Top

Nhức nhối tái định cư - Bài 1: "Dài cổ" chờ tái định cư

Cập nhật 26/08/2008 08:00

Nghị quyết số 57/2006 của HĐND TP.HCM quy định đến 30.6.2007 phải giải quyết tái định cư cho gần 5 ngàn hộ dân đang sống tạm cư trong những khu nhà tạm bợ, nhếch nhác từ nhiều năm qua do bị giải tỏa để thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị, xây dựng hạ tầng... Thế nhưng, đã hơn 1 năm sau thời hạn đó, không chỉ nhiều hộ dân vẫn trong cảnh tạm cư, mà thực tế còn phát sinh nhiều hệ lụy nhức nhối...

Hứa nhiều, thất hứa cũng nhiều!

Chủ nhật 17.8, chúng tôi trở lại dự án khu tái định cư 17,3 ha thuộc P.An Phú, Q.2. Dù chỉ đạo của UBND TP là phải khẩn trương hoàn thành để phục vụ cho người dân bị giải tỏa trong dự án đô thị mới Thủ Thiêm, song đến nay các nền đất vẫn còn để trống, cỏ mọc um tùm.

Những con đường nhựa ngập đầy nước sau vài trận mưa vừa qua. Nước đọng đầy quanh các cống thoát nước, chứng tỏ chúng chưa được hoàn thiện.

Cạnh khu tái định cư này là 2 căn nhà lá của gia đình ông Phạm Văn Phép, một trong những hộ dân bị giải tỏa để thực hiện dự án khu tái định cư 17,3 ha. Ông Phép bức xúc: "Mấy ổng thu hồi đất nhà tui từ năm 2003, nhưng đến nay, gia đình tui vẫn phải chia năm, xẻ bảy sống tứ tán khắp nơi để chờ nhận nền tái định cư".

Tiếp chúng tôi trong căn nhà lá tạm bợ, ông Phép kể: gia đình ông giao khoảng 8.000m2 đất nông nghiệp và 400m2 đất thổ cư cho Nhà nước để thực hiện dự án. Đổi lại, ông được Công ty Quản lý và Phát triển nhà Q.2 cho xem bản vẽ khu tái định cư 17,3 ha để chọn 5 nền đất tại dự án này, kèm lời hứa: "Đến quý II/2005 sẽ bàn giao nền".

Nhưng từ đó đến nay mỗi lần lên hỏi: "Khi nào được nhận nền tái định cư", thì cán bộ này chỉ qua gặp cán bộ kia, hỏi cán bộ kia lại chỉ qua cán bộ nọ... "Riết rồi, nhiều cán bộ, nhân viên mấy cơ quan ở quận 2 không ai là không biết mặt hai vợ chồng tui", ông Phép lắc đầu.

Nỗi ưu tư của ông Phép hoàn toàn có lý do, vì gia đình ông từ 9 nhân khẩu (khi giải tỏa năm 2003) đến nay đã tăng lên 14 người (thêm 5 đứa cháu).

"Tui tính toán, thời điểm 2005, với 500 triệu đồng cộng thêm khoản ít tiền còn lại từ việc đền bù, thì có thể xây được 3 căn nhà cấp 4. Nay giá vật liệu, xi măng, sắt, thép... đã tăng cao thì số tiền trên chưa đủ xây 1 căn".

Tình cảnh các hộ dân "dài cổ" chờ tái định cư như gia đình ông Phép không phải là ít. Không còn đất để canh tác, bởi đa số các hộ dân tại khu vực này trước đây sống bằng nghề nông, nay lại chẳng có việc làm ổn định, nên hầu hết họ phải "cắn" vào số tiền ít ỏi nhận được từ việc đền bù đất nông nghiệp, trong thời gian chờ tái định cư.

Do vậy, không ít người như gia đình ông H., ông P.,... đã chuyển nhượng nền lại cho người khác, lấy tiền sang các vùng ven thành phố mua đất, xây nhà.

Nhức nhối chuyện "bán lúa non"

Giữa tháng 8.2008, dạo một vòng khu tái định cư 38 ha P.Tân Thới Nhất, Q.12, chúng tôi liên tục được các cò đất tại đây chèo kéo, giới thiệu bán nền đất trong dự án.

"Mấy anh muốn lô nào em cũng có sẵn trong tay, khu vực trung tâm 10 ha (thuộc khu 38 ha) giá 13,5 triệu đồng/m2, còn bên ngoài thì 10 triệu đồng/m2. Nếu đồng ý giá thì em sẽ cho gặp chủ ngay", một cò đất tên T., tuyên bố chắc như bắp.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Nhà nước áp dụng cho các trường hợp tái định cư tại chỗ chỉ từ 1,6 triệu đồng đến 4 triệu đồng/m2...

Gạ một hồi, cò T. mới "bật mí": "Chủ của các lô đất được đem rao bán phần lớn thuộc đối tượng tái định cư tại dự án, nhưng do chờ nhận nền đất quá lâu, trong khi đó tiền đền bù đã tiêu dần, không đủ tiền mua nền hoặc xây nhà, nên họ phải chuyển nhượng lại cho người khác".

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu tái định cư P.Tân Thới Nhất, có hơn 50% các hộ dân TĐC tại đây đã chuyển nhượng nền đất của họ. Tình trạng "bán lúa non" cũng diễn ra ở chung cư Bình Trưng Đông, khu tái định cư 17,3 ha (Q.2), chung cư Hà Kiều (Q.Gò Vấp)...

Điều đáng nói, mặc dù UBND TP.HCM đã chỉ đạo các quận - huyện và cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý việc mua bán phiếu căn hộ, nền đất tái định cư, nhưng thực tế lệnh cấm này tỏ ra thiếu hiệu lực.

Ông Nguyễn Văn Đóa, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu tái định cư P.Tân Thới Nhất, thừa nhận: "Không thể nào ngăn nổi tình trạng "bán lúa non", bởi việc chuyển nhượng của họ hoàn toàn hợp pháp".

Ông Đóa cho biết, trước đây, nhằm hạn chế việc chuyển nhượng nền đất tái định cư tại dự án, Ban quản lý chỉ giải quyết thủ tục cho người đứng tên được cấp nền đất, sau khi hoàn tất đầy đủ thủ tục mới giải quyết chuyển nhượng cho người thứ ba.

Ngay sau đó, những người mua, bán nền tái định cư đã "lách" quy định trên bằng cách làm hợp đồng ủy quyền có công chứng, với các thỏa thuận, như: được quyền thay mặt và nhân danh bên ủy quyền liên hệ các cơ quan có thẩm quyền để nộp tiền, ký và nhận bàn giao nền đất, làm giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy tờ có liên quan đến nền đất...

"Với những văn bản pháp lý như vậy, thì chúng tôi đành chào thua", ông Đóa nói. Thế là sau một thời gian tạm lắng, tình trạng "bán lúa non" tiếp tục diễn ra nhộn nhịp tại các khu tái định cư trên địa bàn TP.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, đến nay thành phố còn 266 hộ dân thuộc các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và 145 hộ thuộc các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách chưa được bố trí tái định cư, chưa kể gần 400 hộ dân khác đang khiếu nại, chuyển vị trí tái định cư, chưa đủ tiền đóng...

Thế nhưng, qua các chuyến khảo sát, ông Nguyễn Văn Bạch, đại biểu HĐND TP.HCM, nhận xét: "Số hộ dân được bố trí tái định cư như báo cáo của các cơ quan chức năng thành phố có khoảng cách khá xa so với thực tế".


Theo Thanh Niên