Top

Nhà tạm: Nơi cho xây, nơi bảo chờ!

Cập nhật 28/11/2007 10:00

Theo Quyết định 04 của UBND TP.HCM, ngày 17-1-2006, khu vực đã có quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 hoặc 1/500 được duyệt nhưng chưa có quyết định thu hồi đất để thực hiện theo quy hoạch thì được cấp phép xây dựng tạm.

Riêng quy hoạch đường dự phóng có được xếp vào nhóm này để xét cấp phép tạm hay không thì các nơi có cách hiểu khác nhau. Trong khi đó, Nghị định 186 ngày 5-11-2004 về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thì cấm xây dựng nhà ở trên đất dành cho đường bộ. Có ý kiến cho rằng đường dự phóng cũng là đường bộ nên không cấp phép xây dựng tạm.

Một số quận như Bình Thạnh, quận 7... vẫn cấp giấy phép xây dựng tạm cho trường hợp trên với quy mô công trình một trệt một lầu như Quyết định 04. Trong khi đó, quận 12 lúng túng nên gửi văn bản hỏi Sở Xây dựng và Sở Giao thông công chính. Sở Giao thông công chính trả lời việc cấp phép hay không là nhiệm vụ của Sở Xây dựng, còn sở này chỉ quản lý về đường sá, cầu cống, giao thông...

Mấy tháng nay, Sở Xây dựng vẫn chần chừ chưa có văn bản hướng dẫn dứt khoát đường dự phóng có được cấp phép xây dựng tạm hay không. Trong lúc đó, quận 12 linh động cấp phép tạm cho trường hợp nhà đã có “giấy hồng”, còn đất trống có “giấy đỏ” thì chờ Sở Xây dựng hướng dẫn.

Việc nhà được cấp phép tạm có được đăng ký cập nhật biến động trên giấy chủ quyền hay không cũng chưa được quy định rõ ràng. Một số nơi từ chối giải quyết vì giấy phép xây dựng tạm đã có chú thích là nhà chỉ được tồn tại đến khi nhà nước thu hồi đất, chủ nhà phải tháo dỡ không điều kiện.

Về thực tế, nhà tạm cũng không có giá trị trong mua bán, thế chấp... Do đó nhà xây tạm coi như không có nên không công nhận và không cập nhật thay đổi diện tích. Thế nhưng một số ý kiến cho rằng nhà xây dựng theo đúng giấy phép thì phải được nghiệm thu và công nhận, dù công nhận có thời hạn, có điều kiện. Được biết trong tuần này, Sở Xây dựng sẽ có buổi họp để gút lại vấn đề này xem có ghi nhận hay không, ghi như thế nào...

Theo Pháp Luật