi hỏi có bán đất nông nghiệp không, nếu đồng ý là họ gửi tiền luôn và chấp nhận sau này xảy ra chuyện gì bên mua sẽ tự chịu trách nhiệm. Nhưng vì chưa có giấy thu hồi đất chính thức nên tôi không bán”.
Một “cò” đất nghiệp dư, cùng xã với anh An hé lộ: “Người mua chủ yếu là ở trên tỉnh, họ nắm được thông tin nên về đây nhờ tôi mua hộ. Nhiều hôm, người ta đến nhà tôi đông như họp chợ”.
Còn anh Đỗ Hoàng Minh, ở Giảng Võ, Hà Nội cho biết: “Tôi nghe đồn, đất dịch vụ 10% ở Hà Tây đang sốt, mà giá lại khá “mềm” nên cũng xuống mua một suất. Dù chưa biết đất được phân ở chỗ nào, nhưng thấy giá rẻ nên tôi chấp nhận mạo hiểm”.
Xã bắc loa cảnh báo, "đất hơi" có chiều hướng hạÔng Lê Trọng Điển, Phó chủ tịch xã Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Tây cho biết: “Hiện nay quyết định phân đất cho các hộ có đất nông nghiệp thuộc diện quy hoạch mới chỉ nằm trong dự thảo, chưa chính thức. Các cán bộ còn phải họp bàn với nhau, rồi xuống địa phương họp lại với dân nhằm đưa ra một quyết định thống nhất rồi trình lên UBND tỉnh phê duyệt. Do vậy chưa có thông tin đến khi nào người dân mới được giao đất”.
Căn cứ theo quy định của tỉnh Hà Tây thì những hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp sẽ được bồi thường bằng giao đất ở khu tái định cư hoặc tại vị trí trong khu dân cư phù hợp với quy hoạch. Diện tích đất được giao được tính bằng 10% diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi. Tuy nhiên, nhiều hộ dân còn chưa biết có nằm trong diện quy hoạch hay không, chưa có thông báo sẽ bị thu hồi nhưng vẫn tới tấp được người đến hỏi mua đất.
Hiện nay chưa có chủ trương giao đất, vì thế chính quyền các xã không thể chứng nhận việc mua bán này, và nếu có xảy ra tranh chấp, UBND xã cũng sẽ không chịu trách nhiệm.
Trước hiện tượng “mua hơi bán bóng” đất dịch vụ 10%, UBND xã Yên Nghĩa đã gọi loa, khuyến cáo người dân không nên mua bán đất nông nghiệp bị thu hồi.
Từ khi xã ban hành lệnh cấm mua bán "đất hơi" và giá cả có lẽ đã lên đến mức quá cao khiến cho “thị trường” loại đất này trùng xuống, cả người mua và bán cũng dè chừng hơn.
Anh Sáu, xã Đồng Mai kể: “Lúc đầu, tôi nghe người ta nói sau này giá đất dịch vụ có thể tăng lên gấp 3,4 lần so với giá hiện tại, nên cứ vô tư mua. Bây giờ mới bắt đầu thấy lo vì nhỡ được phân vào khu đất khuất, ngõ hẹp không khéo giá còn thấp hơn giá đã mua ban đầu, mà giấy tờ cũng chưa đảm bảo được điều gì. Mảnh đất 50m2 tôi mua đợt trước giá 300 triệu, giờ bán chắc chỉ được 200 triệu thôi”.
Mua đất mới nằm trong diện quy hoạch, chưa có giấy thu hồi chính thức, nên anh Minh cũng không khỏi lo lắng. Trước mắt, anh chỉ mong sớm nhận được giấy thu hồi để biết mảnh đất mình mua sẽ chắc chắn được đền bù. “Còn khi nào mới được giao đất thật thì đành phải chờ đợi thôi” - Anh Minh lo lắng.
Còn theo ông Điển, Phó chủ tịch xã Yên Nghĩa: “Việc mua bán chỉ là thỏa thuận giữa hai bên, không được xã xác nhận, nên nếu xảy ra tranh chấp thì người mua sẽ bị thiệt. Trước đây từng có trường hợp hai bên mua bán đất hơi với nhau, nhưng khi được giao mảnh đất ngay mặt đường, giá trị lên đến tiền tỷ thì người người bán đã tự ý hủy cam kết, đòi giá cao hơn. Hai bên kiện nhau ra tòa, dù có giấy cam kết viết tay, nhưng bên mua vẫn bị thua kiện”.
Theo VietNamNet
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: