Bộ Xây dựng đang cân nhắc việc quy định nhà ở xã hội sau 10 năm mới được bán như một trong những giải pháp nhằm tránh tình trạng nhà ở xã hội không đến với đúng đối tượng, hay tình trạng mua bán qua lại nhằm kiếm lời.
Ngày 14-4, Bộ Xây dựng đã họp trực tuyến với 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TPHCM, Vĩnh Phúc, Đồng Nai và Bình Dương nhằm trao đổi, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng nhà ở cho các đối tượng khó khăn. Đây là những địa phương có nhiều đối tượng khó khăn về nhà ở nhưng cũng là các địa phương có sự chuẩn bị tốt cho chương trình phát triển nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng hy vọng, 5 địa phương trên sẽ tạo ra bước đột phá để triển khai rộng trên phạm vi cả nước.
Cần đột phá, nhưng thiếu cơ chế
Tại cuộc họp trực tuyến giữa lãnh đạo Bộ Xây dựng và 5 tỉnh, thành phố, vấn đề được kiến nghị nhiều nhất là Chính phủ sớm ban hành nghị quyết về cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, để các địa phương có thể triển khai sớm ngay trong đầu năm nay.
Theo ông Nguyễn Tấn Bền, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, thành phố đã thành lập các ban chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và ký túc xá cho sinh viên, rà soát quy hoạch và bố trí quỹ đất xây dựng cho các công trình này. Dự kiến ngày 30-4 tới sẽ khởi công dự án đầu tiên, do đó, rất cần có cơ chế để áp dụng cho những dự án này.
Về phía Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng đề xuất cơ chế thống nhất được áp dụng cho cả những dự án đã triển khai. Từ thực tế, Hà Nội kiến nghị bổ sung tiêu chuẩn người thu nhập thấp và các chế tài quản lý, giám sát, hậu kiểm quá trình phân bổ quỹ nhà xã hội, nhà giá rẻ đúng đối tượng.
"Hà Nội đã từng có dự án nhà ở cho người nghèo, đối tượng xét duyệt rất cẩn thận, nhưng sau khi nhận nhà, người ta đã bán ngay để kiếm lời, mặc dù đã quy định không được phép bán. Đến lúc phát hiện cơ quan quản lý loay hoay không biết xử lý thế nào" - ông Tuấn nói.
Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc cũng băn khoăn, đối với các khu công nghiệp đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư có thể bổ sung thêm hạng mục nhà ở cho công nhân; nhưng với khu công nghiệp đã hoạt động, không còn quỹ đất làm nhà, cần có cơ chế giao bổ sung cho chủ đầu tư đất trống, vì nếu buộc chủ đầu tư giải phóng thêm mặt bằng thì chủ đầu tư không biết tính chi phí vào đâu.
Đại diện tỉnh Đồng Nai và Bình Dương đề nghị, với những khu đất trong đô thị, có giá trị cao nên tăng số tầng, sử dụng thang máy trong dự án. Bỏ thang máy có thể giảm chi phí xây dựng nhưng lại lãng phí trong sử dụng đất (vì không xây cao tầng được)
Nhà giá rẻ sau 10 năm mới được bán
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đã giải đáp một số vướng mắc của các địa phương. Theo đó, nhu cầu bán, mua nhà khác khi đối tượng hưởng thụ dự án nhà xã hội, nhà giá rẻ cải thiện cuộc sống là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, để tránh tình trạng như Hà Nội nêu, Bộ Xây dựng dự kiến đưa ra quy định phải sau 10 năm mới được bán.
Ông Nam nêu ví dụ ở Hồng Kông, sau khi bán, người hưởng thụ nhà ở xã hội phải nộp lại tiền sử dụng đất từ khoản chênh lệch. Ngoài ra, bộ cũng đang nghiên cứu cơ chế chính sách từ nhiều nước khác trên thế giới để áp dụng. "Chắc chắn sẽ phải có chế tài mạnh để quản lý quỹ nhà xã hội sử dụng đúng đối tượng, mục đích", ông Nam khẳng định.
Trong khi vốn ngân sách chưa đáp ứng hết nhu cầu nhà ở xã hội cho các đối tượng, Chính phủ quyết định ưu tiên cho sinh viên, học sinh vì đây là thế hệ tương lai của đất nước. Trong 20.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ đề nghị phát hành để giải quyết khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, dự kiến dành 8.000 tỉ đồng xây dựng ký túc xá trong giai đoạn năm 2009-2011.
Tuy nhiên, ông Nam khuyên doanh nghiệp không nên thụ động chờ đợi mà có thể tự ứng vốn hoặc vay bắc cầu để các dự án có thể nhanh chóng được khởi công. Một số ngân hàng thương mại đã sẵn sàng vào cuộc cùng doanh nghiệp.
Đặc biệt, để triển khai nhanh việc xây dựng cũng như hạ giá thành sản phẩm, Bộ Xây dựng sẽ sớm ban hành mẫu thiết kế điển hình cho nhà ở xã hội để địa phương tham khảo. Giảm thời gian thi công, áp dụng công nghệ xây dựng tiên tiến cũng là biện pháp giảm giá thành cho nhà ở xã hội.
Thứ trưởng Nam cũng cho biết, hiện các doanh nghiệp đã đăng ký với Bộ Xây dựng 79 dự án nhà ở xã hội. Vì vậy, việc các địa phương cần làm ngay là thống kê nhu cầu nhà ở cho các đối tượng, bố trí quỹ đất để triển khai ngay một số dự án đủ điều kiện.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: