Top

TP Hồ Chí Minh: Chật vật tìm quỹ nhà tái định cư

Cập nhật 12/05/2008 14:00

Các quận huyện lo lắng: Thiếu nhà tái định cư, người dân cầm tiền đền bù mua nhà ở những khu ổ chuột mới thì nguy hơn!

Quyết định 17 của UBND TPHCM có hiệu lực từ ngày 24-3-2008 được xem là thuận lợi cho người dân diện giải tỏa vì nhà đất sẽ được bồi thường sát với giá thị trường. Tuy nhiên, cái khó đang đẩy về chính quyền địa phương vì phải lo tìm quỹ nhà tái định cư (TĐC) cho dân.

Ăn ngủ không yên!

Ông Võ Minh Thành, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho biết hiện huyện đang rối bời vì giá đền bù và TĐC cho dân ở dự án G&S (Hàn Quốc) chưa được dân đồng tình. Dự án này có quy mô 300 ha thuộc địa bàn xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè với gần 900 hộ dân nằm trong diện giải tỏa. Theo ông Thành, giá đền bù đất ở của dự án là 6,3 triệu đồng/m2 là sát với thị trường, nhưng cái khó là chưa có quỹ nhà TĐC vì vậy khi dân hỏi “giá nền TĐC bao nhiêu” thì cán bộ đền bù chịu thua!

“Sau này nếu khu TĐC xây xong, liệu có bảo đảm giá bán tương đương với tiền đền bù cho dân?”- một cán bộ Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè đặt vấn đề. Chưa kể, ngay tại thời điểm này, đất dự án dân cư ở khu vực huyện Nhà Bè không dưới 10 triệu đồng/m2. Như vậy, người dân không dễ có cơ hội mua đất ở khu quy hoạch mà sẽ tìm mua ở những khu vực lân cận nơi bị giải tỏa. “Suy nghĩ vấn đề này, tôi ăn ngủ không yên. Trong khi TP yêu cầu huyện phải đẩy nhanh tiến độ đền bù để giao đất cho chủ đầu tư” - ông Thành nói.

Đường nào cũng phải lo!

Theo Quyết định 17, các hộ bị thu hồi đất sẽ được bố trí TĐC bằng nhà ở hoặc bằng nền đất. Hộ nào thuộc diện đủ điều kiện bồi thường, có nhu cầu TĐC sẽ được bố trí căn hộ chung cư hoặc nền đất ngay tại dự án. Tuy nhiên, do đền bù theo kiểu “tiền trao cháo múc” nên diện TĐC không còn được TP bán giá ưu đãi (không kinh doanh) khi mua căn hộ chung cư hay nền đất TĐC như trước đây.

Ông Phạm Trí Hoàng, Phó Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 8, cho biết dù người dân có xu hướng nhận tiền một lần và tự lo nơi ở mới nhưng địa phương vẫn phải chuẩn bị quỹ nhà TĐC để đáp ứng cho dân khi có nhu cầu. Trong khi đó, hầu hết quận huyện phải mua lại quỹ nhà, đất TĐC từ các chủ đầu tư dự án nên giá mua khá cao (theo giá kinh doanh).

Theo ông Hoàng, nhà dân bị giải tỏa ở các dự án trên địa bàn quận 8 thường có diện tích nhỏ nên rất khó bố trí TĐC vào các căn hộ chung cư mới xây (trung bình diện tích trên 80 m2/căn hộ), nền đất ở các khu dân cư mới cũng có chuẩn 100 m2/lô. Chưa kể, các chung cư cao cấp thì giá bán lại rất cao nên quận cũng không dám “sờ” tới. Vì vậy, áp lực đang dồn về chính quyền địa phương do phải chuẩn bị quỹ nhà để chủ động TĐC cho dân. “Nếu không, người dân cầm tiền đền bù tìm mua nhà ở những khu ổ chuột mới thì còn nguy hơn!”- ông Hoàng lo lắng.

Tại huyện Bình Chánh, với hàng loạt dự án đang triển khai thì việc chuẩn bị quỹ nhà TĐC cũng rất nan giải. Ông Lê Minh Huệ, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết: “Chính sách đền bù theo giá thị trường của TP cơ bản được người dân đồng tình. Tuy nhiên, hầu hết người dân Bình Chánh đều muốn được TĐC tại nơi ở cũ nên huyện phải tính đến phương án đầu tư xây dựng các khu TĐC”.

Theo quy định của Nhà nước, giá đền bù theo giá thị trường và giá nhà TĐC (do Nhà nước cung cấp) thường ổn định trong vòng một năm. Tuy nhiên, trên thực tế giá nhà đất trên thị trường địa ốc lại liên tục biến động. Do vậy, nếu khó tìm được nhà TĐC ở ngoài thì người dân có xu hướng quay lại tìm nhà TĐC của Nhà nước. “Từ đó, áp lực lo quỹ nhà TĐC cho dân của các địa phương ngày càng lớn”- một cán bộ Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh chia sẻ.

Theo Người Lao Động