Top

Nhà văn hóa lao động quận, huyện: Xây xong rồi để… đó!

Cập nhật 24/03/2008 13:00

Nhiều năm nay, LĐLĐ TP đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng hệ thống Nhà văn hóa lao động (NVH LĐ) trực thuộc LĐLĐ các quận huyện, nhắm đến đối tượng phục vụ là đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức - lao động (CBCNVC-LĐ) trên địa bàn. Thế nhưng thực tế, nhiều NVH LĐ không hoạt động được mà trở thành nơi cho thuê mặt bằng, tổ chức đám cưới…

Nhà... cho thuê

“Bạn biết NVH LĐ quận nằm ở đâu không?”. “- Không”. “Có từng nghe nói tới chưa?”. “-Chưa!”. “Vậy lúc rảnh đi đâu chơi?”. “-Ở trong phòng ngủ, nhậu…”.

Đảo qua KCX Linh Trung 1, Linh Trung 2, KCN Bình Chiểu trên địa bàn quận Thủ Đức, chúng tôi làm cuộc phỏng vấn bỏ túi ngẫu nhiên với khoảng 20 công nhân (CN). 100% CN được hỏi không biết hoặc chưa từng nghe nói tới NVH LĐ - nơi được xây dựng để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho CN.

NVH LĐ Thủ Đức rộng hơn 1.400m2, nằm sâu trong đường Lê Quý Đôn - một con đường nhỏ, ít người qua lại và cách xa các KCX-KCN trên địa bàn. Sau hơn 2 năm hoạt động, NVH LĐ chỉ mở được vỏn vẹn 3 lớp: thể dục thẩm mỹ nữ, múa hiện đại và yoga. Anh Vũ Đình Cường - Giám đốc NVH LĐ quận Thủ Đức nói: “Trước có lớp trang điểm và đàn ghita nhưng “ế” quá phải dẹp”.

Mặc dù trụ sở NVH LĐ có 1 trệt, 1 lầu và khoảng sân rộng nhưng do “sống” chung với LĐLĐ quận nên phạm vi hoạt động của NVH LĐ chỉ gồm 1 sảnh và 3 phòng. “3 phòng mở được 3 lớp, còn sảnh dưới trệt được thiết kế “lỡ chợ lỡ quê”: Tổ chức hội nghị thì loãng còn diễn văn nghệ thì khó lắp đặt sân khấu, âm thanh, ánh sáng” - anh Cường cho biết.

3 lớp học hiện có cũng do tư nhân vào thuê phòng của NVH để chiêu sinh. Học viên đa phần là dân địa phương, HS-SV. Số CN-LĐ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để có nguồn nuôi sống NVH, BGĐ dùng trụ sở làm nơi cho thuê mặt bằng tổ chức cưới, hội nghị khách hàng, trưng dụng sân bãi làm chỗ giữ xe hơi cho các cơ quan…

NVH LĐ quận 7 cũng rơi vào tình trạng tương tự. Với 2 hội trường và vài phòng học, NVH LĐ quận 7 chỉ hợp đồng với cá nhân, tổ chức bên ngoài để mở lớp tin học và luyện thi đại học cho đối tượng chủ yếu là… HS-SV.

Cả năm 2007, hoạt động thường xuyên của NVH là cho thuê hội trường để tổ chức hội thảo và cho thuê mặt bằng để tổ chức khoảng… 10 đám cưới. Tuyệt nhiên không có hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao nào được tổ chức tại NVH. Dù chỉ cách KCX Tân Thuận chưa đầy 200m nhưng rất ít CN biết được có một NVH LĐ dành cho họ ở nơi này.

Ít hoạt động dành cho CN-LĐ

Dù được đánh giá là hoạt động khá nhưng NVH LĐ quận 11 và quận Bình Thạnh vẫn chưa tổ chức được nhiều hoạt động dành riêng cho CN. Nổi bật là game show “Alo âm nhạc” - kết hợp vui chơi và tuyên truyền Luật Lao động của NVH LĐ quận 11 cũng chỉ mới dừng lại ở việc thực hiện 2 lần/tháng. Địa điểm chật hẹp, NVH LĐ quận 11 không tổ chức được sân chơi thể thao. CLB bóng bàn ở đây đã từng được thành lập nhưng không “sống” được.

Tại NVH LĐ quận Bình Thạnh có đến 75 lớp năng khiếu với đủ loại hình từ bơi lội, thể hình, quần vợt, thẩm mỹ, múa hiện đại, đàn organ… nhưng người học chủ yếu cũng là HS-SV và dân địa phương.

Đến hẹn lại lên, CN-LĐ chỉ đến NVH trong những đợt hội diễn văn nghệ, hội thao do LĐLĐ tổ chức. Anh Nguyễn Đoan, Giám đốc NVH LĐ Bình Thạnh cho biết: “Trước đây, chúng tôi có tổ chức CLB sinh hoạt cuối tuần cho CN độc thân, tạo cơ hội cho họ gặp gỡ, kết bạn nhưng sau một thời gian thì bỏ vì không có người tham dự”.

Do không thể lôi kéo CN-LĐ đến sinh hoạt, để “cứu” phong trào, các NVH LĐ phải tìm cách đưa hoạt động đến tận các khu trọ hoặc các KCX-KCN. Game show “Alo âm nhạc” đã “lưu diễn” gần 20 đợt tại các KCX-KCN và công ty trong năm 2007. Còn BGĐ NVH LĐ quận 7 cũng phải gồng gánh chở thiết bị, diễn viên xuống diễn văn nghệ tại các KCX-KCN như cái thời NVH LĐ chưa được xây.

Hoạt động theo kiểu biết gì làm nấy...

Điều ngạc nhiên là cho dù chủ trương xây NVH LĐ tại các quận huyện đã được thực hiện nhiều năm nhưng LĐLĐ TP vẫn chưa đưa ra quy chế hoạt động cho những NVH này.

Anh Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc NVH LĐ quận 11 bức xúc: “NVH LĐ khác với Trung tâm văn hóa, Nhà thiếu nhi và Trung tâm thể dục thể thao ở đối tượng phục vụ, chức năng, nhiệm vụ, phương hướng hoạt động… Thu chi ra sao, cơ chế hoạt động, bộ máy nhân sự thế nào cũng phải tính. Thế nhưng tất cả những việc đó không được quy định. Mỗi nơi phải tự soạn lấy quy chế hoạt động và loay hoay tự tìm hướng đi”.



Dịp hiếm hoi của công nhân Công ty
May Thái Sơn, được thưởng thức
chương trình “Sân chơi giờ tan ca” do
NVH LĐ quận Bình Thạnh tổ chức.

Hiện bộ máy của NVH LĐ các quận huyện đều là cán bộ LĐLĐ kiêm nhiệm, không có chuyên môn về văn hóa văn nghệ và theo mẫu số chung: Chủ tịch, phó chủ tịch LĐLĐ quận, huyện là giám đốc, phó giám đốc NVH. Kế toán, thủ quỹ, bảo vệ… dùng chung với LĐLĐ và hoạt động theo nguyên tắc lấy thu bù chi.

Ngoài tiền đầu tư xây dựng khoảng 4 tỷ đồng/NVH của LĐLĐ TP, việc đầu tư trang thiết bị cho NVH phải trông chờ vào chính quyền địa phương hoặc do NVH tự xoay xở.

Để có kinh phí, NVH LĐ quận 11 phải “trân mình” vay gần 200 triệu đồng mua thiết bị âm thanh, ánh sáng, dụng cụ cho các lớp học, NVH LĐ Bình Thạnh phải cho thuê mặt bằng sân tennis, bán vé bơi… Những nơi kém năng động thì đành… chịu chết! Anh Vũ Đình Cường, Giám đốc NVH LĐ Thủ Đức than: “Mỗi lần diễn văn nghệ phải mượn thiết bị của Trung tâm Văn hóa. Từ ngày khánh thành, Cung văn hóa Lao động TP chỉ hỗ trợ được… một sợi dây thừng kéo co (!)”.

Mới đây, LĐLĐ TP phối hợp với Cung văn hóa Lao động tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ NVH LĐ quận huyện trong… 1 ngày. Với cách làm như hiện nay, nếu không có sự đầu tư căn cơ về đội ngũ cán bộ và phương thức hoạt động, việc tiếp tục đầu tư xây dựng NVH LĐ tại các quận huyện sẽ không tránh khỏi lãng phí, trong khi chuyện thiếu sân chơi cho hàng trăm ngàn CN vẫn không được giải quyết.

Hiện TP có 4 NVH LĐ tại các quận, huyện đã đi vào hoạt động: NVH LĐ quận 7, 11, Bình Thạnh, Thủ Đức; 2 NVH LĐ mới khánh thành: NVH LĐ huyện Bình Chánh, Nhà Bè; đang xây dựng 4 NVH LĐ tại quận 12, Bình Tân, Tân Phú và huyện Củ Chi; đang có kế hoạch xây dựng: 4 NVH LĐ tại quận 2, 6, 8, Gò Vấp. Kinh phí xây dựng mỗi NVH LĐ từ 4 - 8 tỷ đồng.


Theo Sài Gòn Giải Phóng