Top

Những đô thị... vắng người

Cập nhật 12/05/2008 16:00

Sau nhiều năm xây dựng, nhiều biệt thự, nhà vườn tại một số khu đô thị mới xây dựng đang bỏ hoang cho cỏ mọc.

Biệt thự bỏ hoang

Đi dọc theo các tuyến Quốc lộ 1B (Hà Nội - Lạng Sơn), 2B (Hà Nội - Việt Trì), đường cao tốc Láng - Hòa Lạc..., có thể dễ dàng bắt gặp hàng chục dự án nhà ở, khu đô thị mới đang xây thô hoặc đã hoàn thiện. Nhưng điều đáng nói là, sau nhiều năm xây dựng, nhiều biệt thự, nhà vườn tại không ít khu đô thị này bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.

Dự án chung cư, biệt thự nhà vườn, dịch vụ du lịch - giải trí Quang Minh nằm trên địa bàn xã Quang Minh (huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc) là một ví dụ. Tuy nằm cạnh đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài và hoàn thành xây dựng đã gần 3 năm, nhưng hầu hết các ngôi nhà đều bỏ không.

Với diện tích 63,3 ha, dự án này có hàng chục dãy nhà liền kề với hàng trăm ngôi nhà. Theo một cán bộ Phòng Kinh doanh của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Long Việt (chủ đầu tư Dự án), hiện mới có khoảng 30 chủ nhà chuyển về ở trong khu đô thị này. Tuy nhiên, khi chúng tôi đi thực tế thì số chủ nhà chuyển về sinh sống tại đây còn ít hơn nhiều. Hầu hết các biệt thự sau khi xây thô xong (đã có chủ hoặc chưa) đều chưa hoàn thiện nội thất. Phía trong các biệt thự chỉ có cỏ dại mọc um tùm. Như vậy, với mức giá 3 - 5 tỷ đồng/căn như chủ đầu tư đang rao bán thì đã có hàng trăm tỷ đồng vốn đầu tư bị “chôn” vào những biệt thự bỏ không này.

Tình trạng biệt thự bỏ hoang cũng xảy ra với Khu đô thị Nam Từ Sơn, Khu đô thị Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh)... Dọc 2 bên Quốc lộ 1B, tính riêng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, đã có 4 dự án nhà ở, biệt thự đã hoàn thành xây dựng. Hàng trăm biệt thự cao 2 - 3 tầng xinh xắn, nhưng không một bóng người. Không bán được “hàng”, ngoài việc hàng trăm tỷ đồng vốn bị “găm” trong đất, mỗi năm, chủ đầu tư phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để trông nom các công trình hạ tầng kỹ thuật và chống xuống cấp cho các ngôi nhà.

Ông Vũ Quang Hội, Chủ tịch HĐQT Công ty Bitexco Land cho biết, những khu nhà ở biệt thự ven đô bắt đầu mọc lên vào những năm 2000 - 2001, khi thị trường bất động sản bắt đầu lên cơn sốt. Cùng với những dự báo lạc quan về thị trường, nhiều chủ đầu tư đã đổ hàng trăm tỷ đồng vào các dự án nhà vườn, biệt thự khu vực ven đô, với hy vọng sẽ mang lại “siêu lợi nhuận” từ phân khúc cao của thị trường này.

Thế nhưng, kỳ vọng của giới đầu tư đã vượt quá khả năng thực tế của thị trường. Có quá nhiều người mua các căn hộ, các suất đất, biệt thự với mục đích đầu cơ. Họ vay mượn tiền để mua, với hy vọng sẽ bán lại kiếm lời, chứ không phải để ở. Hiện nay, việc bán lại những ngôi nhà liền kề đó là không dễ dàng. Ngay tại các dự án trong nội đô như các khu đô thị mới Xuân Đỉnh, Mỹ Đình, Định Công, Linh Đàm, Tứ Hiệp..., số biệt thự bỏ hoang cũng lên đến hàng trăm.

Có nhiều lý do khiến các biệt thự ven đô bị bỏ hoang, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất là các nhà đầu tư đã không xuất phát từ nhu cầu thực sự của người tiêu dùng. Để sở hữu một ngôi biệt thự ven đô, người mua ít nhất cũng phải bỏ ra 3 - 5 tỷ đồng, mà với người dân Việt Nam hiện nay, số người sở hữu số tiền như thế không nhiều. Trong khi đó, người dân có thể vay mượn thêm vài trăm triệu đồng để mua một căn hộ chung cư nhằm giải quyết vấn đề chỗ ở, nhưng sẽ chẳng ai đi vay vài tỷ đồng mua biệt thự ven đô làm nơi thư giãn.

Một lý do khác khiến nhiều dự án nhà vườn, biệt thự ven đô trở nên thất bại là phương án kiến trúc. Những người mua biệt thự, nhà vườn đều có chung mong muốn để nơi đây vừa là chỗ ở, vừa là nơi nghỉ ngơi, thư giãn cho gia đình những ngày cuối tuần, nhưng các dự án đều lấy một mô hình chung là biệt thự 2 - 3 tầng, với một khoảng sân vườn nho nhỏ.

Mới nhìn qua, các ngôi nhà trông có vẻ xinh xắn, dễ thương, nhưng sống trong một ngôi biệt thự với toàn bê tông cốt thép, mái vòm, được phân lô bằng hàng rào sắt và các nhà đều giống hệt nhau dễ làm người ta nhàm chán.

Thêm vào đó, với khoảng cách 30 - 35 km tính từ trung tâm Thành phố, dù đi ô tô cũng phải mất khoảng 1 giờ để đến công sở (nếu không tắc đường) - đủ làm nản lòng bất cứ ai. Đó là chưa kể, chưa có chủ đầu tư khu đô thị ven đô nào nghĩ đến việc xây dựng trường học, bệnh viện, siêu thị... trong khu đô thị của mình - những yếu tố không thể thiếu để làm nên một không gian sống hiện đại.

Theo Báo Đầu Tư